Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Cảnh báo hành vi thu thập, mua bán trái phép thông tin cá nhân

Những cuộc gọi không mong muốn từ các dịnh vụ như: Bất động sản, y tế, chứng khoán, mời con tham gia học gia sư, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm… Nhiều người không hiểu tại sao số điện thoại của mình lại có thể rơi vào tay những người làm dịch vụ này. Tại sao những nơi này lại có chi tiết các thông tin cá nhân rõ như thế? Thực tế hiện nay có cả một thị trường mua bán thông tin cá nhân hoạt động ngang nhiên…

Thời gian qua, hoạt động thu thập, mua bán trái phép thông tin cá nhân của người dân diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Công an các đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc... ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương.
 

 
Mặc dù Cơ quan công an đã điều tra, xử lý rất nhiều vụ mua bán trái phép tài khoản nhưng tình trạng này vẫn diễn ra rất phổ biến. Cũng chính vì lộ lọt thông tin cá nhân nên hàng ngày các đối tượng xấu đã gọi điện, nhắn tin lừa đảo người dân dưới nhiều hình thức khác nhau như giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án... để đe dọa, yêu cầu người dân chuyển tiền cho chúng. Cũng do đã nắm được thông tin cá nhân nên các đối tượng biết rõ số CMND/CCCD, địa chỉ thậm chí cả tên tuổi các thành viên trong gia đình bị hại nên khi chúng đe dọa, các bị hại thường nghĩ chúng là cán bộ công quyền thật, lo sợ dẫn đến chuyển tiền cho chúng. Ngoài ra, khi có thông tin cá nhân của người dùng, các công ty, doanh nghiệp mua bán nhà đất, cho vay nợ... thường xuyên gọi điện quấy rối, làm phiền khiến nhiều người dân rất bất bình.
Thủ đoạn hoạt động phạm tội nổi lên của các đối tượng là lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) và sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền để đánh cắp thông tin cá nhân của người dân.
 

Đối tượng Đào Xuân Đỉnh và Nguyễn Đức Quảng bị khởi tố về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”

 
Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đào Xuân Đỉnh và Nguyễn Đức Quảng về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự. Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh và một số đơn vị Công an trong tỉnh liên tục nhận được phản ánh của nhân dân về tình trạng thông tin cá nhân gồm tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số CMND, quan hệ gia đình, nghề nghiệp, số tài khoản ngân hàng, số dư tài khoản ngân hàng… của họ bị lộ lọt.  Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, lực lượng chức năng xác định: Đào Xuân Đỉnh, sinh năm 1992, trú tại Thôn Tiền Phong, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình biết được có nhiều người có nhu cầu mua thông tin cá nhân gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản tiết kiệm của khách hàng thuộc ngành ngân hàng, điện lực… để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Từ tháng 5/2021, Đỉnh tìm kiếm và tải về các nguồn thông tin cá nhân ở nhiều nơi để bán thu lợi. Để có dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng, Đỉnh đã tạo các tài khoản để truy cập vào các trang web và từ đó tải khoảng 2 triệu dữ liệu thông tin cá nhân về máy tính cá nhân.
Sau khi có nhiều dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng, Đỉnh lập tài khoản facebook, zalo, Email. Từ đó sử dụng các tài khoản Facebook tham gia vào các hội nhóm và đăng bài quản cáo bán thông tin cá nhân. Để tìm kiếm được nhiều người mua, tháng 5/2022, Đỉnh đã liên hệ, thoả thuận với Nguyễn Đức Quảng, sinh năm 1992, trú tại thôn Nhân Bình, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình về việc bán dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng nhằm thu lợi nhuận. Từ tháng 6/2022 đến tháng 11/2022, Đào Xuân Đỉnh đã tìm kiếm, tải hơn 2 triệu thông tin cá nhân do các tổ chức, cá nhân đang quản lý về máy tính của mình, sau đó cùng với Nguyễn Đức Quảng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, thông qua các ứng dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Gmail đã bán 1.032.100 thông tin cá nhân do một số tổ chức, cá nhân, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
 

Một website rao bán công khai thông tin cá nhân.
 
Cơ quan Công an khẳng định hành vi mua bán thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc… ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh, trật tự. Trước diễn biến phức tạp của tình hình trên, để phòng ngừa kẻ xấu sử dụng thông tin cá nhân trái phép, cơ quan công an khuyến cáo người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh CCCD, CMND mà không rõ mục đích. Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.
 

Những cuộc bán mua dữ liệu cá nhân vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ, ngang nhiên tới trắng trợn. Và điều đáng sợ hơn, ai trong chúng ta cũng đều có thể là nạn nhân của những cuộc đổi chác tràn lan như vậy.
 
Trường hợp bị mất căn cước công dân, chứng minh nhân dân, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của căn cước công dân, chứng minh nhân dân không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất căn cước công dân, chứng minh nhân dân; đồng thời phòng ngừa trường hợp số căn cước của công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật. Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ.
 

Hồng Nhung