"Xây dựng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại" là khẩu hiệu hành động của toàn lực lượng CAND trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Nhân Tết Nguyên đán Quý Mão, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo CAND. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bảo đảm ANTT và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân
PV: Xin Bộ trưởng thông tin với bạn đọc Báo CAND về những kết quả nổi bật của lực lượng CAND năm 2022 đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Bộ trưởng Tô Lâm: Năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó dự báo, đoán định, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự vào cuộc và ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân, cùng với sự nỗ lực, cố gắng và hy sinh to lớn, lực lượng CAND đã làm tốt công tác bảo đảm ANTT, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đánh giá về các kết quả công tác của lực lượng CAND năm 2022, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều ghi nhận, biểu dương lực lượng CAND đã nỗ lực, quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, tốt hơn nhiều so với năm 2021 và các năm trở lại đây. Nổi bật là:
Thứ nhất, lực lượng CAND đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là các nghị quyết liên quan đến an ninh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, phải kể đến việc tham mưu, triển khai quyết liệt Nghị quyết số 12, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới". Xây dựng đội ngũ nghiêm túc, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin yêu, tin tưởng.
Thứ hai, đã chủ động nắm chắc tình hình, tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng, chiến lược về bảo đảm ANTT, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và đối ngoại của đất nước. Quyết liệt, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị quan trọng khác của đất nước, nhất là bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn góp phần tổ chức thành công SEAGames 31 trong điều kiện dịch COVID -19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia. Triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các mặt công tác bảo đảm an ninh toàn diện trên các địa bàn, lĩnh vực. Thực hiện rất hiệu quả các nhiệm vụ công tác Công an, bảo đảm môi trường xã hội yên bình, ổn định để phát triển KTXH của đất nước.
Thứ ba, công tác phòng, chống tội phạm đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, kiềm chế gia tăng tội phạm (giảm 13,71% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với năm 2019, trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19), đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân - đây là con số vô cùng ấn tượng, có ý nghĩa về mặt xã hội và rất nhân văn. Đã điều tra, khám phá 33.817 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,06%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 94,04%. Công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế, ma túy, môi trường đạt nhiều kết quả nổi bật. Đã tập trung điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng quy định pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Thứ tư, quán triệt các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng lực lượng CAND luôn xác định vai trò gương mẫu đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số, xã hội số; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về ANTT. Đã chỉ đạo đưa vào hoạt động 2 Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân; đề xuất Chính phủ triển khai Đề án 06, cung cấp cho người dân nhiều tiện ích thiết thực, bước đầu đạt kết quả tích cực về cải cách hành chính, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển KTXH, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Thứ năm, Bộ Công an quyết liệt triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp xây dựng Công an xã, thị trấn với phương châm: "Công an tìm đến dân", "gần dân, hiểu dân", "lúc dân cần, lúc dân khó có Công an". Qua đó, chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình, tham mưu giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ việc phức tạp về ANTT trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ; tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; công tác quản lý hành chính về ANTT được đẩy mạnh, an sinh xã hội được tăng cường, đời sống Nhân dân từng bước ổn định, tạo thế trận lòng dân vững chắc và thực sự trở thành "điểm tựa bình yên" của Nhân dân.
"Đánh giá về các kết quả công tác của lực lượng CAND năm 2022, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều ghi nhận, biểu dương, khẳng định: Lực lượng CAND đã nỗ lực, quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, tốt hơn nhiều so với năm 2021 và các năm trở lại đây" - Bộ trưởng Tô Lâm
PV: Vâng, thưa Bộ trưởng, liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực và điều tra, khám phá các “đại án” kinh tế thời gian qua đạt nhiều kết quả rất quan trọng, đã góp phần xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước... Bộ trưởng có thể lý giải để bạn đọc hiểu thêm về dấu ấn đột phá của lực lượng CAND trong lĩnh vực này?
Bộ trưởng Tô Lâm: Phát huy những kết quả đạt được năm 2021, lực lượng Công an tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, là lực lượng mũi nhọn tham mưu với Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và duy trì khí thế mạnh mẽ, quyết tâm cao, trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Kết quả, đã chủ động dự báo, nhận diện sớm, sẵn sàng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ, vào cuộc nhanh, phát hiện các vấn đề nảy sinh mới nổi lên do tác động của dịch bệnh và ảnh hưởng từ khó khăn của kinh tế - xã hội, đặc biệt là những lĩnh vực trọng điểm, vấn đề mà Nhân dân, dư luận quan tâm như: Mua sắm thiết bị y tế, giáo dục, kit xét nghiệm; đấu thầu, quản lý đất đai; liên quan lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; tội phạm liên quan đến hành vi trục lợi do dịch bệnh COVID-19...
Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an phát hiện 5.306 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, nhiều hơn 1037 vụ (24,29%); 492 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, nhiều hơn 152 vụ (44,71%) so với năm 2021. Qua công tác điều tra đã chứng minh rõ yếu tố tư lợi trong các vụ án, khẳng định rõ các đối tượng phạm tội xuất phát từ động cơ, mục đích, lỗi cố ý cá nhân, do suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống chứ không phải "lỗi hệ thống" như các đối tượng xấu xuyên tạc.
Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ngày càng hiệu quả và triệt để, năm sau cao hơn năm trước. Điển hình như: Trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Cơ quan điều tra đã kê biên, phong toả tài sản trị giá gần 4.000 tỷ đồng; trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, đã phong toả, ngăn chặn giao dịch tài khoản, sổ tiết kiệm và kê biên các bất động sản trị giá trên 1.670 tỷ đồng; đã phong toả, kê biên, thu hồi số tài sản khoảng 1.000 tỷ đồng trong vụ án Công ty AIC... Đặc biệt, qua công tác điều tra, xử lý đã cảm hoá, động viên các bị can nhận thức rõ hành vi sai phạm, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, tự nguyện khắc phục hậu quả, rất nhiều trường hợp đã tự nguyện nộp lại tài sản cho Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân.
Cũng qua công tác điều tra, xử lý các vụ án, lực lượng Công an có rất nhiều văn bản tham mưu, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời triển khai giải pháp khắc phục sở hở, thiếu sót, phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm tương tự và có biện pháp xác minh, truy tìm, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt...
Qua thực tiễn công tác, lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, bản lĩnh. Không chỉ Cơ quan điều tra ở Bộ mà nhiều Công an địa phương được Bộ phân công, phân cấp, trực tiếp phát hiện, điều tra án lớn tại địa phương, tạo chuyển biến đồng đều, lan tỏa trách nhiệm, hiệu quả đấu tranh chống tội phạm. Đồng thời, Bộ Công an cũng chủ động rà soát, kiên quyết chỉnh quân, quyết tâm xây dựng lực lượng CAND có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị.
Hiện thực hoá Nghị quyết số 12, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
PV: Nghị quyết số 12, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị đã triển khai trong toàn lực lượng CAND hơn 9 tháng qua, xin Bộ trưởng chia sẻ về những kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết quan trọng này?
Bộ trưởng Tô Lâm: Quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với tinh thần "gương mẫu đi đầu", Đảng ủy Công an Trung ương đã chủ động tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có Nghị quyết riêng chỉ đạo xây dựng toàn diện lực lượng CAND. Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm cơ sở để định hướng chỉ đạo xây dựng, phát triển lực lượng CAND từ nay đến năm 2030 với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể, khoa học; thể hiện sự quan tâm sâu sắc và tin tưởng tuyệt đối của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng CAND.
Công tác triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 12 đã được thực hiện bài bản, khoa học, với lộ trình, bước đi thận trọng và chắc chắn, xác định cụ thể quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 118 để cụ thể hóa Nghị quyết trên và quán triệt triển khai thực hiện trong toàn lực lượng; giao các đơn vị trực thuộc Bộ nghiên cứu xây dựng 22 đề án thành phần; Công an 63 địa phương nghiên cứu xây dựng đề án, tham mưu trình tỉnh ủy, thành ủy phê duyệt đề án và ban hành nghị quyết thực hiện.
PV: Vậy thời gian tới, làm thế nào để biến Nghị quyết trên thành hiện thực sinh động, đạt chất lượng, đúng tiến độ, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Tô Lâm: Việc triển khai Nghị quyết số 12 có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Đảng ủy Công an Trung ương xác định trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết số 12 là xây dựng đội ngũ CBCS Công an có bản lĩnh chính trị vững vàng, vững về pháp luật, giỏi về nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phương tiện, vũ khí được trang bị, sắc bén trong tham mưu, đề xuất và xử lý các tình huống phức tạp về ANTT; đi đôi với hiện đại về phương tiện, hậu cần, kỹ thuật theo quan điểm "xây dựng con người là trung tâm, hiện đại trước, kết hợp với hiện đại về phương tiện, hậu cần, kỹ thuật bảo đảm đồng bộ, phù hợp"; trong đó phải xác định rõ lộ trình, giải pháp cụ thể từng năm, với quyết tâm chính trị cao, thống nhất đồng lòng, cách làm khoa học, sáng tạo, bài bản phù hợp, huy động tối đa, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp.
Thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quốc hội những vấn đề liên quan thực hiện Nghị quyết số 12. Chỉ đạo cấp ủy, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phát huy vai trò người đứng đầu, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong quán triệt, phổ biến, triển khai Nghị quyết số 12 và Kế hoạch số 118 theo phương châm 5 rõ: "Rõ người - rõ việc - rõ tiến độ - rõ kết quả - rõ trách nhiệm". Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thống nhất ý chí và hành động để cùng xây dựng lực lượng CAND có đủ sức mạnh, tiềm lực, khả năng phục vụ hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước, trọng tâm là tập trung xây dựng, triển khai thực hiện 22 đề án thành phần phù hợp với hệ lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Điểm sáng trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ
PV: Trong sự đổi thay mạnh mẽ Chính phủ số năm 2022, xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Công an đã phát huy vai trò Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ như thế nào?
