Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Một số cơ sở lý luận và thực tiễn đối với sự cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ

Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Để làm rõ hơn về sự cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, xin cung cấp một số cơ sở lý luận và thực tiễn như sau:                                               

Thứ nhất, về quá trình lập pháp, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ban hành đến nay đã nhiều năm nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung. Từ khi ban hành đến nay, đã có nhiều quan hệ xã hội đã có sự thay đổi, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ phát triển nhanh chóng; lượng phương tiện, con người tham gia giao thông dày đặc, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện nay đang điều chỉnh cả 02 lĩnh vực, đó là: Trật tự an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật). Đây là hai lĩnh vực lớn nên chưa thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung của cả hai lĩnh vực trong cùng một luật. Theo đó, các quy phạm pháp luật, điều khoản, chương, mục của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và đa số các điều khoản, chương, mục của Luật chỉ có thể áp dụng cho một lĩnh vực, không thể đồng thời áp dụng được cho nhiều lĩnh vực. Vì vậy, cần thiết phải tách Luật giao thông đường bộ như hiện nay thành hai Luật quy định từng lĩnh vực riêng để để điều chỉnh triệt để các quan hệ xã hội mới phát sinh mà trong Luật giao thông đường bộ năm 2008 còn tồn tại. 
Thứ hai, về nguyên tắc, việc phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước phải rõ, cụ thể. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định điều chỉnh hai lĩnh vực riêng biệt khác nhau trong cùng một luật, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thứ ba, hiện nay, phương tiện giao thông tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các phương tiện chủ yếu là phương tiện cá nhân nhưng chưa có các quy định cụ thể về phát triển phương tiện để đảm bảo đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội. Tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, an sinh xã hội. Tuy nhiên, do luật chưa xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ dẫn đến chồng chéo khi tổ chức thực hiện nên việc khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên chưa triệt để, hiệu quả chưa cao, còn xảy ra đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý.
Thứ tư, về an ninh con người, Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Mọi người có quyền sống; tính mạng con người được bảo hộ” và “Mọi người được bảo hộ về sức khỏe”. Tuy nhiên, trong thời gian qua do bất cập trong công tác quản lý của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 dẫn đến chưa có sự quan tâm đúng mức đến đối tượng điều chỉnh của luật. Trong đó như: Hệ thống giao thông của nước ta còn bất cập, chưa đồng bộ, công tác quản lý nói chung, quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn lõng lẽo, tình trạng vi phạm pháp luật dẫn đến ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông thường xuyên, đặc biệt là ở các thành phố lớn, gây ra hệ lụy cho xã hội, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, để đảm bảo tốt yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh con người, làm giảm số vụ tai nạn giao thông, giảm số người bị thương, số người chết do tai nạn giao thông, yêu cầu đặt ra cấp thiết là phải phải tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật riêng biệt để nâng cao vai trò và gắn trách nhiệm trong quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực chuyên ngành của các cơ quan quản lý.
Thứ năm, trong thực tiễn áp dụng Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, bất cập, đặc biệt việc chồng chéo, bất cập trên một số nội dung, như:
- Quy định về làn đường, dừng đỗ xe, chuyển hướng, nhường đường tại các nơi giao nhau chưa được thực chất, chưa sát thực tiễn với quy hoạch cũng như hệ thống giao thông của nước ta hiện nay nên nhận thức của người tham gia giao thông chưa thực sự nhuần nhuyễn, dẫn tới vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Chưa gắn trách nhiệm của cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe với việc để người có giấy phép lái xe vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, dẫn đến việc đào tạo đại trà, chất lượng đào tạo không cao, nên nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế. Đặc biệt, có những trường hợp khi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ bị cơ quan Công an tạm giữ Giấy phép lái xe nhưng do mức phạt lớn nên người vi phạm đã làm thủ tục để cấp lại Giấy phép lái xe khác, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Công an.
- Chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Vì vậy, khi phát sinh vụ việc thì cơ quan Công an chỉ tập trung giải quyết ùn tắc, tai nạn chứ bản chất vụ việc đôi lúc lại do kết cấu hạ tầng giao thông, quy hoạch giao thông, biển báo giao thông không phù hợp nhưng cơ quan quản lý về hạ tầng, quy hoạch giao thông lại không có trách nhiệm trong những vấn đề phát sinh.
Trên những cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, để tránh sự chồng chéo và khắc phục những tồn tại, hạn chế như trong Luật Giao thông đường bộ hiện nay, việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ là cần thiết./.

VĂN TÍNH - PHÒNG THAM MƯU