Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật trong CAND: Hiệu quả, sáng tạo trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Xác định rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn đặc biệt coi trọng, quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực công tác Công an, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc Luật PBGDPL, các văn bản liên quan.

Công an các đơn vị, địa phương đã bám sát nội dung, yêu cầu; đa dạng, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL.

Trong những năm qua, Công an các đơn vị, địa phương đã bám sát nội dung, yêu cầu của công tác tuyên truyền, PBGDPL nêu trong kế hoạch công tác PBGDPL của Bộ Công an, văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp về công tác PBGDPL và nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng CAND.

Cụ thể, tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan đến an ninh trật tự được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu và nắm vững pháp luật để áp dụng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về kết quả cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND; tiếp tục xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.

1.jpg -0
Lực lượng Công an thường xuyên phối hợp các nhà trường tổ chức nói chuyện, phổ biến giáo dục pháp luật trong học sinh, giáo viên.

Tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật về lĩnh vực hình sự; tố tụng hình sự; xử lý vi phạm hành chính; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; thủ tục hành chính; phòng cháy, chữa cháy, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện về ANTT đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bảo vệ bí mật nhà nước; các quy định pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm… Bộ Công an cũng chủ động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022-2027” nhằm gắn công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, PBGDPL, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của đối tượng PBGDPL, bảo đảm quyền con người quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, đối với cán bộ, chiến sĩ CAND, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL như tổ chức hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt đơn vị, thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức sinh hoạt “Ngày Pháp luật” hàng tháng, Câu lạc bộ nghiệp vụ pháp luật… Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới”. Bộ Công an đã tổ chức thành công Hội nghị tập huấn chuyên sâu công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong CAND ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; nhiều cuộc thi bằng các hình thức như Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Viết về hình ảnh người chiến sĩ CAND trong triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân…

Đặc biệt, công an các đơn vị, địa phương cũng quan tâm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL, đăng tải thông tin tuyên truyền, định hướng tuyên truyền, phản biện xã hội về thành tích, chiến công của lực lượng CAND, các hoạt động kỷ niệm, sự kiện lớn của đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ANTT, các bài viết trao đổi, bình luận, giải thích chính sách, pháp luật… trên ANTV, Báo CAND, Tạp chí CAND, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an… Hoạt động này nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ nói riêng, nhân dân nói chung tiếp cận, trao đổi, thảo luận về những điểm mới trong chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Để triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Công an đã xây dựng và triển khai kế hoạch triển khai Đề án 06 trong CAND, tổ chức truyền thông với hình thức đa dạng, phong phú nhất là những tiện ích mang lại và kết quả thực hiện của lực lượng CAND, tạo sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân tham gia thực hiện.

Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân các thông tin, kiến thức, tư vấn về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực cộng tác, giúp đỡ, hỗ trợ lực lượng CAND đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật với nhiều hình thức như phong trào “3 không với ma túy”, “Phòng, chống vi phạm pháp luật và bạo lực học đường” cho học sinh, sinh viên; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp duy trì các mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, “Camera giám sát an ninh”, “Khu dân cư không có tội phạm”…; xây dựng mới các mô hình “Ba quản, ba phòng”, “Ba tốt, ba giảm”, “Gia đình giáo dân đoàn kết, gương mẫu giữ gìn ANTT”… Đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo như Câu lạc bộ nhà trọ, nhà thuê tháng an toàn về ANTT”, “3 An toàn-3 Không;, “Khu dân cư an toàn nói không với ma túy”; mô hình “Dân vận khéo” như “Lắng nghe dân nói”, “Tiếng loa an ninh”, “Cổng an toàn về ANTT”, triển khai hiệu quả mô hình “Kết nối mạng xã hội - Vì bình yên cuộc sống”, “Zalo-Kết nối bình yên”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC tăng cường công tác tham mưu, tư vấn giúp lãnh đạo Công an và UBND các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền về công tác PCCC tại địa phương; tổ chức triển khai thực hiện tháng cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các chuyên mục như “Alo 114” phát sóng trên ANTV, “Tiêu điểm ANTT” phát trên VOV, chương trình “Vì an ninh cuộc sống” phát trên VTV2… Trong nhà trường, lực lượng Công an cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện tuyên truyền, PBGDPL cho giáo viên, học sinh, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh. Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND được quan tâm, đổi mới hình thức tuyên truyền.

Luật PBGDPL được thông qua ngày 20/6/2012 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013. Qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CAND được nâng cao, công tác xây dựng, thực thi bảo vệ pháp luật được chú trọng; chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL được nâng cao, đảm bảo tuyên truyền, PBGDPL liên quan đến chức năng quản lý của lực lượng CAND đảm bảo kịp thời, chính xác, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

CAND