Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Công điện khẩn về việc ứng phó với diễn biến bão số 9

Từ ngày 28 - 31/10, trên địa bàn Hà Tĩnh khả năng xảy ra một đợt mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to. Tổng lượng mưa dự báo 300 - 500 mm/đợt, có nơi 500 - 700 mm/đợt. Do đó Công an các đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để đảm bảo an toàn cho nhân dân và công tác triển khai ứng phó trong lực lượng Công an, đặc biệt tập trung đảm bảo vấn đề an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, CBCS trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó, tác nghiệp tại thực địa và ứng giúp nhân dân trong thiên tai...


Hồi 7 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 230km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 7 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở 14,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Do đó Công an các đơn vị, địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để đảm bảo an toàn cho nhân dân và công tác triển khai ứng phó trong lực lượng Công an, đặc biệt tập trung đảm bảo vấn đề an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, CBCS trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó, tác nghiệp tại thực địa và ứng giúp nhân dân trong thiên tai. Triển khai các phương án ứng phó với diễn biến của bão, mưa lũ, theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng triển khai ứng phó khi có yêu cầu. Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương kịp thời sơ tán, di dời dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, vùng bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng trũng thấp, ven sông suối; giúp dân chằng chống nhà cửa, gia cố bảo vệ công trình, chặt tỉa cành cây… để hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ. Bố trí lực lượng để tổ chức đảm bảo ANTT, phòng ngừa các đối tượng lợi dụng thiên tai để phạm tội, vi phạm pháp luật, tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, bến đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm, khu vực thường xuyên bị ngập sâu, nước chảy xiết; đảm bảo an toàn cho người, tài sản của nhân dân...

BBT