Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Hội nghị văn hoá toàn quốc với tinh thần “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”

Sáng ngày 24/11, tại Hà Nội trọng thể diễn ra Hội nghị Văn hoá triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng với sự tham dự của các đồng chí trong Ban chấp hành Trung ương Đảng và hơn 600 đại biểu từ các bộ, ngành; giới văn nghệ sỹ và đại diện các tổ chức chính trị-xã hội trong cả nước. Hội nghị được kết nối trực tuyến với điểm cầu 63 Tỉnh, thành trong toàn quốc.


 Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu phòng họp Diên Hồng (Hà Nội)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng;  nguyên Thường trực Ban Bí thư  Trần Quốc Vượng. Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp; đại diện lãnh đạo Liên Hiệp hội, các hội chuyên ngành về văn hóa, nghệ thuật Trung ương; các nhà khoa học, nhà văn hóa, các tri thức văn nghệ sĩ tiêu biểu.

Toàn cảnh hội nghị tại phòng họp Diên Hồng
Để trực tiếp truyền tải những nội dung của Hội nghị văn hoá toàn quốc, tại địa phương, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị dưới hình thức trực tuyến, chuyên tiếp từ đầu cầu Hội trường Diên Hồng, Ba Đình, Hà Nội đến các điểm cầu trong Đảng bộ Hà Tĩnh. Tham dự tại điểm cầu Công an Hà Tĩnh có đồng chí Đại tá Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh, các đồng chí trong Ban giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, đại diện các tổ chức, đoàn thể trong Công an tỉnh.
 

Điểm cầu Công an Hà Tĩnh
Tham dự Hội nghị các đại biểu đã được nghe nội dung báo cáo về văn hoá toàn quốc theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng. Trong đó đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó đã nêu rõ thực trạng, thời gian qua lĩnh vực văn hoá chưa được chú trọng, chưa được đặt ngang hàng với sự phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, hoạt động báo chí chưa tương xứng, công tác đấu tranh với các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng chưa phát huy vai trò tích cực. Tại nhiều nơi, nhiều thời điểm chưa nhận thức được mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và văn hoá xã hội. Dẫn đến các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này đẩy mạnh thực hiện âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta, nhất là trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng.
 

Đại tá Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh tham dự tại điểm cầu Công an Hà Tĩnh
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới nền An ninh quốc gia của dân tộc, đặc biệt là sự phát triển truyền thông hiện đại công nghệ 4.0 sẽ tác động sâu sắc tới nền văn hoá Việt Nam theo chiều hướng tiêu cực nếu không có định hướng phát triển nền văn hoá toàn diện và đúng đắn.Từ thực trạng trên, báo cáo đã rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp trọng tâm trong xây dựng văn hoá, phát triển con người trong thời kỳ đổi mới, gắn phát triển văn hoá với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước; phát triển nền văn hoá phù hợp với tình hình mời, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức; hướng tới phát triển con người toàn diện gắn với nền văn hoá Việt Nam dậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó nêu rõ, cần nhận thức và vận dụng đúng đắn các quan điểm phát triển văn hoá và xây dựng con người Việt Nam hướng tới Nhân - Thiện - Mỹ; phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong phát triển văn hoá, khơi dậy những nhân tố tích cực trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo; kịp thời định hướng dư luận xã hội về những vấn đề tích cực, không ngừng đổi mới, tăng cường chất lượng báo chí; tăng cường xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thông tin truyền thông để truyền bá các văn hoá xấu độc. Hướng tới xây dựng Văn hoá trong Chính trị, Văn hoá trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, hướng tới củng cố tình thần đoàn kết trong Đảng, phát huy văn hoá nêu gương, văn hoá trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân. Đổi mới phương thức hoạt động của các nghành công nghiệp, dịch vụ gắn với lĩnh vực văn hoá; xây dựng văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người hướng tới “Nhân- Thiện- Mỹ”; phát huy tài năng tâm huyết của văn nghệ sỹ, chú trọng truyền bá văn hoá việt Nam ra nước ngoài.
 

 Đại biểu tham dự tại điểm cầu Công an Hà Tĩnh
Tham dự hội nghị các đại biểu đã được xem thước phim tài liệu “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện. Thước phim thể hiện nội dung văn hoá Việt Nam soi đường cho dân tộc Việt Nam. Qua đó các đại biểu được khái quát lại lịch sử văn hoá và quá trình văn hoá qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc ta. Trong đó khẳng định văn hoá là một bộ phận quan trọng cấu thành lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nền văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội vì mục tiêu “dân giàu, dân chủ, công bằng, văn minh” và trở thành ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi.

 
Tại điểm cầu phòng họp Diên Hồng và tại các điểm cầu các đơn vị, địa phương trên cả nước, đại biểu tham dự đã trực tiếp tiến hành tham luận về những nội dung liên quan đến văn hoá và con người trên các lĩnh vực hoạt động và đặc điểm của địa phương, vùng miền. Qua các nội dung tham luận đã thể hiện được đầy đủ truyền thống với bề dày văn hiến và văn hoá của dân tộc Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sỹ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phát biểu tại hội nghị đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Trung ương Đảng đã khẳng định vị trí quan trọng của văn hoá và nền văn hoá ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam trong đời sống xã hội và vị thế của quốc gia. Trong đó nêu rõ dân tộc đã trải qua hơn 4 nghìn năm đấu tranh và gìn giữ, trải qua các triều đại và giai đoạn lịch sử thăng trầm đã làm nên hồn riêng của dân tộc. Tại bài phát biểu, đồng chí Tổng bí thư đã biểu dương tinh thần đoàn kết, chung tay gìn giữ nền văn hoá của các tầng lớp nhân dân và giới văn nghệ sỹ qua các thế hệ. Đồng thời yêu cầu thơi gian tới toàn Đảng và toàn dân cần gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị truyền thống của nền văn hoá dân tộc, xây dựng con người phát triển gắn liền với văn hoá dân tộc, hướng tới xây dựng nền văn hoá Việt Nam toàn diện, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Trong đó nhấn mạnh phát triển văn hoá giáo dục phải được xác định là quốc sách hàng đầu, trọng tâm phát triển văn hoá phải gắn với xây dựng con người có nhân cách hướng tới giá trị “Chân - thiện - mỹ”; tiếp tục phát huy và gìn giữ những nét đậm đà trong bản sắc văn hoá vốn có của dân tộc.

 

Nga Nguyễn - Sỹ Quý