Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Tách Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ nhằm giải quyết 2 vấn đề quan trọng

Việc tách Luật Bảo đảm TTATGT khỏi Luật Giao thông đường bộ nhằm giải quyết 2 vấn đề rất quan trọng rất bức xúc trong xã hội đó là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo đảm TTATGT đường bộ.

Sáng 11/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ X, khoá XIV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm TTATGT đường  bộ. Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu nhất trí về việc tách nội dung bảo đảm TTATGT đường bộ từ dự án Luật Giao thông đường bộ sang Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ; đồng thời góp ý thời điểm thông qua, phạm vi điều chỉnh; dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ, thực thi pháp luật trong bảo đảm ATGT; trách nhiệm quản lý nhà nước, quản lý đào tạo sát hạch GPLX...

Cần thiết phải xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ

Thảo luận về 2 dự án Luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ nhằm cụ thể hoá Chỉ thị 18 của của Bộ Chính trị, kết luận số 45 của Ban Bí thư về rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT phù hợp với tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác đảm bảo ATGT. “Thực tế trên thế giới nhiều nước cũng có Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ. Trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn tình hình đảm bảo TTATGT thì cần có Luật để quy định chặt chẽ hơn công tác này, hạn chế tai nạn” – đại biểu Trần Văn Tiến nêu ý kiến đồng thời góp ý 1 số vấn đề cụ thể trong Luật.

Cũng nhất trí cần thiết phải ban hành Luật Bảo đảm TTATGT, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, mục đích ban hành Luật đã rõ, đó là đảm bảo TTATGT, giảm tai nạn giao thông, quy định trách nhiệm cụ thể công tác bảo đảm ATGT. “Quá trình soạn thảo, Chính phủ đã giao Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải thống nhất các nội dung, Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến nhất trí. Chúng tôi thấy việc ban hành Luật là cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATGT hiện nay” – đại biểu Trần Thị Hằng nhấn mạnh.

Cùng tham gia phát biểu thảo luận về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đồng tình với việc giao Bộ Công an nhận trách nhiệm rất lớn này; đề nghị giữa 2 Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ phải thống nhất, kết nối với nhau.Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) cũng nhất trí với toàn bộ nội dung của Dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vì cho rằng trước tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng theo chiều hướng phức tạp nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Trong khi đó chức năng quản lý của Bộ Công an là đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bộ Công an chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Giải quyết 2 vấn đề quan trọng, bức xúc trong xã hội

Phát biểu về dự án Luật, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc tách 2 dự án Luật nhằm giải quyết 2 vấn đề quan trọng rất bức xúc trong xã hội đó là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo đảm TTATGT đường bộ

“Hiện nay, tình hình mất  ATGT xảy ra nhiều, vi phạm công tác phổ biến, hậu quả rất lớn. Qua  thống kê, các vụ tai nạn giao thông, người chết, bị thương rất nhiều. Không chỉ thế, tình trạng vi phạm, tội phạm diễn ra trên mặt đường rất nhiều. Trong khi đó, công tác đảm bảo TTATGT là 1 bộ phận của bảo đảm TTATXH do Bộ Công an quản lý. Chính vì vậy, công tác này không thể đứng ngoài, tách rời với việc bảo đảm an toàn xã hội. Chúng tôi đã đề xuất và được Chính phủ và các cơ quan tham mưu đồng thuận, ủng hộ, đề nghị khẩn trương xây dựng Luật để đưa ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua. Tại các cuộc họp, phiên thảo luận, các thành viên đều rất đồng thuận, Đặc biệt hai bộ chủ quản là Công an và Giao thông vận tải là hai bộ chịu trách nhiệm soạn thảo 2 luật này cũng rất đồng tình, tán thành” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, việc đảm bảo TTATGT đã được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đặt ra, đây là 1 trong 3 khâu đột phá, nếu không tập trung giải quyết hạ tầng thì không thể phát triển. “Nôm na cứ ở đâu có đường là ở đó phát triển, sẽ mang lại những điều kiện thuận lợi nhất cho sự ổn định và phát triển” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trả lời các ý kiến băn khoăn khi tách Luật Bảo đảm TTATGT có đảm bảo tiết kiệm ngân sách, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đã đánh giá tổng kết hơn 10 năm thực hiện Luật ATGT, thấy rất nhiều bất cập, nếu 2 luật tách sẽ tiết kiệm được rất nhiều.  Tiết kiệm chi phí khi tách Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ

“Tiết kiệm được tức là tránh lãng phí. Một là không nảy sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. Nếu giao cho Công an thì chúng tôi có lực lượng CSGT, phối hợp các lực lượng khác nữa khi cần, nhất là khi có tình huống hoặc tăng cường trong các dịp cao điểm. CSGT vẫn là Cục CSGT. Trước năm 1995 khi Bộ GTVT vẫn quản lý thì vẫn chỉ là Cục CSGT, có phòng quản lý đăng kiểm, phòng quản lý lái xe. Như vậy, bộ máy không phát  sinh, con người thực tế  không nảy sinh và sẽ giảm” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết

Bộ trưởng cũng khẳng định, khi quy định Bộ Công an chủ trì công tác bảo đảm TTATGT thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên mặt đường nữa. “Bộ Giao thông vận tải có đề nghị đề nghị Bộ Công an nhận cho 20.000 thanh tra giao thông. Tôi nói Chính phủ không cho chúng tôi chỉ tiêu này. Không nước nào trên thế giới này CSGT dừng xe lại xong thanh tra giao thông đi kiểm tra. Đây là việc hết sức chồng chéo, khó khăn. Thực tế, từng có lái xe bị thanh tra giao thông dừng xe đã khóa cửa rồi bỏ đi, thanh tra giao thông lại nhờ CSGT đánh xe vào khu vực nào đấy. Qua chuyện như vậy đã thấy rất bất cập” – Bộ trưởng chia sẻ.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong bảo đảm TTATGT

