Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 có ý nghĩa quyết định đến thành công chuyển đổi số quốc gia

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tại phiên họp thứ tám của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành nhiều lời khen, biểu dương, ghi nhận những kết quả, đóng góp của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án 06, chuyển đổi số. Những mô hình ứng dụng chuyển đổi số của Đề án 06 đang được Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế cũng như các tỉnh, thành phố áp dụng, triển khai đã mang lại những kết quả, giá trị to lớn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 chính là nền tảng đặc biệt quan trọng góp phần mang lại những thành tựu to lớn về chuyển đổi số nói trên.

du lieu.jpg -0
Từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhiều dịch vụ, thủ tục hành chính đã trực tuyến, liên thông, giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức.
 

Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định vai trò to lớn của dữ liệu đối với công tác chuyển đổi số quốc gia. Dữ liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và mức thu nhập cao vào năm 2045.

Bộ Công an đã triển khai hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định 142, đó là tổ chức triển khai thực hiện và giám sát thực hiện các quy định pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc kết nối liên thông, tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử với các hệ thống dịch vụ công và khai thác sử dụng, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, xuất nhập cảnh và chủ trì hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác bảo vệ dữ liệu, bảo đảm an ninh dữ liệu.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58 phê duyệt kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số với trên 70 nhiệm vụ và Chỉ thị số 04 tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 của Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương. Ở cả hai nội dung chỉ đạo trên, Thủ tướng Chính phủ đều đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển, kết nối, làm giàu… dữ liệu tạo ra những giá trị mới từ dữ liệu góp phần phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Thống kê của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, hiện các cơ quan Nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Đến hết Quý I/2024, có 14 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu theo quy định, đạt tỷ lệ 77%, tăng 11% so với năm 2023. Còn 9 bộ, ngành và 11 địa phương chưa ban hành danh mục cơ sở dữ liệu. Tổng số cơ sở dữ liệu thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau hiện nay là 2398 cơ sở dữ liệu, tăng 311 cơ sở dữ liệu so với năm 2023.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước phục vụ công tác điều hành, quản lý và cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai cũng như khai thác tối đa giá trị của dữ liệu.

Điển hình như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đã kết nối với 18 bộ, ngành (tăng 2 bộ so với năm 2023), 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp, đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận trên 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin (tăng 213 triệu so với năm 2023); nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với 388 hệ thống, cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối. Từ đầu năm 2024 đến nay, có trên 288 triệu giao dịch (bằng khoảng 44,3% tổng giao dịch của năm 2023), trung bình mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch thực hiện qua nền tảng này. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia từ khi đưa vào sử dụng đến nay khoảng 2 tỷ giao dịch.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Bộ Công an đã tổ chức 2 phiên họp do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai Đề án 06; 2 phiên họp do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì liên quan việc hoàn thiện nghị định về lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách Nhà nước.

Tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ trong Quý I, nhiều nhiệm vụ, giải pháp cũng được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án 06 nói riêng và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nói chung. Bộ Công an duy trì đều đặn hàng tháng các phiên họp Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương liên quan. Sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng như các thành viên tổ công tác ở các bộ, ngành, đã giúp đẩy mạnh triển khai Đề án 06, chuyển đổi số quốc gia.

Để góp phần phát triển xã hội số, công dân số, Quý I/2024, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ CCCD gắn chip, đồng thời tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Tỷ lệ này đạt gần 72% hồ sơ tiếp nhận. Cũng trong Quý I, ứng dụng VNeID đã tích hợp 8 dịch vụ tiện ích. Đến hết tháng 3/2024 đã có gần 30 triệu lượt truy cập (tăng 3 triệu lượt truy cập so với tháng 2/2024).

Cùng với những dịch vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, ngày 22/4 vừa qua, Bộ Công an, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, nhân lực cho người dân cũng như cơ quan chức năng trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, phòng, chống tham nhũng vặt. Ngoài TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành khác như Quảng Ninh, Kiên Giang, Đà Nẵng, Bình Dương… cũng triển khai ứng dụng nhiều mô hình chuyển đổi số của Đề án 06 góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính phục vụ nhân dân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và những nền tảng phát triển công dân số, xã hội số do Bộ Công an phát triển, triển khai đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt theo như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, thống kê của Ủy ban quốc gia chuyển đổi số cho thấy, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt trên 77%. 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, cũng từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, những mô hình ứng dụng chuyển đổi số của Đề án 06 như các kiosk khám chữa bệnh tự động được lắp đặt tại các bệnh viện không chỉ có chức năng khám chữa bệnh tự động, khai báo dịch vụ lưu trú…, mà còn giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thanh toán viện phí, dịch vụ rất thuận tiện.

100% các cơ sở đào tạo y tế thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Khoảng 64% người dân hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp ở khu vực đô thị nhận qua tài khoản cá nhân. Trên 1 triệu đối tượng nhận chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trong tổng số trên 1,8 triệu đối tượng có tài khoản thanh toán ở ngân hàng. Điển hình như TP Hà Nội triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính qua mã QR được tích hợp trực tiếp trên hệ thống cung cấp dịch vụ công khi phát sinh hồ sơ giao dịch tại bộ phận một cửa.

CAND