Sáng ngời hình ảnh người chiến sĩ Công an “đi B”: Tất cả vì miền Nam ruột thịt (Kỳ 1)

26/04/2025
Lượt xem: 53
Trải qua 80 mùa xuân, tính từ ngày ra đời, đến nay lực lượng CAND vẫn vẹn nguyên son sắc, thủy chung và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc 5 lời thề danh dự, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam; luôn phấn đấu, sẵn sàng hy sinh vì an ninh Tổ quốc và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân... Đó là thực tế sinh động cho thấy sự thấm nhuần, kế thừa, tiếp nối và phát huy những giá trị truyền thống cao đẹp của thế hệ CAND hôm nay đối với các thế hệ cha anh đi trước. Đặc biệt, từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, trên chặng đường phát triển mới của đất nước, hình ảnh người chiến sĩ CAND trong lòng nhân dân tiếp tục được khắc ghi sâu đậm, ngời sáng, lung linh hơn qua những chuyến hành quân đặc biệt…

Ít ai hình dung được, trong bối cảnh đất nước chia cắt, miền Nam ngập chìm trong mưa bom, bão đạn, thế nhưng chỉ từ đầu năm 1975 đến ngày 29/4/1975, Bộ Công an đã huy động 4.500 cán bộ Công an chi viện, nâng tổng số cán bộ Công an từ miền Bắc chủ động chi viện vào chiến trường miền Nam (tính từ 1959 đến thời khắc lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập trưa 30/4/1975) là 10.307 cán bộ. Có tài liệu cho biết, con số này gần bằng quân số toàn ngành Công an thời điểm năm 1964.

Sáng ngời hình ảnh người chiến sĩ Công an “đi B”: Tất cả vì miền Nam ruột thịt  -0
Cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam được tặng danh hiệu “Dũng sĩ” vì có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1971. (Ảnh tư liệu)

Sự chi viện chiến lược, hiệu quả

Theo Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Lai, Trưởng Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam, ngay trước khi lá cờ giải phóng được kéo lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu (Huế), đánh dấu thời khắc lịch sử chiến trường Trị Thiên Huế sạch bóng quân thù vào ngày 26/3/1975, Bộ Công an đã kịp thời chi viện hơn 500 CBCS An ninh, Cảnh sát, Công an vũ trang do đồng chí Lê Đình Thảo, Giám đốc Công an TP Hà Nội làm Trưởng đoàn, giúp Ty an ninh Thừa Thiên Huế bảo vệ các cơ quan đầu não, lễ mít tinh toàn thắng, nhiều mục tiêu trọng yếu và triển khai 5 thông cáo quản lý vùng giải phóng, góp phần nhanh chóng ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…

Không phải chỉ với TP Huế, trong số hàng ngàn cán bộ mà Công an Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam (từ tháng 3 đến 4/1975), có hàng trăm cán bộ được chi viện An ninh khu 5, An ninh Sài Gòn – Gia Định, Cần Thơ, Hậu Giang,…

Với Nam Định, ngay đợt đầu thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng đoàn – lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh đã chọn, cử 8 đồng chí là cán bộ, lãnh đạo các đơn vị lên đường chi viện cho Trung ương Cục miền Nam. Đặc biệt, từ tháng 9/1964 đến 1974, Công an Nam Định tiếp tục chọn, cử 3.086 CBCS lên đường đi… B (miền Nam).

Cũng với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến lớn”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Công an Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An đã điều động trên 1.800 CBCS chi viện cho An ninh miền Nam (và cả chiến trường nước bạn Lào, Campuchia). Đầu 5/1975, Công an Hải Phòng tiếp tục huy động thêm 250 CBCS chi viện vào giúp các tỉnh miền Nam sớm ổn định tình hình những ngày vừa mới giải phóng.

Đáng chú ý, tại quê lúa Thái Bình – địa phương có trên 300 CBCS Công an tình nguyện được chi viện vào chiến trường miền Nam, giai đoạn cuộc chiến tranh ở miền Nam diễn ra căng thẳng, gay go, ác liệt nhất là những năm sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, thông qua công tác giáo dục chính trị, động viên tư tưởng đã dấy lên cao trào viết đơn tình nguyện lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi đó, ở chiến trường B, nhiều địa bàn nóng bỏng được xác định là "túi bom”, "cửa tử, có đi không về" nhưng không vì thế mà ngăn cản được lòng nhiệt tình cách mạng, tinh thần yêu nước của CBCS.

