Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Xứng đáng là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an cấp xã đảm bảo ANTT trên địa bàn Hà Tĩnh

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và thay thế Pháp lệnh Công an xã 2008, đây là nội dung Luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới và góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Để triển khai thực hiện các nội dung Luật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Ban biên tập Cổng thông tin Công an Hà Tĩnh đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh về một số nội dung triển khai Luật



Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh với lực lượng Công an xã Bán chuyên trách phường Bắc Hà, Thành phố Hà Tĩnh
 

Phóng viên:  Thưa đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng đảm bảo ANTT ở cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo ANTT. Đồng chí có thể đánh giá lực lượng này trên địa bàn Hà Tĩnh?
Đại tá Nguyễn Hồng Phong:
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh lực lượng tham gia bảo vệ ANTT gồm 3 lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Đội trưởng, Đội phó Dân phòng. Tổng quân số 3 lực lượng gồm 5.871 đồng chí, trong đó: Bảo vệ dân phố: 253 đồng chí; Công an xã bán chuyên trách: 1.746 đồng chí; Đội trưởng, Đội phó Dân phòng: 3.872 đồng chí. Mỗi thôn/tổ dân phố hiện nay được bố trí ít nhất 01 đồng chí Công an xã bán chuyên trách/Bảo về dân phố và Đội trưởng, Đội phó Dân phòng.

Từ thực tiễn cho thấy, Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và Tổ dân phòng tự quản có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ngay tại cơ sở, họ là những người ở địa phương hiểu được phong tục, tập quán, các mối quan hệ xã hội trong thôn, xóm, khu dân cư và là đầu mối để giải quyết các mâu thuẫn nhỏ ngay từ khi mới phát sinh, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau:
Thứ nhất, trực tiếp và phối hợp với lực lượng Công an xã chính quy, Quân sự, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức quần chúng cấp xã tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ động phát hiện, phòng ngừa, tố giác tội phạm; quản lý người có quá khứ phạm tội và những người vi phạm pháp luật khác tái hòa nhập cộng đồng; giáo dục những người vi phạm pháp luật tại địa bàn trở thành người lương thiện. Nhắc nhở, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo ANTT trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; là nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thứ hai, thực hiện các biện pháp giữ gìn an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các tai nạn khác theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành Công an như: Tuyên truyền, vận động nhân dân, phổ biến kiến thức và kỹ năng về công tác phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phòng ngừa, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật. Phối hợp với lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các tai nạn khác.
Thứ ba, tham gia tuần tra, canh gác giữ gìn an ninh, trật tự để phòng ngừa, phát hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội tại địa bàn, các khu vực dân cư theo hướng dẫn của Cảnh sát khu vực; phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự công cộng, vi phạm các thể lệ, quy tắc, quy ước về bảo vệ an ninh, trật tự, kịp thời phản ánh cho cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ tư, tham gia bảo vệ hiện trường, cứu giúp người bị nạn, nạn nhân trong các vụ án, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, cháy, nổ; nắm tình hình, nguyên nhân, hậu quả thiệt hại, đối tượng gây ra, người biết; bảo vệ an toàn tài sản của nhân dân và tham gia truy bắt người phạm tội quả tang, đối tượng có lệnh truy nã, trốn thi hành án; tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân ở địa phương, cơ sở.


Động viên các lực lượng tại Phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh
Phóng viên:  Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV,  kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Việc ban hành Luật này có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí Giám đốc Công an tỉnh?

Đại tá Nguyễn Hồng Phong: Thực tế hiện nay, vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, hoạt động của các loại tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tình hình vi phạm các quy định về tham gia giao thông, về quản lý cư trú… diễn ra khá phổ biến. Đa số các vụ, việc có liên quan đến ANTT đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội. Nghị quyết số 22 ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị đã xác định nhiệm vụ xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám sát cơ sở”. Thực hiện nghị quyết này, đến nay, tất cả các xã, thị trấn đã được bố trí Công an chính quy để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát động và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hướng dẫn các tổ chức quần chúng tự nguyện trong công tác bảo vệ ANTT; trực tiếp nắm tình hình, tiếp nhận, giải quyết ban đầu, tại chỗ các vấn đề ANTT ở cơ sở.


Hội Cựu Công an nhân dân huyện Thạch Hà ra mắt mô hình "Hội cựu CAND tham gia đảm bảo ANTT ở cơ sở"


Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của tình hình ANTT, hoạt động của lực lượng Công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, cũng như sự hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng địa phương… nên luôn cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây, Bảo vệ dân phố, Dân phòng là đòi hỏi tất yếu. Thực tiễn từ trước đến nay, lực lượng này luôn tham gia và thực hiện tốt nhiệm vụ theo sự điều chỉnh của những nhóm quy phạm pháp luật khác nhau. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn khách quan nêu trên thì việc ban hành một đạo luật thống nhất quy định về xây dựng, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là thực sự cần thiết. Công an xã bán chuyên trách theo Pháp lệnh Công an xã hiện đang được tiếp tục sử dụng; lực lượng Bảo vệ dân phố và Đội trưởng, Đội phó Dân phòng là những nguồn lực sẵn có quan trọng để xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng. Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở. Điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; qua đó, tạo cơ sở pháp lý bình đẳng về địa vị pháp lý và xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản ở địa bàn cơ sở.
Luật tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Hợp nhất ba lực lượng Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, Đội trưởng, Đội phó dân phòng).


Tặng quà lực lượng Công an xã bán chuyên trách trong đảm bảo ANTT tại xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà


Phóng viên: Để triển khai thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở  trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua Công an tỉnh đã thực hiện các mặt công tác nào?

Đại tá Nguyễn Hồng Phong:  Công an tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trong Công an tỉnh. Qua đó, cụ thể hóa 8 nhiệm vụ, giao các đơn vị tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương rà soát báo cáo về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Trong đó rà soát cụ thể về quân số, trình độ học vấn, nghề nghiệp, chế độ bảo hiểm, phụ cấp, thời gian công tác, số hộ khẩu, số nhân khẩu qua đó tổng hợp cụ thể để tham mưu phương án kiện toàn thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 
Hiện nay đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định việc thành lập Tổ bảo vệ ANTT, số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT; mức hỗ trợ, bồi dưỡng cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, một số chính sách dự kiến sẽ đưa vào nội dung dự thảo để HĐND tỉnh thảo luận, cụ thể: 
Đề xuất thành lập 1.936 Tổ bảo vệ ANTT trên địa bàn 1.936 thôn, tổ dân phố (Mỗi thôn, tổ dân phố thành lập 01 Tổ bảo vệ ANTT). Cơ cấu thành viên: Mỗi Tổ bảo vệ ANTT có 03 thành viên, gồm: 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó và 01 Tổ viên. Sau khi thành lập sẽ có 5.808 đồng chí tham gia các Tổ bảo vệ ANTT tại cơ sở.
Ngoài ra Công an tỉnh đã đề xuất một số chính sách liên quan đến hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, bồi dưỡng làm thêm giờ, làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hỗ trợ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ các chính sách này nhằm góp phần đảm bảo tối đa quyền lợi, tạo sự khích lệ, động viên lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bám địa bàn cơ sở, thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ theo quy định.


Hiện nay, Công an tỉnh đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT, trong đó lựa chọn thành phố Hà Tĩnh làm đơn vị tổ chức “điểm” Lễ ra mắt của tỉnh Hà Tĩnh vào sáng ngày 01/7/2024; dự kiến Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tham dự  Lễ ra mắt gần 500 đồng chí; đang chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công đảm bảo Lễ ra mắt thành công tốt đẹp, có sức lan tỏa lớn theo đúng chỉ đạo của Bộ Công an.


12 đồng chí tham gia lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê


Với tinh thần đó dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân các cấp lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi ra đời sẽ là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an xã, bám sát địa bàn cơ sở, gần dân, hiểu dân, phối hợp, hỗ trợ đắc lực thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

BBT