Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Chủ động phòng ngừa vi phạm về pháo trong thanh thiếu niên, học sinh

Mặc dù đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng gần Tết, tình trạng thanh thiếu niên học sinh vẫn mua nguyên liệu thuốc nổ trên mạng xã hội rồi học cách tự chế pháo để sử dụng trái phép, theo đó những vụ tai nạn thương tâm do thanh thiếu niên tự chế pháo vẫn xảy ra, để lại gánh nặng cho toàn xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ANTT trên địa bàn.

Pháo tự chế và những hiểm hoạ khôn lường
Trước đây, đốt pháo nổ vào các dịp Tết Nguyên đán vốn là một trong những hoạt động quen thuộc của nhiều người dân và song song với đó thì tình trạng người bị tai nạn liên quan đến pháo, đặc biệt là pháo nổ tự chế ngày càng tăng. Thực trạng này cho thấy, hiện còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn có thái độ chủ quan, thiếu hiểu biết về các quy định trong quản lý và sử dụng pháo nổ. Nhưng buồn thay, từ sự chủ quan ấy đã dẫn đến không ít trường hợp phải mang thương tật vĩnh viễn.
Thực tế cho thấy, việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng pháo nổ để lại không ít hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Trước thực trạng đó đã có nhiều văn bản pháp luật được ban hành nhằm nghiêm cấm những hành vi liên quan đến pháo. Song trên thực tế, trong thời điểm lùi về những ngày cuối năm có không ít cá nhân vẫn lén lút sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ. Hệ quả là những tai nạn về pháo, đặc biệt là pháo nổ “tự chế” đã xảy ra, không chỉ để lại hậu quả cho chính nạn nhân mà còn biến họ thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Bởi xuất phát từ tính năng của pháo thì ngoài nguy cơ gây ra cháy nổ, hỏa hoạn, pháo nổ còn gây ra những chấn thương cho các bộ phận trên cơ thể, để lại di chứng rất nặng nề cho người bệnh.

 
Mang thương tật vĩnh viễn vì tự chế pháo nổ
Nguy hiểm là vậy, song thực trạng đáng báo động này vẫn thường xuyên tái diễn, nhất là mỗi khi dịp Tết cận kề. Bởi, các loại pháo nhất là pháo tự chế với tính năng của nó, thường kích thích sự tò mò đối với nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Qua thực tiễn công tác điều tra, xử lý được biết, nhiều em học sinh trên địa bàn Hà Tĩnh đã bắt chước, học "chế" pháo theo các video, quảng cáo hướng dẫn trên mạng xã hội trong khi chưa hiểu rõ về các chất hóa học trong thuốc, quy trình vận chuyển cũng như sử dụng pháo nổ cho hoạt động thực tế…nên hâu quả đáng tiếc đã xảy ra.
Có thể thấy rằng, tiếng pháo ngày Tết tuy mang lại chút không khí rộn ràng, nhưng hệ lụy là vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe lẫn tình hình an ninh trật tự. Chúng ta đều hiểu rằng, đau đớn có thể sẽ qua đi, nhưng nỗi ám ảnh về tinh thần hay di chứng, thương tật sẽ vĩnh viễn để lại trên cơ thể bệnh nhân do pháo nổ gây ra. Đây chính là hậu quả cho sự chủ quan về tác hại cũng như thiếu hiểu biết về các quy định trong sử dụng pháo nổ.
 
Chủ động phòng ngừa tình trạng pháo tự chế
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tính từ ngày 15/9/2022 đến ngày 31/12/2022, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 78 vụ, 115 đối tượng có các hành vi vi phạm về pháo, thu giữ 1,5 tấn pháo các loại; đã khởi tố 17 vụ, 29 bị can về các tội danh có liên quan, góp phần kiềm chế tình trạng chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ trên địa bàn.
Qua rà soát, thực trạng báo động hiện nay là tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan pháo nổ. Trong tổng số các vụ nói trên có 43 vụ (chiếm 55,1% số vụ), 62 trường hợp (chiếm 54% số đối tượng) do học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi gây ra. Tập trung chủ yếu là các hành vi trao đổi, mua hóa chất trên các trang thương mại điện tử, chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng internet để bán và tàng trữ, sử dụng trái phép pháo. Lực lượng Công an đã khởi tố 02 vụ, 03 bị can có liên quan; xử phạt hành chính 41 vụ, 59 đối tượng.
Công an huyện Hương Khê bắt giữ 09 em học sinh có hành vi tàng trữ pháo tự chế
Điển hình, ngày 15/12/2022 Công an huyện Hương Khê bắt giữ 09 em học sinh Trường THCS Hương Trà có hành vi tàng trữ trái phép pháo, thu giữ 110 quả pháo tự chế và một số phụ kiện để chế tạo pháo, gồm: Nguyễn Kim Hoàng (SN 2010), Lê Hữu Tú (SN 2010), Đinh Quốc Bảo (SN 2010), Phạm Cao Đạt (SN 2010) trú tại xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, Kiều Xuân Nam (SN 2010), Nguyễn Văn Huân (SN 2010) trú tại xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Phan Hải Đăng (SN 2010), Trần Văn Bảo (SN 2009), Vũ Công Bằng (SN 2010) trú tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê.
 

