Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Đồng chí Trần Quốc Hoàn - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Công an nhân dân Việt Nam

Đồng chí Trần Quốc Hoàn (tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh), sinh ngày 23/01/1916 ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình dân nghèo ở một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hoá.


 Đồng chí Trần Quốc Hoàn

Sớm chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh, ngay từ tuổi niên thiếu đồng chí đã tham gia tổ chức Học sinh phản đế của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó đồng chí thoát ly gia đình đi làm phu mỏ chì Boneng ở Lào; Tại đây đồng chí vừa lao động vừa tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 3. 1934, đồng chí đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Hơn 30 năm trên cương vị Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, trên 20 năm tham gia Bộ Chính trị, là Bộ trưởng đầu tiên với thời gian dài nhất, 28 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo trong sự nghiệp cách mạng, đã vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng để xây dựng Công an nhân dân trở thành một lực lượng vũ trang cách mạng tin cậy, tuyệt đối trung thành của Đảng và nhân dân. Sự nghiệp và công lao của đồng chí Trần Quốc Hoàn đối với ngành Công an rất toàn diện, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực công tác của ngành.

1.Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có công lao đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng và xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
Gần 28 năm (1953 -1981), với cương vị lãnh đạo cao nhất của ngành Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng với Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng về chủ trương, đường lối, chính sách; nguyên tắc, phương châm, hình thức và biện pháp đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác; xây dựng lực lượng CAND ngày càng trưởng thành, tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhà nước, tận hiếu với dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng Lãnh đạo Bộ Công an tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề chiến lược sách lược quan trọng, đồng thời tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách đó, đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đập tan âm mưu, ý đồ hoạt động của kẻ thù, bảo vệ vững chắc AN chính trị và giữ gìn TTATXH.

 

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (đứng giữa) và Đại tướng Võ NguyênGiáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với các đại biểu Công an nhân dân vũ trang dự Đại hội đại biểu toàn quốclầnthứ IV của Đảng, tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976

 
Còn nhớ, vào thời điểm sau khi miền Bắc được giải phóng, đồng chí Trần Quốc Hoàn suy nghĩ nhiều về đường lối đấu tranh chống phản cách mạng trong tình hình mới,vì đây là mấu chốt của ngành Công an và của Đảng. Đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng Bộ Công an đã họp bàn nhiều lần và đã đệ trình lên Bộ Chính trị đường lối đấu tranh chống phản cách mạng của ngành Công an. Báo cáo này là cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị ra Nghị quyết 39 (năm 1962) về đường lối đấu tranh chống phản cách mạng trong tình hình mới. Thực tiễn Phong trào quần chúng bảo vệ ANTT của đất nước là nguồn sức mạnh vô tận của ngành Công an, chứng minh tính đúng đắn của Nghị quyết 39: Cuộc đấu tranh chống phản cách mạng nhất thiết phải đặt trên cơ sở động viên toàn Đảng và toàn thể nhân dân tham gia dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng...
Từ đầu những năm 1960, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã đặt vấn đề chi viện cho chiến trường miền Nam là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của CAND miền Bắc, của ngành Công an. Nhiệm vụ chi viện cho An ninh miền Nam, đặc biệt chi viện lực lượng được ghi trong các hội nghị Công an toàn quốc, vì vậy được tiến hành sớm và liên tục trong nhiều năm cho đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Sự chi viện sớm và liên tục của Bộ Công an đối với an ninh miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước góp phần xây dựng lực lượng an ninh miền Nam không ngừng lớn mạnh hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của Đảng và Nhân dân giao phó.
Đặc biệt, đồng chí Trần Quốc Hoàn và Đảng đoàn Bộ Công an đã tham mưu cho Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 40  vào năm 1962 về củng cố và tăng cường lực lượng Công an. Nghị quyết xác định: “cần phải kiên quyết và khẩn trương tăng cường lực lượng Công an thành một công cụ chuyên chính tuyệt đối trung thành với Đảng, có liên hệ mật thiết với quần chúng, thành một lực lượng chiến đấu vững mạnh có tính chất vũ trang, có tổ chức chặt chẽ, thông thạo nghiệp vụ và có trình độ khoa học kỹ thuật”.  Nghị quyết 40 của Đảng đã giúp lực lượng Công an phát triển mọi mặt, vươn lên một tầm cao mới.

 

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thăm, nói chuyện với nhân dân xã Khánh Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình - đơn vị có phong trào bảo vệ trị an tốt năm 1970

 
Cố Bộ Trưởng Trần Quốc Hoàn đã luôn quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh trở thành công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và sự tin cậy của Nhân dân. Đã coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn Thanh niên, thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng công tác quản lý cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khoa học, kỹ thuật. Đã xây dựng được đội ngũ cán bộ Công an tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về khoa học, kỹ thuật, có năng lực lãnh đạo, chỉ huy, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhân dân, có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, nhà nước giao phó. Sinh thời, đồng chí Trần Quốc hoàn cũng đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng tình đoàn kết hợp tác quốc tế với an ninh cảnh sát các nước thuộc Liên Xô (cũ) và các nước XHCN khác để trao đổi kinh nghiệm công tác, đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ về đào tạo cán bộ, về khoa học kỹ thuật. Đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trên lĩnh vực ANTT và xây dựng lực lượng CAND.

