Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy sang dữ liệu điện tử

Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng CNTT

Sáng 12/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức họp toàn thể bằng hình thức trực tuyến để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

 Dự phiên họp đại diện các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng các ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an dự phiên họp, trình bày báo cáo tóm tắt dự án Luật.

Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

Sửa đổi Luật cư trú nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến hành hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; thực hiện chủ trương hiện đại hoá và đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tốt hơn nữa tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trúnhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 41 điều, trong đó, Chương I (Những quy định chung) gồm 7 điều. Chương II (Quyền và trách nhiệm của công dân về cư trú) gồm 4 điều từ điều 8 đến điều 11. Chương III (Nơi cư trú) gồm 9 điều từ điều 12 đến điều 20. Chương IV (Đăng ký Thường trú ) gồm 5 điều từ điều 21 đến điều 25. Chương V (Đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú khai báo tạm vắng) gồm 4 điều từ điều 26 đến điều 29. Chương VI (Trách nhiệm quản lý cư trú) gồm 9 điều từ điều 30 đến điều 38. Chương VII là chương Điều khoản thi hành gồm 3 điều từ điều 39 đến điều 41.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng CNTT. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâg cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ Hộ khẩu, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Hộ khẩu...

Nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể về các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú bằng phương thức mới thông qua mã số định danh cá nhân của công dân và các thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú được cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) theo hướng: Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú, tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú, tạm trú.

Xoá thường trú và khôi phục thường trú  như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ 1 phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng lý, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Bên cạnh đó, trong dự án  Luật Cư trú (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương để trình Quốc hội. Tức là, không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tất cả các địa phương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật quy định bão bỏ khoản 3, khoản 4 điều 19, Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.

 

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc báo cáo dự án Luật

Một điểm bổ sung cơ bản trong trường hợp xoá đăng ký thường trú của dự án Luật đó là bổ sung 4 trường hợp cần xoá đăng ký thường trú.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, việc bổ sung quy định 4 trường hợp cần xoá đăng ký thường trú nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân và hộ gia đình trong đăng ký, quản lý cư trú, bảo đảm thực hiện nghiêm pháp luật về cư trú của công dân, cũng như hạn chế tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong hộ gia đình có người đi khỏi nơi cư trú lâu ngày không rõ lý do, không biết hiện đang sống ở đâu như giải quyết các thủ tục tố tụng, tham gia giao dịch dân sự của các hộ gia đình....; hạn chế tình trạng cư trú ảo. Quy định này cũng giúp cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nắm bắt tình hình cư trú của dân cư trên địa bàn chặt chẽ hơn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thì dự thảo Luật cũng bổ sung quy định công dân được đăng ký lại nơi thường trú ban đầu khi trở về địa phương sinh sống, đồng thời sẽ có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này để việc áp dụng được thuận lợi cho công dân: có thể áp dụng khai báo qua mạng, qua điện thoại, khai báo trực tiếp hoặc nhờ người khác trong gia đình đăng ký giúp.

 

Theo CAND