Các em học sinh và số pháo tự chế tại Công an huyện Lộc Hà 
Trước đó, ngày 04/12/2022 Công an huyện Kỳ Anh bắt giữ 04 đối tượng có hành vi buôn bản pháo nổ, thu giữ 16,9 kg pháo, gồm: Nguyễn Công Thành (SN 2004), Nguyễn Nhật Giang (SN 1995), Nguyễn Xuân Nam (SN 2005); Nguyễn Xuân Anh (SN 2006) đều trú tại xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, trong đó Nguyễn Xuân Nam là học sinh lớp 12A6 trường THPT Nguyễn Huệ; Nguyễn Xuân Anh là học sinh lớp 12A9 Trường THPT Bích Châu.
Cũng qua khảo sát trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022, đã có 07 vụ, 07 trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên bị tai nạn thương tích về pháo (chiếm 33,3% trong tổng số vụ, số trường hợp tai nạn pháo), trong đó nhiều em phải chịu thương tật vĩnh viễn, để lại nhiều hậu quả xấu cho cá nhân và người thân các em trước mắt và cả tương lai sau này.
 

Công an Hà Tĩnh thu giữ lượng lớn pháo tự chế trong thanh thiếu niên, học sinh trên địa bàn
Theo Thiếu tá Phạm Đình Sang, Đội trưởng Đội đăng ký, quản lý vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Hà tĩnh, thực tiễn công tác đấu tranh cho thấy hầu hết các vụ chế tạo pháo trong học sinh, thanh thiếu niên hiện nay đều do các em đều thông qua mạng xã hội để nghiên cứu, tự làm theo và tự liên hệ mua các vật liệu tự chế tạo pháo nổ được rao bán trên các trang thương mại điện tử.
Trước thực trạng trên, để chủ động phòng ngừa, quản lý chặt chẽ, không để tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm về pháo gia tăng phức tạp, Công an tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Tình đoàn, UBND các huyện, thành phố, thị xã và Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, tầng lớp thanh, thiểu niên bằng các hình thức, phương pháp phù hợp, nhất là thông qua các buổi sinh hoạt, hội nghị, diễn đàn, các hội nhóm của lớp, trường, tổ chức đoàn, đội... Nội dung tuyên truyền cần tập trung nhấn mạnh các hành vi bị nghiêm cấm, những hậu quả tác hại của việc chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, chế tài xử lý của pháp luật và xử lý của nhà trường, tổ chức đoàn đối với trường hợp vi phạm ...
 

Tổ chức ký cam kết với cấp uỷ chính quyền và các tổ chức Đoàn về chấp hành các quy định của pháp luật về pháo
Đồng thời, tổ chức ký cam kết, giao trách nhiệm cho gia đình, tổ chức đoàn cơ sở trong quản lý nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong các em học sinh, sinh viên, tầng lớp thanh thiếu niên không tham gia chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo và vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thường xuyên nắm bắt diễn biến, tình hình của học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, nhất là những em có biểu hiện nghi vấn chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép về pháo.
Để phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên, học sinh tàng trữ, chế tạo và sử dụng pháo nổ trái phép, lực lượng Công an các cấp đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành giáo dục, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ; tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh quyết liệt đối với các vi phạm về pháo nổ. Ngoài việc xử lý theo quy định thì khi phát hiện các trường hợp là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về cho chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để phối hợp quản lý, giám sát và giáo dục.

Nga Nguyễn