Bước sang đầu năm 1975, yêu cầu chi viện sức người, sức của cho chiến trường ngày một lớn; cả miền Bắc đều hướng đến tiền tuyến lớn; cùng với khí thế cách mạng sôi sục của cả nước, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 29 (12/1974) và Chỉ thị của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn khi ông về thăm Công an Thái Bình, 100% CBCS “quê hương năm tấn” đã viết đơn tình nguyện lên đường chiến đấu. Có 18 lá đơn được viết bằng máu, thể hiện ý chí, quyết tâm rất cao, chấp nhận hy sinh, hăng hái xung phong lên đường chi viện...

Anh dũng hy sinh vì tiền tuyến lớn

Theo Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Lai, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đế quốc Mỹ đã phá hoại Hiệp định, hất cẳng thực dân Pháp, dựng nên chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng.

Về phía ta, tuy có lòng dân hướng về ngày thống nhất đất nước nhưng không có chính quyền; số cán bộ ở lại trong thời kỳ tập kết ra Bắc theo Hiệp định thì bị địch khủng bố trắng, bắt bớ giam cầm, chém giết. Chỉ trong 4 năm, từ 1954 đến 1958, cả miền Nam tổn thất trên 90% cán bộ, đảng viên với khoảng 7 vạn cán bộ, đảng viên bị giết… Trong bối cảnh đó, việc chi viện số lượng lớn cán bộ, chi viện toàn diện nhằm củng cố, xây dựng An ninh miền Nam lớn mạnh, đủ sức đánh thắng các thế lực thù địch có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, là một khó khăn, thách thức rất lớn đối với Bộ Công an lúc bấy giờ.

Ngay từ đầu năm 1955, Bộ Công an đã chủ động trong công tác chi viện cho An ninh miền Nam. Đã có nhiều cán bộ phái khiển bí mật vượt sông Bến Hải vào đến Đông Hà, Huế và các tỉnh phía Nam hoạt động. Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thành lập Tổ chuyên trách việc chuẩn bị cán bộ chi viện An ninh miền Nam, tính toán tìm mọi cách mở đường bí mật đưa cán bộ về Nam hoạt động.

Tuy nhiên, công tác chi viện cán bộ Công an vào miền Nam diễn ra mạnh mẽ nhất là ngay sau khi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Nguyễn Văn Linh ban hành Chỉ thị số 01 về việc thành lập Ban bảo vệ An ninh xứ ủy và Ban bảo vệ an ninh các cấp. Ngày 9/10/1961, đồng chí Sáu Hoàng (sau này là Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; thời điểm đó là cán bộ được giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa cách mạng nhằm chuẩn bị cho chiến đấu vũ trang ở tỉnh Tây Ninh và phát động nổi dậy ở khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - PV), có Điện số 235/NB gởi Bộ Công an đề nghị chi viện cán bộ. Một tuần sau, qua Trung ương Cục miền Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn lấy bí danh Trần Hưng Cầu đã điện, thông báo cho đồng chí Đăng (một bí danh khác của đồng chí Cao Đăng Chiếm - PV) rằng Bộ Công an đã chủ động tập trung 300 cán bộ trung - cao cấp đang bồi dưỡng về nghiệp vụ, rèn luyện thể lực, sẽ lên đường chi viện vào quý I/1962.

Cố Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (Tư Quyết), nguyên Ủy viên Ban An ninh Khu VI, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục III (sau này là Tổng cục chính trị CAND – Bộ Công an), nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Chiến lược (nay là Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an) - Bộ Công an, có lần cho biết, với tầm nhìn chiến lược, thấy trước yêu cầu chi viện ngày càng lớn, nếu chỉ trông chờ vào đoàn cán bộ Công an tập kết (1.724 đồng chí) thì không thể đáp ứng được yêu cầu, nên ngay sau khi Diệm - Nhu bị lật đổ (1/11/1963), Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đề nghị Chính phủ và Bộ Quốc phòng cho chọn tuyển gần 1.000 sỹ quan, hạ sỹ quan Quân đội ở miền Nam tập kết ra Bắc, đưa đi đào tạo nghiệp vụ an ninh; đồng thời Bộ còn tuyển chọn trong số cán bộ, con em cán bộ ở miền Nam tập kết ra Bắc đang công tác, học tập vào Công an để bồi dưỡng chính trị, đào tạo nghiệp vụ, rèn luyện sức khỏe phục vụ kế hoạch chi viện.

