Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Bộ Công an đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Vận hành, khai thác 7 cơ sở dữ liệu quốc gia

Theo Bộ Công an, những năm qua, thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến dữ liệu đã cho thấy sự quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển đối với lĩnh vực này, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của dữ liệu tại Việt Nam.

Về cơ sở dữ liệu (CSDL), hiện có 69 luật quy định như: Luật Cư trú, Luật Căn cước, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Hộ tịch, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…. Đặc biệt, ngay trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông và Luật Căn cước, là cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh phát triển dữ liệu.

co-so-du-lieu.jpg -0
Bộ Công an kết nối, ứng dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Dữ liệu đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá và là yếu tố quan trọng tạo ra giá trị kinh tế. Phát triển dữ liệu tạo nền tảng cho triển khai, đảm bảo cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định pháp luật để phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy phát triển dữ liệu, chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.

Thực hiện văn bản pháp luật có quy định về dữ liệu đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới sáng tạo. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đẩy mạnh việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt là dữ liệu từ các CSDL quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp theo hướng lấy người dân làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.

Cơ quan nhà nước đã đưa vào vận hành, khai thác 7 CSDL quốc gia gồm: CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia về bảo hiểm, CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc, CSDL đất đai quốc gia, CSDL quốc gia về tài chính và CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Tỷ lệ các bộ, tỉnh đã xác định danh mục CSDL đạt 64%. Số CSDL chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương được thiết lập năm 2023 tăng trưởng 38,5% so với năm 2022, từ 1.280 CSDL lên 2.087 CSDL. Việc công bố kế hoạch và danh mục dữ liệu mở tăng mạnh lên 52% trong năm 2023.

Việc triển khai thi hành văn bản pháp luật về dữ liệu đã góp phần hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về dữ liệu, nâng cao vị trí của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới và đảm bảo an ninh, an toàn, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Xây dựng Luật Dữ liệu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý

Tuy nhiên, theo dự thảo báo cáo tổng kết thi hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu của Bộ Công an cho biết, hành lang pháp lý về dữ liệu của nước ta vẫn còn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, chưa có tiêu chuẩn về dữ liệu thống nhất dẫn đến đang có nhiều loại dữ liệu gồm các độ mật dữ liệu, dữ liệu nhạy cảm, dữ liệu mở… ; cơ chế kết nối, chia sẻ giữa các đơn vị không thống nhất và phù hợp. Các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, hạ tầng thông tin có quy mô từ trung ương đến địa phương có tính chất nền tảng chậm được triển khai, đưa vào khai thác trên quy mô quốc gia (điển hình như CSDL đất đai quốc gia).

Hạ tầng dữ liệu quốc gia còn rời rạc, chất lượng không đồng đều và chưa cao. Đồng thời, sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu để tạo lập nguồn tài nguyên dữ liệu quốc gia quan trọng còn yếu và thiếu đồng bộ chưa đáp ứng  tốt việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Kinh phí đầu tư trang bị hạ tầng, trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và kết quả mang lại chưa tương xứng.

 Việc chia sẻ dữ liệu quốc gia nói riêng và các CSDL từ trung ương tới địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; dữ liệu của doanh nghiệp nằm một cách rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của mỗi doanh nghiệp. Dữ liệu cá nhân vẫn bị khai thác, mua bán trái pháp luật; an ninh, an toàn thông tin tại một số cơ quan chưa đảm bảo. Nhân lực về công nghệ thông tin còn hạn chế.

Vì vậy, Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dữ liệu với các chính sách lớn như sau: Quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quy định về CSDL tổng hợp quốc gia; quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia và quy định về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

Việc xây dựng Luật Dữ liệu không ảnh hưởng, mâu thuẫn với các luật quy định có liên quan về dữ liệu. Tuy nhiên, tại dự thảo báo cáo, Bộ Công an đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dữ liệu cho phù hợp với quy định của Luật Dữ liệu.   

CAND