2.Tầm nhìn chiến lược của đồng chí Trần Quốc Hoàn
Để chuẩn bị nguồn lực cho lực lượng CAND đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, Bộ Công an chủ động đề nghị Chính phủ mở trường Đại học đào tạo Công an Trung ương. Ngày 27/7/1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Quyết định số 111/CP công nhận trường Công an Trung ương là Trường Đại học của lực lượng Công an nhân dân. Đúng hơn 5 năm học tập, lớp Đ1 thi tốt nghiệp kết thúc khoá học vào những tháng đầu năm 1975 thì đến 30/4/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc, miền Nam hoàng toàn giải phóng. Hầu hết học sinh tốt nghiệp ra trường được Bộ Công an huy động phục vụ nhnhiệm vụ tiếp quản miền Nam và họ lao ngay vào cuộc chiến đấu bảo vệ ANTT vùng mới giải phóng, một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của cách mạng nước ta lúc bấy giờ. Có được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của cuộc đấu tranh bảo vệ ANTT, nhất là trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, chúng ta phải nhớ tới công lao của người vun trồng, đồng chí Trần Quốc Hoàn - người khơi nguồn cho công tác đào tạo CAND. Với tầm nhìn xa trông rộng như vậy, ngày nay chúng ta mới có được nguồn nhân lực để phát triển đi lên và mới có thể sánh vai với các cơ quan an ninh, nội vụ, cảnh sát các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới.

 
Công an Hà Tĩnh dâng hương tưởng niệm đồng chí Trần Quốc Hoàn
 
Từ việc nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của lý luận trong công tác Công an, ngay từ buổi đầu được Trung ương cử phụ trách ngành Công an, đồng chí Cố Bộ trưởng đã giành sự quan tâm đặc biệt cho công tác tổng kết, xây dựng lý luận công tác công an. Đồng chí cố Bộ trưởng đã chỉ đạo Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 15/NC/TK về việc tổng kết công tác đấu tranh chống phản cách mạng và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nội dung Chỉ thị nhấn mạnh: “vấn đề tổng kết kinh nghiệm có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn. Đó là 1 phương pháp tốt để nâng cao trình độ lý luận và năng lực công tác của cán bộ, Đảng viên, để khắc phục những biểu hiện giáo điều chủ nghĩa và kinh nghiệm chủ nghĩa, tăng cường sự nhất trí về tư tưởng và chính trị trong nội bộ”. Có thể thấy rằng đây là thời kỳ mà công tác nghiên cứu, tổng kết, tổng kết kinh nghiệm được triển khai sâu rộng và đạt hiệu quả toàn diện. Kết quả đó đã để lại cho ngành Công an, cho công tác lý luận nghiệp vụ CAND nhiều công trình, đề tài, tác phẩm lớn có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, điển lình là: Tập văn kiện Đảng; Tổng kết công tác đấu tranh chống phản cách mạng 1930 - 1964 và lịch sử Công an nhân dân Việt Nam 1945 - 1964; sổ tay nghiệp vụ Công an; dự thảo Lịch sử Công an nhân dân tập I (1945 - 1954); tác phẩm “Một số vấn đề về xây dựng lực lượng ngành Công an”; tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Công an nhân dân Việt Nam”…tất cả đều là những tài liệu quan trọng, có giá trị lý luận và thực tiễn, có tác dụng hướng dẫn thiết thực cho công tác Công an cả về trước mắt lẫn lâu dài.
 

 
Nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn (23/01/1916 - 23/01/2020), ôn lại những kỷ niệm đẹp, nhớ lại công lao đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng, với ngành Công an là việc làm rất ý nghĩa, đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Cuộc đời của đồng chí Trần Quốc Hoàn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận Hiếu với dân; tác phong lối sống giản dị, gần gũi quần chúng; tận tụy trong Công tác, mưu trí Dũng cảm, kiên quyết đấu tranh chống bọn phản cách mạng và các loại tội phạm; cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.Cho đến nay những quan điểm, tư tưởng, phương châm đối sách chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn còn nguyên giá trị trên tất cả các lĩnh vực Công tác của ngành: An ninh, cảnh sát, Hậu cần, Kỹ thuật...vì vậy đòi hỏi tất cả các đơn vị trong lực lượng CAND cần tập trung nghiên cứu, quán triệt và nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí để vận dụng vào công tác của đơn vị mình. Đồng thời phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn cách mạng và sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn TTATXH, xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu trong tình hình mới.

Phan Hằng