Trong giai đoạn từ 1961 đến tháng 1/1968, Bộ Công an tổ chức 3 đợt chi viện, gắn với thời điểm phục vụ chủ trương chiến lược của Đảng, như: giai đoạn kiềm chế và đánh thắng địch trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961-1964), chi viện 769 đồng chí; giai đoạn 1965-1968, đối phó với chiến lược “chiến tranh cục bộ”, phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chi viện 2.289 đồng chí.

Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cuộc kháng chiến tại miền Nam càng ác liệt, việc phát triển lực lượng an ninh tại chỗ ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn nên Bộ Công an báo cáo và được Ban Bí thư chấp thuận cho thành lập Trường Đào tạo cán bộ An ninh miền Nam (E1171, đặt tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú, nay là tỉnh Vĩnh Phúc) để tuyển chọn con em cán bộ Công an ở miền Nam ra hoặc đang học văn hóa ở miền Bắc để đào tạo, chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài cho An ninh miền Nam.

Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã xác định rất rõ, chi viện cho An ninh miền Nam là trách nhiệm và nghĩa vụ chung của lực lượng CAND; cán bộ Công an dù quê ở miền Nam hay miền Bắc đều có trách nhiệm vào trực tiếp chiến đấu ở chiến trường miền Nam; đồng thời phát động sâu rộng phong trào thi đua “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “vì tiền tuyến lớn”, “vì thống nhất đất nước” nên đã huy động được hàng vạn cán bộ Công an quê ở miền Bắc hăng hái, xung phong chi viện An ninh miền Nam.

Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trong bài viết đăng trên Báo CAND ngày 20/4 vừa qua với tựa đề “Công an nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, cho biết, với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt", từ năm 1959 đến ngày 30/4/1975, lực lượng Công an ở miền Bắc đã chủ động chi viện chiến trường miền Nam 10.307 CBCS.

Cán bộ chi viện An ninh miền Nam đã nhanh chóng có mặt ở hầu khắp các chiến trường, những nơi khó khăn, ác liệt nhất; hòa mình vào phong trào cách mạng, gắn bó với nhân dân địa phương, đoàn kết với cán bộ tại chỗ, đồng cam cộng khổ, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; nhiều đồng chí đã được bổ nhiệm vào các chức vụ chủ chốt từ Ban An ninh Trung ương Cục đến Ban An ninh khu, tỉnh, thành phố.

Cùng với chi viện về người, Công an miền Bắc còn chi viện vũ khí, phương tiện, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... Trong đó, từ năm 1969 đến năm 1972, đã chi viện trên 70 tấn tân dược, dụng cụ y tế; trong những năm 1973-1975, chi viện hàng trăm tấn vũ khí, hàng chục tấn đạn, máy móc thông tin liên lạc và tân dược các loại.

Trải qua 21 năm chiến đấu khó khăn, gian khổ, ác liệt, hơn 10.000 CBCS CAND đã hy sinh anh dũng trên các chiến trường, gần 5.000 thương binh đã hy sinh một phần xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; hàng nghìn CBCS An ninh miền Nam bị địch bắt, tù đày tra tấn dã man trong các nhà tù, trại giam của địch hoặc bị nhiễm chất độc da cam; hàng vạn cơ sở quần chúng cách mạng đã thầm lặng đóng góp, cống hiến, hy sinh trên khắp các chiến trường và hậu phương lớn miền Bắc, góp phần to lớn đối với sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND.

Ghi nhận công lao, đóng góp của lực lượng CAND trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 331 tập thể, 265 cá nhân và nhiều phần thưởng cao quý khác…

CAND
Liên kết website