Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Cảnh báo từ lợi dụng quyền tố cáo để cưỡng đoạt tài sản

Tố cáo là quyền của công dân được pháp luật quy định, đảm bảo phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; là cơ sở để đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu Nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, tập thể và của cá nhân. Tuy nhiên, một số cá nhân lại lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, tố cáo sai sự thật vì mục đích, động cơ cá nhân; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức bị tố cáo, gây phức tạp tình hình ANTT tại địa phương. Cá biệt, còn có trường hợp lợi dụng tố cáo để cưỡng đoạt tài sản để cưỡng đoạt tài sản phải xử lý hình sự.

Nỗi hận muộn màng…
 

Năm nay bước sang tuổi 71, từng bước ra từ chiến tranh, cầm súng bảo vệ Tổ quốc trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những tưởng Nguyễn Thế Hữu (SN 1952, ở xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) sẽ vui vầy bên gia đình, bên con cháu. Thế nhưng, vì toan tính nhỏ nhặt, vì nghe những lợi xúi dục, Hữu đã viết đơn tố cáo cán bộ xã gửi các cấp. Mặc dù được các cơ quan chức năng trả lời đơn thư, chuyển công tác cán bộ kia, thế nhưng Hữu vẫn đeo bám để tố cáo. Hơn 9 tháng gọi điện, gửi đơn, Hữu đã ngã giá cho việc không viết đơn nữa là được nhận lại với số tiền 50 triệu đồng. Với mong muốn được ổn định, không làm tổn hại danh dự, uy tín đối với bản thân và gia đình, được công tác, người cán bộ kia buộc phải đưa cho Nguyễn Thế Hữu 50 triệu đồng. Thế nhưng, cuộc hẹn giữa trưa tại quán cà phê định mệnh, Hữu bị bắt quả tang vì hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
 
 

Tại cơ quan Công an, Hữu đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Nỗi ân hận cũng đã muộn màng trên khóe mắt, bước chân của người đàn qua tuổi thất thập. Và trong giọt nắng chiều xuyên qua cửa sổ nhà tạm giữ Công an huyện Can Lộc, một nỗi nuối tiếc trong chúng tôi, giá mà họ thức tỉnh, không vì hám lợi, trung thực, thực hiện quyền tố cáo đúng nghĩa thì đâu phải trả giá đắt cho quãng đời còn lại của tuổi già như Nguyễn Thế Hữu

Không ai đứng trên pháp luật

Về pháp lý thì quyền tố cáo của công dân được quy định tại Điều 30, Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Việc tố cáo được thực hiện trọng phạm vi, trình tự, thủ tục, nội dung theo Luật Tố cáo 2018 và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP, ngày 04/10/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và một số biện pháp thi hành Luật Tố cáo. Theo đó công dân khi thực hiện quyền tố cáo cần xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều 9, Luật Tố cáo. Công dân được hưởng các quyền như được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. 
 

Tuy nhiên, người tố cáo cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, đặc biệt là nghĩa vụ trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra (khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018). Luật Tố cáo cũng nghiêm cấm nhiều hành vi đối với người tố cáo, như: Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo; lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.

Về chế tài áp dụng đối với người có hành vi cố tình tố cáo sai sự thật, Khoản 3, Điều 30, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Nghiêm cấm việc… lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định cụ thể, chi tiết tội vu khống: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền...”. Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Người tố cáo...vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Như vậy, hệ thống pháp luật hiện hành đã có quy định về chế tài xử lý người tố cáo sai sự thật trong khuôn khổ pháp lý chặt chẽ.

Thực tiễn công tác giải quyết tố cáo từ trước đến nay, cho thấy vẫn còn sự việc tố cáo khi chưa rõ hành vi vi phạm, chỉ nghe thông tin rồi phát sinh tố cáo; tố cáo khi không rõ quy định của pháp luật hoặc tố cáo khi không đạt mục đích từ việc giải quyết khiếu nại; tố cáo các nội dung không đúng sự thật, bịa đặt nội dung tố cáo vì động cơ cá nhân. Việc tố cáo sai sự thật không chỉ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và người bị tố cáo mà còn lãng phí thời gian, công sức, tài sản của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cá biệt còn có trường hợp lợi dụng tố cáo để cưỡng đoạt tài sản.

Để hạn chế tình trạng trên trong thời gian tới, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng pháp luật về tố cáo đến cá nhân, tổ chức và toàn thể nhân dân, đặc biệt là các hành vi nghiêm cấm và quy định xử lý các hành vi tố cáo sai sự thật. Trường hợp cố ý tố cáo sai sự thật có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan chức năng để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với người dân có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, trước mắt yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức kiểm điểm trước Nhân dân nơi cư trú để chấn chỉnh, răn đe. Có như vậy, sẽ hạn chế được tình trạng đơn tố cáo sai sự thật, kéo dài, vượt cấp, phức tạp như thực tiễn thi hành pháp luật tố cáo thời gian qua.
 

Theo Thượng tá Dương Anh Hùng, phó trưởng Công an huyện Can Lộc, Hà Tĩnh: thời gian qua trên địa bàn huyện Can Lộc có một vài trường hợp gửi đơn tố cáo kéo dài, trong số đó có trường hợp gửi đơn tố cáo sai sự thật, thậm chí xuất phát từ động cơ mục đích, động cơ không trong sáng để cưỡng đoạt tài sản, bị cơ quan Công an phát hiện, xử lý. Đây cũng là bài học đắt giá để mỗi người dân thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo, tuân thủ các quy định của pháp luật, tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật.

 

Ngọc Diệp - Thành Châu