Coi chừng lừa đảo với dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe online
Thời gian gần đây, số lượng người dân đi làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe tăng đột biến đã dẫn đến một số địa điểm làm thủ tục quá tải, xếp hàng dài chờ đến lượt. Nhiều người vì ngại cảnh xếp hàng chờ đợi và không muốn mất thời gian nên đã tìm đến dịch vụ cấp, đổi bằng online.
Tuy nhiên, việc thuê dịch vụ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ lọt thông tin, thậm chí có thể khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo.
Vô tình tiếp tay cho tội phạm
Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “cấp, đổi bằng lái xe” ngay lập tức sẽ hiện ra rất nhiều hội nhóm và trang web làm về dịch vụ này. Nhiều đối tượng còn quảng cáo, khách hàng không cần đến Sở Giao thông vận tải để chụp ảnh và bên dịch vụ sẽ tự lo giấy khám sức khỏe. Giấy phép lái xe sẽ được gửi về tận nhà. Khách hàng chỉ cần cung cấp cho phía làm dịch vụ bản sao một số giấy tờ cá nhân, căn cước công dân, ảnh thẻ. Trên một website đăng nội dung quảng cáo như sau: “Sau 7 ngày kể từ ngày đi chụp ảnh đối với trường hợp đổi và sau 60 ngày kể từ ngày đi chụp ảnh đối với trường hợp cấp, khách hàng sẽ nhận được bằng lái”.
Một bài viết quảng cáo về dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe online.
Trên mạng xã hội, trong các hội nhóm, hàng loạt tài khoản cũng đăng bài viết quảng cáo về dịch vụ này. Tài khoản Facebook Lê Nam quảng cáo: “Nhận làm dịch vụ cấp lại bằng lái xe khi bị mất; đổi bằng lái xe khi bị rách, gãy, mờ; gia hạn khi bằng lái xe chuẩn bị hết hạn... thực hiện theo đúng quy định của Sở GTVT”. Bên dưới bài viết, tài khoản này đăng tải hàng loạt bức ảnh về cảnh xếp hàng tại Sở Giao thông vận tải Hà Nội để thu hút khách hàng.
Liên hệ thông qua số điện thoại hiển thị trong bài viết, người này cho biết, để sử dụng dịch vụ, khách hàng cần gửi hình ảnh căn cước công dân 2 mặt, hình ảnh bằng lái xe cũ 2 mặt, ảnh chân dung và hình ảnh chữ ký. Chủ tài khoản Lê Nam cho biết: “Bên em có 2 loại dịch vụ là loại 950.000 đồng và loại 1,45 triệu đồng. Với loại đắt tiền hơn, khách hàng không cần đến Sở GTVT để chụp ảnh. Về giấy khám sức khỏe, bên em sẽ lo được cho khách hàng”.
Cũng đăng bài quảng cáo dịch vụ này, tài khoản Facebook Hằng Nguyễn thông báo mức giá đổi giấy phép lái xe ôtô là 1,1 triệu đồng. Hằng Nguyễn cam kết: “Bên em cam kết sau 7 ngày là bằng lái xe được ship về tận nhà cho chị”.
Mới đây, Công an huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) cho biết đã khởi tố đối tượng Trần Văn Trí, sinh năm 1991, trú tại thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Để có tiền tiêu xài, Trí mạo nhận là giáo viên của một trung tâm đào tạo lái xe tại TP Vinh, đăng thông tin tuyển sinh với cam kết sẽ “bao đậu” phần lý thuyết nếu đăng ký hồ sơ học lái xe tại trung tâm qua Trí. Khi khách hàng tin tưởng, Trí nói họ nộp từ 12 - 20 triệu đồng/người.
