Thưc hiện Kế hoạch bảo đảm PCCC và CNCH trong mùa hanh khô, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và Kế hoạch của Công an tỉnh Hà Tĩnh về việc mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh phòng ngừa và tấn công trấn áp tội phạm, an toàn PCCC góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, PCCC, tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân.
Trong thời gian vừa qua, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt vào cuối năm trong dịp Tết Nguyên đán, thời tiết hanh khô, các chợ, trung tâm thương mại và hộ kinh doanh dự trữ nhiều loại hàng hóa phục vụ cho Tết; các nhà máy, xí nghiệp thường xuyên tăng ca sản xuất, nhu cầu sử dụng điện, gas, đốt hương, vàng mã tăng cao, cộng với tâm lý vội vàng nên nguy cơ dẫn đến sự cố, tai nạn và cháy, nổ xảy ra là rất lớn. Trước tình hình đó để góp phần hạn chế về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, nhất là trong mùa hanh khô, tết dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân Ất tỵ năm 2025, việc chủ động các phương án phòng ngừa là nhiệm vụ vô cùng bức thiết.
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp hướng dẫn, kiểm tra an toàn về PCCC trong các cơ quan, doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, chung cư, nhà cao tầng, nhà ở kết hợp kinh doanh và yêu cầu khắc phục, những tồn tại, thiếu sót để phòng ngừa sự cố đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó công tác phối hợp thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ tại các đơn vị cũng được thực hiện thường xuyên, tại các buổi diễn tập cũng đã lồng ghép hướng dẫn kỹ năng thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra cho CBCNV và người lao động.
Để ngăn ngừa cháy nổ có hiệu quả thì mỗi người dân phải nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình phải chủ động về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng ứng phó, chủ động nắm bắt, sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy kịp thời xử lý các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; Biết và sử dụng các dụng cụ, phương tiện chữa cháy được trang bị, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra cháy lớn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động.
Đối với Các cơ sở sản xuất, phải có biện pháp khống chế và kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt. Khi sử dụng vật liệu, nhiên liệu, là các chất dễ cháy, nổ chỉ dự trữ đủ trong từng ca sản xuất. Hàng hóa sản xuất ra được di chuyển ngay, không lưu giữ tại nơi sản xuất. Vật tư, thiết bị trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn PCCC. Tại các nhà xưởng phải có phương án chữa cháy, trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn và thiết bị chiếu sáng sự cố. Bố trí lực lượng PCCC cơ sở trực 24/24h để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy nổ.
Các hộ kinh doanh không bày hàng hoá lấn chiếm đường đi lại, lối thoát nạn, cửa ra vào. Bố trí, xắp sếp hợp lý các ngành hàng, gian hàng dễ cháy với hàng khó cháy. Không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất, hàng nguy hiểm cháy nổ như, xăng dầu, gas, cồn, hoá chất. Không sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán đèn trời và các loại pháo. Nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bố trí ở khu vực riêng biệt, không phơi sấy vật liệu dễ cháy xung quanh bếp, sau khi dùng xong phải dập tắt lửa và dọn sạch than. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để làm tường, trần, vách ngăn quầy hàng.