Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Hà Tĩnh: Hoàn thành xây dựng nhà ở doanh trại Công an xã trước tiến độ

Tính đến thời điểm 20/8/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đảm bảo 100% nhà ở doanh trại cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an cấp xã, vượt tiến độ 3 tháng so với mục tiêu “đến hết năm 2023, phấn đấu hoàn thành việc đầu tư, xây dựng nhà ở doanh trại đối với 100% Công an xã, thị trấn trên toàn quốc” mà Bộ Công an đề ra tại Nghị quyết số 12 về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới"


Công an xã bám sát địa bàn, giữ vững ANTT ngay tại cơ sở

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc sắp xếp tổ chức bộ máy lực lượng Công an theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” và đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã; từ tháng 8 năm 2019 đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai bố trí, điều động trên 1.100 cán bộ, chiến sĩ đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 195 xã, thị trấn trên địa bàn.

Theo phân cấp của Bộ, hiện nay lực lượng Công an xã, thị trấn được giao nhiều chức năng, nhiệm vụ như: Tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm; đăng ký xe mô tô, gắn máy; quản lý người nước ngoài; thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; giải quyết dịch vụ công trực tuyến…; là pháo đài đầu tiên của lực lượng CAND trong bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở.


Trụ sở Công an xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà những ngày đầu


Khi mới được thành lập, với phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng” nên hầu hết Công an cấp xã chưa có trụ sở làm việc độc lập, phải sử dụng các phòng trong UBND xã, thị trấn, chưa đảm bảo điều kiện về diện tích làm việc; nhiều địa phương cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đảm bảo công tác chiến đấu; cơ sở vật chất, nơi ăn, ở, ứng trực của CBCS gặp nhiều khó khăn.
 Xuất phát từ yêu cầu đó, việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc đáp ứng cơ sở vật chất cho cán bộ chiến sĩ là hết sức cần thiết, cấp bách nhằm củng cố niềm tin, sức mạnh, đáp ứng phần nào nhu cầu về nơi làm việc, ăn, nghỉ hàng ngày của cán bộ chiến sĩ, nhằm bám sát địa bàn, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay tại cơ sở, tạo cơ hội và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.


Khởi công xây dựng trụ sở Công an xã Thuận Lộc, Thị xã Hồng Lĩnh


Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 11 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục đẩy mạnh, xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới được Công an tỉnh Hà Tĩnh xác định là yêu cầu hết sức quan trọng, cấp bách. Với tinh thần chủ động, Công an tỉnh đã tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo tăng cường kinh phí, đảm bảo trang bị cho lực lượng Công an cấp xã. Đã chủ động tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án tổng thể đầu tư cơ sở vật chất xây dựng Công an xã, thị trấn làm cơ sở thực hiện bố trí quỹ đất, xây dựng, sửa chữa cơ sở làm việc, nhà ở doanh trại của Công an xã, thị trấn; phối hợp với các sở, ngành địa phương quy hoạch địa điểm, cấp đất sạch với các tiêu chí đủ diện tích, mặt bằng xây dựng, không phải đền bù, giải tỏa, san lấp mặt bằng…và cân đối nguồn lực, bố trí ngay kinh phí đầu tư hoàn chỉnh nhà ở doanh trại cho Công an cấp xã, thị trấn trong năm 2023. Cùng với đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tranh thủ huy động nguồn lực xã hội, sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân cùng xây dựng trụ sở Công an xã, từng bước đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho cán bộ Công an xã, thị trấn, để đảm bảo thực hiện mục tiêu về xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở doanh trại, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu tại địa bàn cơ sở theo lộ trình, chỉ đạo của Bộ Công an và của lãnh đạo tỉnh.


Trụ sở Công an xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ)


Với những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, quyết liệt thực hiện với mục tiêu đến năm 2023, 100% Công an xã, thị trấn hoàn thành việc xây dựng nhà ở doanh trại cho CBCS. Công an tỉnh Hà Tĩnh xác định năm 2023 là năm bản lề quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu chính quy, tinh nhuệ, hiện đại hóa lực lượng CAND theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị. Ngay từ đầu năm, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp tục triển khai quyết liệt chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn; xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể các mục tiêu Nghị quyết số 12 của Đảng ủy Công an Trung ương về Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và triển khai Dự án “Tăng cường phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn” nhằm đầu tư hiện đại hóa cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn đến năm 2030.


Bếp ăn tập thể Công an xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ)


 Đề án xây dựng trụ sở làm việc cho lực lượng Công an xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 567,018 tỷ đồng. Trong đó có 37 Công an xã, thị trấn cải tạo, sửa chữa từ cơ sở dôi dư, Công an tỉnh Hà Tĩnh đảm bảo từ nguồn cân đối kinh phí thường xuyên do Bộ Công an cấp hàng năm với 25,9 tỷ đồng. Đối với 158 Công an xã, thị trấn được xây mới, kinh phí địa phương 60%, Bộ Công an hỗ trợ 40% với tổng kinh phí 541,118 tỷ đồng. Với sự nỗ lực của toàn lực lượng, sự quan tâm của Bộ Công an, cấp ủy chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Hà Tĩnh và các tầng lớp Nhân dân, đến ngày 20/8/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đảm bảo 100% nhà ở doanh trại cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an cấp xã, vượt tiến độ 3 tháng so với mục tiêu đã đề ra. Trong đó, nổi bật là Công an huyện Hương Sơn đã hoàn thành việc xây dựng trụ sở Công an, thị trấn trong tháng 6/2023, được Bộ Công an thông báo học tập kinh nghiệm trên địa bàn toàn quốc.