Cơ quan Công an xác định, từ năm 2021 đến khi bị bắt giữ, Trần Văn Trí đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người có nhu cầu học bằng lái xe ôtô trên địa bàn các huyện Tân Kỳ, Thanh Chương, Nam Đàn… với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Cũng bằng những thủ đoạn tương tự, đối tượng Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1992), trú tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa lên mạng xã hội đăng tải nội dung nhận làm hồ sơ thi, cấp đổi, nâng hạng, phục hồi giấy phép lái xe ôtô rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện Tân Kỳ (Nghệ An) phát hiện chủ tài khoản Facebook “Mạnh Hùng” đăng tải nội dung nhận làm hồ sơ thi, cấp đổi, nâng hạng, phục hồi giấy phép lái xe ôtô có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, có rất nhiều người ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có công dân của huyện Tân Kỳ đã liên hệ với chủ tài khoản nói trên để làm hồ sơ thi bằng lái xe ôtô và nâng hạng bằng lái. Nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của đối tượng.
Đối tượng Nguyễn Văn Hùng và các bài viết mời chào làm giấy phép lái xe online.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ Công an xác định, chủ tài khoản Facebook trên chính là là Nguyễn Văn Hùng. Ngay sau đó, Nguyễn Văn Hùng đã bị bắt giữ để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Hùng đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Mặc dù không có nghề nghiệp ổn định nhưng Hùng đã giới thiệu bản thân là “giáo viên dạy lái xe của Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe; nếu đăng ký làm hồ sơ thi bằng lái xe ôtô, nâng hạng thì không phải thi phần lý thuyết, chỉ cần thi phần sát hạch và sẽ được bao lo từ A đến Z”.
Qua đấu tranh, bước đầu Công an huyện Tân Kỳ xác định: Nguyễn Văn Hùng đã lừa đảo 15 bị hại ở các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông (tỉnh Nghệ An) và 10 bị hại ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Gia Lai và Bình Phước để chiếm đoạt số tiền hơn 300 triệu đồng.
Trước đó, theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn, đơn vị này đã đấu tranh triệt phá vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức hỗ trợ làm bằng lái xe online.
Theo phản ánh của bị hại, vào khoảng tháng 9/2023, anh C.X.D (sinh năm 1983), trú tại Tiểu khu Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng (Ngân Sơn, Bắc Kạn) có nhu cầu học bằng lái ôtô hạng FC. Trong quá trình tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook, anh D thấy tài khoản mang tên “Trần Việt Hoài” đăng tải nhiều nội dung hỗ trợ đăng ký thi giấy phép lái xe, đăng ký thi nâng hạng giấy phép lái xe hạng D, E, FC nên đã liên hệ và kết bạn qua Zalo theo hướng dẫn.
Sau một thời gian trao đổi, thống nhất giữa hai bên về việc nhận hồ sơ học nâng hạng bằng lái FC, anh D đã chuyển số tiền 15,5 triệu đồng theo hướng dẫn của tài khoản Facebook “Trần Việt Hoài”. Nhưng sau đó khi anh D hỏi về việc khi nào có được bằng thì đối tượng đưa ra nhiều lý do không đúng với thỏa thuận đồng thời chặn mọi liên lạc với anh D. để chiếm đoạt số tiền đã chuyển.
Đối tượng Lâm Thạnh Di tại cơ quan Công an.
Sau quá trình xác minh, truy xét, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn đã bắt đối tượng Lâm Thạnh Di (trú tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Di chính là chủ nhân tài khoản “Trần Việt Hoài”. Tại cơ quan Công an, Di đã khai nhận về hành vi phạm tội của mình.
Mất tiền, mất cả thông tin cá nhân
Để tạo lòng tin cho các bị hại, các đối tượng lừa đảo đã giới thiệu bản thân hiện đang giảng dạy hoặc làm quản lý tại các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe có uy tín. Thậm chí bọn chúng chạy cả quảng cáo, tạo tương tác giả hay sẵn sàng dạy cho các học viên một vài buổi học để lấy lòng tin từ các nạn nhân.
Hiện nay, trên mạng xã hội tràn lan các dịch vụ quảng cáo cấp, đổi giấy phép lái xe. Nhiều đối tượng đã nắm bắt được nhu cầu học viên như ngại học, sợ mất thời gian, sợ thi trượt nên đã lên mạng đăng những lời có cánh, đánh trúng tâm lý nhiều người.
