Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Sáu kinh nghiệm hay trong triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID

Ngay sau khi được Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Bộ Công an lựa chọn là địa phương đầu tiên thí điểm xây dựng Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, nhận thức được vai trò, tầm quan quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ này, TP Hà Nội đã quyết tâm, quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả nội dung trên và đến nay đã mang lại những kết quả rất tích cực, tạo tiền đề vững chắc giúp Bộ Y tế nhân rộng ra toàn quốc.

Nhận thức thông, hành động quyết liệt

Phát biểu trong phiên họp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương về triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 vào cuối tháng 8 vừa qua, đồng chí Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội khẳng định: Để phát huy tối đa năng lực khám chữa bệnh cho người dân, bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ y bác sỹ, việc hiện đại hóa trang thiết bị y tế cũng như ứng dụng CNTT trong hoạt động khám chữa bệnh là hết sức cần thiết và quan trọng.

Hà Nội được Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an chọn là địa phương đầu tiên thí điểm xây dựng Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khoẻ điện tử gắn với Đề án 06 của Chính phủ. Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như ngành Y tế (người dân sẽ được quản lý sức khoẻ thông qua sổ, Hồ sơ sức khoẻ điện tử trong suốt vòng đời của mình….), nâng cao hiệu quả, hiệu suất trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Xây dựng hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử là nền tảng phát triển y tế thông minh và bền vững, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và chủ động của ngành Y tế trước nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng phải được nâng cao và đổi mới.

Sáu kinh nghiệm hay của TP Hà Nội trong triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID -0
Cán bộ Y tế tham gia khám sàng lọc chăm sóc sức khỏe cho người dân và tạo lập dữ liệu y tế điện
tử.

TP Hà Nội bắt tay vào việc triển khai xây dựng hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử với rất nhiều những mục tiêu được đặt ra. Đến nay, TP Hà Nội đã ban hành, hoàn thiện hiệu chỉnh hệ thống, các trường thông tin tạo lập Hồ sơ sức khoẻ điện tử thí điểm với 73 trường thông tin. Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử TP Hà Nội được Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá đảm bảo về an ninh mạng, an toàn thông tin (hạ tầng, ứng dụng) theo quy định, đáp ứng yêu cầu kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và VNeID do Bộ Công an quản lý. TP Hà Nội đã cấp chữ ký số cho 615 đơn vị và 2.475 cá nhân trực thuộc các đơn vị; gần 4.000 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống đạt tỷ lệ 100%.

TP Hà Nội cũng đã tổ chức tập huấn 5 lớp theo hình thức online qua phần mềm Zoom Meeting với tổng số gần 3.100 học viên của 30 quận, huyện, thị xã và 579 trung tâm y tế xã/ phường/thị trấn trên địa bàn và hướng dẫn gần 800 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố liên thông lên Hồ sơ sức khỏe điện tử của TP Hà Nội. Sở Y tế đã thành lập 3 nhóm hỗ trợ trực tiếp toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh trên địa địa bàn thành phố với hơn 3.000 cán bộ y tế tham gia.

Đến nay, TP Hà Nội đã khởi tạo được hơn 10,5 triệu người dân từ Hệ thống tiêm chủng phòng COVID-19 và Hệ thống tiêm chủng Quốc gia lên hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử của TP Hà Nội, trong đó có hơn 20 triệu mũi tiêm chủng COVID-19 được đồng bộ từ Hệ thống tiêm chủng vaccin phòng COVID-19 và hơn 10 triệu mũi tiêm chủng mở rộng được đồng bộ tự động từ phần mềm tiêm chủng Quốc gia.

Gần 19,3 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh lên hệ thống Hồ sơ sức khỏe của thành phố và các trạm y tế cập nhật, bổ sung. Gần 7,5 triệu người dân (được quản lý thông tin sức khỏe) có 21/73 thông tin so với Quyết định số 110 của  BND TP Hà Nội về việc ban hành các trường thông tin tạo lập Hồ sơ sức khỏe điện tử thí điểm trên địa bàn TP Hà Nội. Hơn 2,5 triệu người dân được tạo lập với 48/48 trường thông tin theo QĐ số 4026 của Bộ Y tế và 66/73 thông tin theo Quyết định số 110 của UBND TP Hà Nội.