Bộ trưởng Tô Lâm: Có thể khẳng định Bộ Công an đã tập trung làm tốt cả hai vai trò là tham mưu và tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong triển khai thực hiện Đề án 06. Phát huy vai trò thường trực, trong năm 2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 104 về hoạt động của Tổ công tác, chủ trì 9 buổi giao ban định kỳ hàng tháng với các thành viên để chỉ đạo, đôn đốc các công việc chậm tiến độ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Với vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 13, ngày 30/9/2022 xác định rõ "Việc thực hiện Đề án 06 là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, mệnh lệnh công tác của lực lượng vũ trang, là danh dự của lực lượng CAND" với 9 nhóm nhiệm vụ cần tập trung đẩy mạnh liên quan đến quyết tâm chính trị, pháp lý, an ninh an toàn, tập trung nguồn lực triển khai Đề án trong CAND. Chủ trì 2 hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án đến cấp xã theo chức năng của lực lượng CAND.
Với chủ trương quyết liệt, hiệu quả, quyết tâm bảo đảm tiến độ của Đề án, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp làm việc với 8 bộ, ngành; trực tiếp kiểm tra, khảo sát đánh giá tình hình triển khai và làm việc với 14 UBND tỉnh/thành phố; làm việc, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 17 đoàn công tác trong và ngoài nước. Đồng thời, trực tiếp chỉ đạo Thường trực Tổ công tác, duy trì 47 cuộc giao ban rà soát tiến độ các nhóm công việc vào thứ bảy hàng tuần.
Cơ quan Thường trực tổ công tác, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Văn phòng Bộ Công an trực tiếp làm việc, hướng dẫn 8 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên, Hà Nam, Bình Dương, Nghệ An, Nam Định) triển khai thực hiện thí điểm Đề án 06. Với quyết tâm như vậy, đối với 89 nhiệm vụ cụ thể của Đề án, hiện đã hoàn thành 47 nhiệm vụ, 34 nhiệm vụ đang thực hiện thường xuyên, 8 nhiệm vụ tiếp tục đôn đốc để hoàn thành theo lộ trình.
Đặc biệt, công cuộc chuyển đổi số không chỉ bó hẹp trong Bộ Công an mà còn lan tỏa, mở rộng, kết nối, chia sẻ tiện ích với các bộ, ban, ngành, địa phương. Đây là tài nguyên quốc gia vô cùng đắt giá, tài nguyên lõi, nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số, xã hội số, thay đổi cách quản lý, quản trị xã hội, điều hành công việc; thay đổi cách tiếp cận, sinh hoạt của người dân theo hướng minh bạch, công khai, công bằng; giảm thiểu tiêu cực, "tham nhũng vặt", tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bước đầu mang lại những tiện ích rất lớn, giúp tiết kiệm kinh phí, nhân lực, thời gian... Đến nay, Bộ Công an đã kết nối chính thức với 12 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông, 35 địa phương để xác thực, làm sạch dữ liệu cho các đơn vị, làm giàu dữ liệu dân cư.
PV: Đề án đi vào cuộc sống đã mang lại nhiều tiện ích cho công dân số, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Bộ trưởng có thể chia sẻ với bạn đọc về những nỗ lực của Công an cơ sở trong quá trình triển khai, thực hiện?
Bộ trưởng Tô Lâm: Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, là bước cải cách rất lớn, vượt qua những tâm lý, thói quen, thậm chí "lợi ích cục bộ" để phục vụ Nhân dân với tinh thần cống hiến cao nhất. Có được những kết quả ấn tượng của Đề án là do có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân và sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an với quyết tâm chính trị cao, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở.
Đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến, sáng tạo, bản lĩnh của đội ngũ CBCS Công an trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là các đồng chí ở cấp xã vất vả ngày đêm để hoàn thiện dữ liệu, phục vụ Nhân dân với tinh thần phục vụ cao nhất... Tôi đọc các báo cáo, rất xúc động, rất chia sẻ với CBCS CAND nói chung, Công an xã nói riêng đang hàng ngày thực hiện 16 nhiệm vụ và 68 đầu mục công việc, từ lĩnh vực an ninh, cảnh sát, quản lý hành chính, phong trào, phòng cháy chữa cháy, tiếp công dân, tổng hợp, chính trị hậu cần, hỗ trợ tư pháp... Trong khi đó, còn nhiều CBCS làm việc, sinh hoạt trong điều kiện khó khăn về nơi làm việc, chỗ ở, dù các địa phương rất quan tâm vào cuộc, Bộ cũng ưu tiên đầu tư, trang bị hỗ trợ.
Với vai trò Thường trực tổ công tác tại cấp xã, lực lượng Công an xã đã tham mưu đồng chí Chủ tịch xã - Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo các thành viên, đoàn thể đẩy mạnh thực hiện Đề án 06; trực tiếp hướng dẫn người dân tiếp cận dần với các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia và nhiều công việc thầm lặng khác, quyết liệt thực hiện các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến quyền lợi của người dân; rà soát, làm giàu dữ liệu, đảm bảo dữ liệu luôn "đúng, đủ, sạch, sống"...
Những kết quả này đã khẳng định vai trò, vị thế và sự cống hiến, đóng góp của lực lượng CAND đối với tiến trình chuyển đổi số quốc gia, tạo nền tảng để đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ này trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!