Một trong  những điểm mới trong Luật Bảo đảm TTATGT được Bộ trưởng Tô Lâm nhắc đến, đó là việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong công tác bảo đảm TTATGT. “Dù thêm nhiệm vụ nhưng CSGT không tăng lên mà áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật. Ví dụ đường cao tốc bây giờ không cần CSGT tuần tra (chỉ cần kiểm tra điểm vào và điểm ra), vi phạm trên đó là xử lý ngay ở điểm ra. Như vậy giảm rất nhiều về nguồn nhân lực” – Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, hiện nay, việc trang bị camera rất lãng phí, các nhà đầu tư làm đường cao tốc cũng tự trang bị camera để quản lý hoạt động thu phí. VOV thông tin về ùn tắc giao thông cũng trang bị camera, các quận, phường, thành phố cũng trang bị. “Rất nhiều lực lượng trang bị vô cùng lãng phí nhưng không đạt chuẩn. Tôi nói ví dụ nhà đầu tư người ta quan tâm đến quản lý về phương tiện giao thông chạy trên đường người ta chỉ đếm đầu xe thôi, đến lúc cần thì phải xem xe đó màu gì, biển số bao nhiêu thì cái camera đó không đáp ứng được. Lại thêm camera để đi làm những việc đó. Chính vì vậy, việc trang bị phải đạt quy chuẩn, phải kết nối được về trung tâm để dữ liệu, thông tin đó dùng chung, không chỉ phục vụ quản lý giao thông mà phục vụ phòng chống tội phạm” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Không ảnh hưởng đến các cở đào tạo lái xe hiện nayVề đèn xanh, đèn đỏ, biển báo, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: “Biển báo chủ yếu là điều chỉnh vấn đề tổ chức giao thông để đảm bảo an toàn lưu thông, thông suốt, chỗ nào cấm, chỗ nào hạn chế, chỗ nào không cho xe vận tải lớn vào... Hoặc tín hiệu đèn, trong quy định dành cho xe ưu tiên khi đi qua gặp đèn đỏ, CSGT phải chặn dòng đèn xanh để xe ưu tiên đi qua vừa sai luật vừa nguy hiểm”. Bộ trưởng chia sẻ đi công tác các nước, khi đoàn xe ưu tiên đi qua, tất cả các đèn đều xanh bởi vì Trung tâm điều khiển họ bật đèn xanh để xe đi qua an toàn và cho biết, việc này phải giao cho CSGT quản lý thì mới xử lý được.

Về cơ sở hạ tầng đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc quản lý đào tạo, sát hạch lái xe không ảnh hưởng gì đến các cơ sở đào tạo, chủ yếu là việc sát hạch nghiêm túc, chặt chẽ hơn, đúng quy trình quy chuẩn, đảm bảo được chống làm giả, gian lận. “Chúng tôi chỉ quản lý khâu đó thôi, còn tất cả các cơ sở đào tạo, sát hạch vẫn hoạt động bình thường theo quy định của Luật. Các cơ sở này vẫn coi đây như trường dạy nghề và vẫn là chủ trương xã hội hóa, Công an chỉ quản lý cấp bằng, còn anh đi học có thể nhiều lần nhưng anh thì mà không đỗ thì anh vẫn phải học lại” – Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết thêm, việc đào tạo lái xe cũng như đăng kiểm, nghĩa là được xã hội hoá, coi là 1 ngành nghề kinh doanh.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, trong Luật Bảo đảm TTATGT thì việc quản lý lái xe, và cấp bằng lái xe  là đối tượng được quan tâm đặc biệt vì qua tổng kết thực hiện pháp luật về  An toàn giao thông thì 90% các lỗi gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông là lỗi do lái xe, tức là do con người chứ ko phải hạ tầng.

Bảo vệ phụ nữ, trẻ em, người yếu thế

Về các ý kiến đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, khi xây dựng Luật  Bảo đảm TTATGT rất chú trọng những vấn đề với nhóm người yếu thế tham gia giao thông, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật. “Từ trước đến giờ chúng ta chưa chú trọng lắm đến những vấn đề này. Ví dụ người già trên 70 tuổi lái xe thì phải như thế nào, phụ nữ lái xe phải thế nào, người tàn tật, quy định bảo đảm rất an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe. Hoặc là các loại xe đưa học sinh... chúng tôi rất chú trọng, rất mong các đại biểu tiếp tục góp ý” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về trách nhiệm đảm bảo TTATGT, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, lực lượng Công an sẽ chịu trách nhiệm công tác này. Đây là trách nhiệm lớn, rất nặng nề nhưng Bộ Công an quyết tâm làm được. “Hiện nay, giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các tỉnh làm Trưởng ban ATGT, phải chịu trách nhiệm nếu TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn nên nhiều tỉnh thắc mắc. Ví dụ xe của địa phương khác đi qua địa bàn gây tai nạn thì Chủ tịch tỉnh đó phải chịu trách nhiệm chứ không phải là tỉnh có phương tiện, con người điều khiển phương tiện. Nay giao cho Bộ Công an, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm việc này” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đồng thời đề nghị Quốc hội ủng hộ thông qua Luật vào kỳ họp thứ XI tới đây.

CAND