Nhiều người vì ngại mất thời gian, công sức đã tìm đến các dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe online không đáng tin cậy.
Thực tế, khi nghe những lời quảng cáo như: Đăng ký là có bằng, không cần thi; Không cần thi - gói siêu VIP dành cho các bạn không có thời gian, sẽ có người thi hộ lý thuyết và thực hành… Mặt khác, để tạo sự tin tưởng cho người dân, các tài khoản này đều đưa ra khuyến mãi, hỗ trợ mùa dịch, ship COD toàn quốc, bằng thật, có hồ sơ gốc, đảm bảo khi nhận bằng sẽ check mã QR… Chi phí để có một giấy phép lái xe, nếu hạng A1 từ 1,2 - 1,3 triệu đồng; hạng B2 từ 3,5 - 4,5 triệu đồng (bao trọn gói)… Khi bình luận vào các tài khoản này, ngay lập tức nhận được sự mời chào nhiệt tình và chắc chắn như “đinh đóng cột” là có bằng lái xe sau khi đăng ký từ 7 đến 10 ngày.
Trên thực tế, việc học và thi để được cấp giấy phép lái xe là việc làm cần thiết, vì nó đem lại sự an toàn của cá nhân và xã hội. Đừng vì ngại mất thời gian, công sức mà chạy theo các dịch vụ nhanh gọn hay các dịch vụ làm bằng giả để dẫn đến tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Khi có nhu cầu thi hoặc đổi giấy phép lái xe, người dân nên đăng ký tại các cơ sở đào tạo và thi tại trung tâm sát hạch lái xe được cấp phép. Không nên nghe theo các chiêu trò dụ dỗ từ các đối tượng lừa đảo. Vì bên cạnh việc có thể bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo các chuyên gia, việc cung cấp thông tin cá nhân với người lạ có thể khiến người dân gặp một số vấn đề như: bị lộ và rao bán thông tin; bị quấy rầy bởi quảng cáo rác, thậm chí bị hack mất dữ liệu.
Theo ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm Giám sát và An toàn Không gian mạng quốc gia, việc cung cấp thông tin cá nhân với người lạ, cụ thể là các đối tượng đổi giấy phép lái xe online có thể khiến người dân gặp phải một số vấn đề như: Thông tin có thể bị sử dụng sai mục đích mà người cung cấp hoàn toàn không biết. Thông tin bị lộ cũng có thể bị rao bán hoặc trao đổi với những cá nhân hay tổ chức khác. Người dân cũng có thể bị quấy rầy bởi quảng cáo, bán hàng, đầu tư… qua điện thoại, email, tin nhắn từ các cá nhân hay tổ chức công ty không mong muốn.
Ông Hiếu cho biết: “Thông tin của bạn nằm trong tay cá nhân hoặc tổ chức thiếu sự đầu tư về bảo mật dữ liệu sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường về sau như bị hack mất dữ liệu”. Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng, người dân có thể bị lừa đảo, giả mạo danh tính và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân khi để lộ các thông tin cá nhân như căn cước công dân, hộ chiếu, ảnh thẻ...
Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với thủ đoạn trên của các đối tượng, không tiết lộ thông tin cá nhân quan trọng cho bất kỳ ai trên mạng xã hội hay qua các tin nhắn không xác định nguồn gốc.
Để phòng ngừa các nguy cơ trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân, đặc biệt là người có nhu cầu cấp, đổi bằng lái xe nên đến bộ phận tiếp nhận hồ sơ của sở giao thông vận tải nơi đã cấp giấy phép lái xe để được hướng dẫn làm thủ tục, hoặc có thể thực hiện đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình (mức độ 4) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân thông qua bất kỳ hình thức nào để tránh bị đánh cắp dữ liệu, tiếp tay cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Phong Anh/CAND