Hà Tĩnh: Nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm

09/02/2025
Lượt xem: 117
Các mô hình phòng, chống tội phạm đã trở thành "tai mắt" nắm tình hình, giữ gìn ANTT và là các hòa giải viên trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Qua đó, khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ ANTT ngay từ cơ sở.

Đầu tháng 6/2024, mô hình điểm "Xã không có tội phạm ma túy" đầu tiên trên địa bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) được tổ chức ra mắt tại xã Thạch Đài. Đây là địa bàn giáp ranh với TP Hà Tĩnh, có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, có nguy cơ tiềm ẩn việc các đối tượng lợi dụng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý vào địa bàn Thạch Hà tiêu thụ và trung chuyển qua địa bàn. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma tuý ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh, xuất hiện nhiều loại ma tuý mới, trá hình nhiều hình thức xâm nhập và các đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hoá.

Mohinh_ANTT_2-1739062654731.jpg
Các mô hình phòng, chống tội phạm góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở.

Với việc ra mắt mô hình "Xã không có tội phạm ma túy", Công an xã Thạch Đài đã tăng cường tuyên truyền về phòng, chống ma túy dưới nhiều hình thức, tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, tổ chức cho người dân ký cam kết không phạm tội về ma túy, vận động toàn dân tích cực tham gia tố giác tội phạm về ma túy. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát các đối tượng nghiện trên địa bàn. Kết quả, sau 9 tháng triển khai thực hiện, Thạch Đài đã trở thành xã sạch về ma túy, trong nhiều tháng liên tiếp không phát sinh đối tượng nghiện, tình trạng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy cũng đã giảm hẳn. Từ sự thành công của mô hình điểm này, không chỉ huyện Thạch Hà mà Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương nhân rộng, lan tỏa mô hình này đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn.

Cũng trên địa bàn huyện Thạch Hà, tháng 4/2024, chính quyền huyện Thạch Hà đã tổ chức ra mắt mô hình "Hội cựu CAND tham gia đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở". Đây cũng là mô hình đầu tiên được triển khai trong toàn quốc. Sau hơn 10 tháng thí điểm, mô hình đã phát huy được vị thế, vai trò của cựu CAND trong công tác giữ gìn ANTT tại địa bàn cơ sở. Với 75 thành viên là cựu CAND tự nguyện, tự giác tham gia giữ gìn ANTT, các thành viên đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong việc phát huy kinh nghiệm, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; góp ý cấp ủy, chính quyền trong công tác đảm bảo ANTT; xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh. Với những hiệu ứng tích cực mà mô hình này mang lại, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng và nhân rộng mô hình để triển khai tại tất cả Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn. Đến nay, Hội cựu CAND đã trở thành mạng lưới nắm tình hình ANTT trên địa bàn cư trú, cung cấp thông tin cho lực lượng Công an các cấp để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh.

Đại tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong thời gian qua, xác định việc đảm bảo ANTT ngay từ cơ sở không chỉ là "tai mắt", là tấm lá chắn bình yên mà qua đó, còn khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ ANTT ngay từ cơ sở. Chính vì vậy, Công an Hà Tĩnh đã luôn chú trọng xây dựng các mô hình điểm, sau khi đưa vào hoạt động có hiệu quả sẽ nhân rộng để tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả như mô hình "Xã không có tội phạm ma túy", mô hình "Zalo kết nối bình yên", mô hình "Tổ tự quản, liên gia an toàn về ANTT", mô hình "Camera giám sát"... là những mô hình đã được nhân rộng, triển khai đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, một số mô hình tuy mới ra đời nhưng cũng đã tạo được dấu ấn riêng biệt như mô hình "Tiếng chuông cảnh báo" tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân dù mới đi vào hoạt động từ tháng 3/2024 nhưng đã góp phần ổn định tình hình ANTT trên địa bàn, không để xảy ra các tình huống phức tạp, bất ngờ và được nhân dân đón nhận tích cực. Đây cũng là mô hình đầu tư hệ thống chuông cảnh báo không dây đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Việc xây dựng mô hình "Tiếng chuông cảnh báo" giúp lực lượng Công an xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh, giúp người dân yên tâm hơn về tình hình ANTT trên địa bàn. Hay như mô hình "Zalo kết nối bình yên", ra đời từ đầu năm 2024 đến nay đã thu hút trên 90.000 thành viên tham gia, phủ kín đến tận 216/216 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong năm 2024, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nhân rộng trên 44 mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Điển hình là các mô hình: "5 nhất về ANTT", "Camera an ninh", "Tổ tự quản, liên gia an toàn về ANTT", "Tiếng kẻng an ninh", "Camera giám sát", "Trường học an toàn - thân thiện", "3 không" (không ma túy, không cờ bạc, không vi phạm pháp luật giao thông), "An ninh công nhân"... Công an Hà Tĩnh cũng đã bước đầu thành công trong việc lựa chọn xây dựng "Xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phường điển hình về đảm bảo trật tự đô thị".

Bước đầu các mô hình đã khơi dậy ý thức tự phòng, tự quản, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân và các tổ chức xã hội trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các loại tệ nạn xã hội nói chung. Đối với các mô hình điểm, sau khi đi vào hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả, Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, nhân rộng tại 100% xã, phường, thị trấn. Đại tá Nguyễn Trung Kiên cho biết thêm, các mô hình đảm bảo ANTT ở cơ sở đã thực sự đi vào cuộc sống với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ ANTT ngay từ cơ sở.

Thời gian tới, Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai, nhân rộng các mô hình. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng lĩnh vực, địa bàn để nghiên cứu xây dựng các mô hình phù hợp thực tiễn, qua đó nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các loại tội phạm.

THIÊN THẢO
Liên kết website