Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Tăng cường trao đổi, tương tác trực tiếp, huy động chất xám trong công tác xây dựng pháp luật

Chiều 10/2, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề về xây dựng pháp luật năm 2023. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Công an Hà Tĩnh có đồng chí Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh.
 

Điểm cầu Công an Hà Tĩnh
 
Tại hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, Bộ Công an đã trình bày báo cáo tổng quan về nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Công an.
Báo cáo nêu rõ, năm 2023 là năm rất quan trọng, là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, năm đầu tiên thực hiện Đề án số 09 về hoàn thiện pháp luật phục vụ xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
 
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu chỉ đạo hội nghị.
 
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật năm 2022, hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của lực lượng CAND trong năm 2023, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương cần chỉ đạo các đơn vị tổ chức tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đã được xác định tại Quyết định số 10717 ngày 27/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an; Đề án thành phần số 09; Chương trình số 04 của Bộ Công an về công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp và Chương trình số 05 của Bộ Công an về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023. Các đơn vị được giao chủ trì xây dựng cần tích cực phối hợp chặt chẽ với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp trong công tác soạn thảo, kiểm tra hồ sơ, thẩm định, thẩm tra. Đồng thời, cần coi trọng mối quan hệ phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, ban hành pháp luật. Quan tâm đầu tư hơn nữa đối với công tác nghiên cứu, xây dựng, tham gia xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…
Về định hướng xây dựng pháp luật đến năm 2023, để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương đã đề ra định hướng công tác xây dựng pháp luật để tăng cường đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đối với từng lĩnh vực công tác của lực lượng CAND nhằm tạo hàng lang pháp lý đầy đủ cho lực lượng CAND thực hiện nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tháng 2/2023, đồng chí Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký phê duyệt Đề án về “Hoàn thiện pháp luật phục vụ xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
 
Các đại biểu tham dự hội nghị.
 
Theo đó, đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành khác ban hành, năm 2023, đề xuất xây dựng, ban hành các dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; phối hợp với Bộ Quốc phòng soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành các luật này. Năm 2024, đề xuất xây dựng, ban hành các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành các luật này.
Năm 2025, rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành các luật này. Từ năm 2026 đến 2030, nghiên cứu xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các dự án Luật Phòng, chống khủng bố; Luật An ninh quốc gia, Luật Thi hành án hình sự; Luật Đặc xá; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành các luật, pháp lệnh này…. Cùng với đó là công tác rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
 
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên trình bày báo cáo tổng quan về nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2023, định hướng đến năm 2030 của Bộ Công an.
 
Tại hội nghị, các đại biểu là đại diện các đơn vị trong CAND đã trình bày tham luận xoay quanh các nội dung về công tác xây dựng pháp luật. Các tham luận tập trung làm rõ, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, cũng như các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng pháp luật như tính dự báo của các dự án luật, việc kết hợp kết quả nghiên cứu thực tiễn cùng cơ sở lý luận trong quá trình xây dựng pháp luật để phù hợp với thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tự; công tác huy động các nhà khoa học trong và ngoài ngành tham gia nghiên cứu, xây dựng, thẩm định dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật….
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương phải nhận thức sâu rằng, nhiệm vụ xây dựng pháp luật là đặc biệt quan trọng, là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa “đột phá” cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Do đó, cần khẩn trương tổ chức quán triệt, phổ biến Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 của Bộ Công an. Bám sát, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các văn bản nêu trên, trong đó có phân công cụ thể, rõ ràng trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân và thời gian hoàn thành đối với từng văn bản quy phạm pháp luật. Có biện pháp đôn đốc, kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp để chậm tiến độ hoặc không bảo đảm chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật được giao chủ trì tham mưu soạn thảo hoặc tham gia ý kiến, đồng thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng pháp luật. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng lưu ý, năm 2023 là năm có khối lượng công việc lớn với 13 dự án luật, 16 nghị định, 116 thông tư nội bộ và 3 thông tư liên tịch.
 

 
Bên cạnh đó, đối với những dự án luật và các văn bản quy phạm pháp luật đã đề xuất xây dựng từ năm 2024 đến năm 2030, đồng chí Thứ trưởng cũng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ lực lượng để đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các văn bản quy pháp pháp luật để trình ban hành, tránh tình trạng chậm, nợ văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, cần làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các hội thảo khoa học, lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học và  nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật. Cải cách lề lối làm việc, tăng cường trao đổi trực tiếp, tương tác trực tiếp theo từng chuyên đề, nội dung; huy động chất xám trong công tác xây dựng pháp luật. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò “nhạc trưởng” trong công tác xây dựng pháp luật của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp.

HỒNG NHUNG