Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Kiên quyết xử lý nghiêm học sinh đi xe máy, xe máy điện sai quy định

Học sinh chưa đủ 18 tuổi đi xe máy đến trường, không chấp hành luật giao thông, đây là tình trạng khá phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh. Điều đáng nói ở đây chính sự đồng thuận của các bậc phụ huynh khi cho con em điều khiển xe máy, xe máy điện không đúng độ tuổi đến trường.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vào đầu buổi học hay giờ tan trường, rất dễ thấy cảnh học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn, xe máy điện không đúng độ tuổi đến trường.
Ở khu vực các trường: THPT Nghèn, THCS Lê Hồng Phong, THCS Lê Bình... không khó gì để bắt gặp học sinh đi xe máy, xe máy điện không đúng độ tuổi đến trường. Để thuận tiện cho việc đi học, nhiều phụ huynh không ngần ngại giao xe cho con em. Các điểm trông xe tư nhân ở ngay sát trường học sẵn sàng đáp ứng nhu cầu gửi xe của học sinh.
 

Hình ảnh học sinh đi xe máy đến trường, chở quá số người quy định 

Thực trạng trên cũng diễn ra ở khá nhiều trường THPT, THCS khác trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, Công an các huyện, thành phố đã gửi thông báo trường hợp học sinh vi phạm bị xử lý về cho nhà trường và mời phụ huynh học sinh về trụ sở công an để xử phạt việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
 

Mũ bảo hiểm không đúng quy định

Tại các trường trên địa bàn TP. Hà Tĩnh sau khi tan trường, một số em đi bộ ra điểm giữ xe máy ở ngoài cổng trường, rồi ung dung lấy xe chạy trên đường. Nhiều em học sinh, ngồi trong các quán chờ sẵn, khi giáo viên đi khỏi, mới tìm cách “lách” qua đường tắt để “thoát” khỏi sự quản lý, giám sát của giáo viên trong trường. Điều đáng nói là các em học sinh không chỉ vi phạm luật giao thông khi chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, mà còn vi phạm không đội mũ bảo hiểm, chạy xe lạng lách và chở quá số người quy định…Học sinh Ngô Minh Châu – học sinh lớp 11 trường THPT Nghèn – Can Lộc cho biết: “Bản thân nhận thức được việc đi xe máy, xe máy điện không đúng độ tuổi đến trường là sai quy định. Tuy nhiên vì nhà xa, thời tiết nắng nóng nên phụ huynh cũng tạo điều kiện cho các em đi xe đến trường”.
Tình trạng lộn xộn này diễn ra từ lâu, gây mất an toàn giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn đáng tiếc là điều không tránh khỏi. Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lạnh từ 50cm3 trở lên sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe máy đang bị kém hiệu quả khi gia đình, các bậc phụ huynh đồng thuận với con em.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thuần – Phó hiệu trưởng trường THPT Nghèn – Can Lộc cho biết: “đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không được sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Bên cạnh đó, nhà trường yêu cầu phụ huynh, học sinh cam kết nếu học sinh vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành GD-ĐT”.
Đã có không ít tai nạn đau lòng đã xảy ra, nhiều gia đình đã mất đi đứa con thân yêu, nhiều học sinh phải mang thương tật suốt đời chỉ vì các em thiếu ý thức khi tham gia giao thông, sử dụng xe máy không đúng độ tuổi quy định…

Lực lượng chức năng đến bãi đậu xe của trường học kiểm tra các loại phương tiện 

Theo Thượng úy Nguyễn Anh Đức – Cán bộ Đội CSGT Công an huyện Can Lộc: “tình trạng học sinh đi xe máy, xe máy điện sai quy định đến trường trên địa bàn khá phổ biến. Một số học sinh khi bị lực lượng chức năng nhắc nhở thì tỏ thái độ không đồng tình, do vậy chúng tôi đã tuyên truyền ngay cho các em học sinh tại nơi vi phạm để các em hiểu, nhận thức đúng các quy định về luật ATGT”.
Trong thời gian tới, Công an các huyện, thành phố trên địa bàn Hà Tĩnh cùng các cơ quan chức năng sẽ phối hợp tổ chức ra quân, kiểm soát về tình trạng học sinh đến trường bằng xe máy, xe máy điện sai quy định. Nếu lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện, sẽ tiến hành xử lý theo luật định. Bên cạnh đó, lực lượng giao thông sẽ gửi đến nhà trường danh sách những học sinh vi phạm, nhằm răn đe và kiểm điểm học sinh.
 

Lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm

Đồng thời tuyên truyền cho các em học sinh về luật ATGT

Thiết nghĩ, để ngăn chặn hiệu quả việc học sinh đi xe máy đến trường, theo chúng tôi phải cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng; trong đó gia đình đóng vai trò quyết định. Có thể nói, an toàn giao thông trong học đường phải xuất phát từ nhiều phía. Ngoài nhà trường thì trách nhiệm của các bậc phụ huynh là rất quan trọng. Khi ý thức, văn hóa giao thông được nâng cao thì những hình ảnh học sinh vi phạm sẽ không còn diễn ra.

HỒNG NHUNG - ANH CƯỜNG