Khánh thành trụ sở Công an xã Tân Mỹ Hà (huyện Hương Sơn)


Qua kết quả thực hiện trong xây dựng trụ sở Công an xã, Công an tỉnh Hà Tĩnh rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, đảm bảo trụ sở Công an xã chỉ thành công khi cấp ủy, chính quyền quyết liệt vào cuộc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn bảo đảm ANTT tại địa bàn.
Hà Tĩnh là tỉnh còn nhiều khó khăn trong khu vực Bắc miền Trung, tuy nhiên, sau hơn 3 năm đưa Công an chính quy về xã, cấp ủy, chính quyền Hà Tĩnh nhận thấy tình hình ANTT có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được Công an chính quy tham mưu giải quyết thấu đáo. Việc có Công an xã thường trực 24/24h đã tạo tâm lý an tâm trong Nhân dân, xã hội bình yên hơn, Nhân dân tin tưởng; không còn tình trạng các đối tượng thanh thiếu niên hư hỏng tụ tập, gây rối, vi phạm pháp luật gây bức xúc, tâm lý bất an cho người dân như trước đây. Việc có Bộ phận một cửa tại Công an xã đã giúp tiếp nhận các tin báo tố giác tội phạm, giải quyết nhiều thủ tục hành chính cho người dân (như: cấp căn cước công dân, khai báo tạm trú, tạm vắng, phòng cháy, chữa cháy, đăng ký xe máy...) ngay tại cơ sở; người dân không phải lên huyện, giảm thiểu thời gian đi lại. Lực lượng Công an xã đã giúp dân trong phòng chống thiên tai, bão lụt, có xe ô tô chở dân đi thoát lũ, đưa người dân đi cấp cứu; có lực lượng đồng hành cùng tham gia xây dựng Nông thôn mới... Với các yếu tố trên, nhiều xã, đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã đã chủ động đề xuất huyện cho chủ trương xây mới, sửa chữa trụ sở Công an xã.


Chung tay xây dựng trụ sở Công an xã trên địa bàn Hà Tĩnh


Thứ hai, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã cảm nhận sâu sắc được sự quan tâm, trăn trở của các đồng chí lãnh đạo Bộ với công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở, thông qua: Trực tiếp được tham dự các cuộc họp trực tuyến do đồng chí Bộ trưởng, đồng chí Thứ trưởng chủ trì; Học tập, quán triệt Nghị quyết 12, Quy chế số 90…  Từ đó, chủ động xác định phải ổn định cho Công an xã nơi ăn ở, làm việc là nhiệm vụ quan trọng phải ưu tiên hàng đầu; nhận thức rõ có quan tâm xây dựng trụ sở Công an xã thì việc thực hiện Đề án 06, nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng Nông thôn mới tại địa phương mới có thể hoàn thành tốt và ngược lại.
Thứ ba, để khai thông các khó khăn về nguồn lực, cấp ủy, chính quyền các địa phương, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đa dạng các nguồn xã hội hóa, với sự đóng góp, chung tay ủng hộ của các tổ chức phật giáo, công giáo, đông đảo tín đồ công giáo, phật tử, bà con nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn. Hình ảnh Linh mục, Chủ tịch Hội đồng mục vụ, Thượng tọa, Đại đức có mặt, tham gia phát động khởi công trụ sở Công an xã trên địa bàn đã tạo hiệu ứng, lan tỏa phong trào chung tay xây dựng trụ sở Công an xã, thị trấn; là biểu tượng đánh giá hiệu quả phong trào, niềm tin, mối quan hệ của người dân, chính quyền, tín đồ tôn giáo với lực lượng Công an nhân dân.


Chung tay xây dựng trụ sở Công an xã trên địa bàn Hà Tĩnh


Thứ tư, đó là mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa Đảng ủy Công an tỉnh Hà Tĩnh với Ban Thường vụ, Thường trực huyện ủy các địa phương trong tỉnh; sự quan tâm của Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh Hà Tĩnh trong thực hiện việc bảo đảm cơ sở vật chất cho Công an xã nói chung và xây dựng trụ sở Công an xã nói riêng; đặc biệt là trong thực hiện Quy chế số 90. Qua đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm có phương án, lộ trình thực hiện việc xây dựng trụ sở Công an xã; Công an tỉnh chịu trách nhiệm bảo đảm tính chính quy, việc xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh (đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, bộ trí phương tiện, bảo đảm ANTT, trấn áp tội phạm...), tạo niềm tin cho cấp ủy, chính quyền, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân.


Việc xây dựng trụ sở Công an xã độc lập thể hiện sự chính quy, hiện đại đối với lực lượng Công an xã, hoàn thành trước tiến độ 3 tháng so với thời hạn Bộ Công an giao đã chứng minh sự chung sức, đồng lòng, sự quyết tâm cao của Công an tỉnh Hà Tĩnh để xây dựng  lực lượng Công an xã chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới".

Thượng tá Nguyễn Trung Kiên – Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh