Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác công an được ban hành và lấy ý kiến trong tháng 8/2022

Trong tháng 8, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng; quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Đồng thời, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý trong nhiều lĩnh vực công tác quan trọng như: mẫu hộ chiếu, giấy thông hành; phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; quy tắc ứng xử của Công an nhân dân...

Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng

Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2022. Trong đó, quy định công tác phối hợp thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Cụ thể, việc bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng.

Về nguyên tắc phối hợp, áp dụng quy định của pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng đối với thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Quá trình phối hợp bảo đảm tuân thủ quy định của các điều ước quốc tế và các quy định của tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia, Luật An ninh mạng và pháp luật có liên quan, chủ động, thường xuyên, kịp thời và đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao...

Danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành 

Lực lượng Công an đấu tranh với tội phạm ma túy.

Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2022. Ban hành kèm theo Nghị định là 04 danh mục các chất ma túy và tiền chất.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ khi phát hiện chất mới chưa có trong các danh mục chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định này liên quan đến mục đích bất hợp pháp hoặc theo quy định tại 03 Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống ma túy, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan xem xét, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung và công bố các danh mục đó.

Bộ Công an ban hành văn bản hợp nhất Thông tư quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan

Các mẫu hộ chiếu gồm có: Hộ chiếu ngoại giao, trang bìa màu nâu đỏ (mẫu HCNG); Hộ chiếu công vụ, trang bìa màu xanh lá cây đậm (mẫu HCCV); Hộ chiếu phổ thông, trang bìa màu xanh tím (mẫu HCPT).


Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BCA hợp nhất Thông tư quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan quy định cụ thể quy cách, kỹ thuật chung của hộ chiếu như sau: Mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử. Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng. Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu: tiếng Việt và tiếng Anh...

Chíp điện tử được đặt trong bìa sau của hộ chiếu có gắn chíp điện tử. Bìa hộ chiếu là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao. Chữ, số hộ chiếu được đục lỗ bằng công nghệ laser thông suốt từ trang 1 tới bìa sau cuốn hộ chiếu và trùng với chữ, số ở trang 1. Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.

Lấy ý kiến về quy định công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 


Dự thảo Thông tư quy định về công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trong lực lượng Công an nhân dân quy định nội dung huấn luyện gồm có Huấn luyện lý thuyết và Huấn luyện thực hành. Trong đó, huấn luyện lý thuyết các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác chữa cháy và CNCH; Chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và CNCH.

Huấn luyện thực hành gồm có: Huấn luyện thể lực; Huấn luyện kỹ thuật cá nhân chữa cháy và CNCH; Huấn luyện thao tác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị chữa cháy và CNCH; Huấn luyện đội hình chữa cháy, đội hình CNCH; Huấn luyện chiến thuật xử lý tình huống cháy đối với một số loại hình cơ sở, công trình, phương tiện giao thông; Huấn luyện chiến thuật xử lý tình huống đối với một số loại hình sự cố, tai nạn; Huấn luyện thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH đối với một số tình huống cụ thể.

Dự thảo Thông tư quy định quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an nhân dân

Công an tiếp nhận khiếu nại của người dân.

 

Dự thảo Thông tư quy định quy trình tiếp nhận, phân loại, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân quy định cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận khiếu nại, phân công cán bộ nghiên cứu, phân loại, đề xuất xử lý đơn. 

Trường hợp xác định là đơn khiếu nại trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT thì ghi chép đầy đủ nội dung khiếu nại vào sổ thụ lý như sau: Nội dung Quyết định bị khiếu nại, hành vi tố tụng bị khiếu nại, căn cứ khiếu nại; thời gian, địa điểm diễn ra hành vi tố tụng bị khiếu nại; những người biết hoặc liên quan đến hành vi tố tụng bị khiếu nại; yêu cầu của người khiếu nại. 

Bộ Công an lấy ý kiến về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân

Những hình ảnh đẹp của lực lượng Công an trong lòng Nhân dân. 


Với nguyên tắc ứng xử phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệnh Công an nhân dân; tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc và truyền thống Công an nhân dân... Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Thông tư này quy định nguyên tắc ứng xử; quy tắc ứng xử chung của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; quy tắc ứng xử khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ; ứng xử trong nội bộ, trong quan hệ xã hội và với môi trường tự nhiên; quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Thông tư này không điều chỉnh việc sử dụng không gian mạng phục vụ yêu cầu nghiệp vụ công tác công an. Áp dụng với đối tượng là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên các học viện, nhà trường, công nhân Công an, lao động hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Thông tư quy định quy trình hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động

Đối tượng áp dụng gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động TTKS; Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Theo dự thảo Thông tư, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát (TTKS) quy định phải chấp hành nghiêm sự chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên và kế hoạch, phương án TTKS đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm an ninh, trật tự trong phạm vi địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến TTKS; phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật.

Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm khác thuộc địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến được phân công TTKS. Báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức liên quan có biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Quyền hạn của Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động TTKS gồm có: Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động TTKS; Phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền; Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 16 Luật Cảnh sát cơ động; Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ hoạt động TTKS theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

 

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an