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã triển khai công tác chuẩn hóa dữ liệu, lọc trùng thông tin người dân và cập nhật kết quả khám học sinh sinh viên, khám sức khỏe định kỳ và kết quả khám sàng lọc bệnh nhân không lây nhiễm. Đến nay, đã chuẩn hoá được hơn 8,2 triệu người dân trên tổng số 10,5 triệu  người dân được khởi tạo (hơn 7,7 triệu người dân thành phố có Hồ sơ sức khỏe điện tử đạt tỷ lệ 94%); 446 nghìn hộ gia đình được tạo lập quản lý, hơn 12,9 nghìn người được cập nhật thông tin tử vong. Chuẩn hoá, cập nhật được gần 4,6 triệu người có thẻ Bảo hiểm y tế; cập nhật được hơn 6,42 triệu người có CCCD/Số định danh cá nhân. Đặc biệt trong đó có hơn 217 nghìn trẻ dưới 6 tuổi đã được cập nhật số định danh cá nhân. Cập nhật bổ sung thông tin khám lập, khám sàng lọc, khám sức khỏe định kỳ, khám học sinh/sinh viên… cho người dân trên địa bàn thành phố ngoài dữ liệu người dân khám tại các cơ sở khám chữa bệnh phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Toàn thành phố cập nhật, bổ sung thêm gần 2 triệu lượt khám sức khỏe của người dân.

Chung tay tháo gỡ những điểm nghẽn

Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, hiện Sở Y tế đã tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu Bảo hiểm Y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và 297 trạm y tế; đồng bộ được hơn 4 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Kết nối, chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân với ứng dụng công dân Thủ đô theo mẫu Quyết định số 1332 của Bộ Y tế.

Người dân khi đăng ký trên ứng dụng thành phố có CCCD hoặc số điện thoại có thể tra cứu dữ liệu sức khỏe cá nhân trên ứng dụng thành phố về các chỉ số sức khỏe, tiền sử, các yếu tố nguy cơ, lịch sử tiêm chủng, đơn thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và lịch sử của các đợt khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như các chương trình khám sức khỏe mà ngành Y tế thực hiện, sẵn sàng lên ứng dụng iHanoi với 2,5 triệu người dân có dữ liệu khám chữa bệnh/khám sức khỏe và hơn 7,2 triệu người có dữ liệu tiêm chủng.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, trong quá trình thí điểm, TP Hà Nội không tránh khỏi gặp những khó khăn, vướng mắc, nhưng những “điểm nghẽn” này nhanh chóng được Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an cũng như các bộ, ngành, địa phương chung tay phối hợp giải quyết. Trong thời gian thí điểm, hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử TP Hà Nội đã được đánh giá đảm bảo về an ninh mạng, an toàn thông tin, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho phép kết nối Hệ thống Hồ sơ sức khoẻ điện tử của TP Hà Nội với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để xác minh, xác thực thông tin hành chính của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội với Sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VNeID qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã ban hành nhiều quyết định quy định các trường thông tin, Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID thí điểm tại TP Hà Nội; chia sẻ dữ liệu từ Hệ thống tiêm chủng COVID-19; Tiêm chủng mở rộng cho Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố để tạo lập, làm giàu dữ liệu. Các bộ, ngành khác có liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ cũng hỗ trợ TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ này.

Để đạt được những kết quả hết sức căn bản và có nền tảng vững chắc trên, đánh giá của lãnh đạo TP Hà Nội cho thấy có 6 bài học kinh nghiệm. Cụ thể, đó là sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông; sự lãnh đạo, chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố, các Sở, ngành và UBND các đơn vị trực thuộc thành phố. Tiếp đó, không thể không kể tới ý thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia đề án, thực hiện đúng tinh thần, chủ trương của Chính phủ, của TP trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe nhân dân. TP Hà Nội cũng gắn việc triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử với nội dung công tác của Tổ Đề án 06 phải đem đến lợi ích cho người dân và ngành Y tế.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đánh giá: Trong quá trình triển khai thực hiện, TP Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt tới toàn bộ viên chức, người lao động trong các đơn vị y tế để hiểu và triển khai hiệu quả. Một kinh nghiệm đặc biệt quý báu không thể thiếu đó chính là cần có sự phối hợp, hỗ trợ của lực lượng Công an cơ sở, cơ quan tư pháp tại địa phương và các tổ chức đoàn thể giúp đỡ y tế địa phương trong triển khai thu thập, cập nhật số liệu.

Bên cạnh những kinh nghiệm quý báu trên, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, TP Hà Nội cũng nhận thấy còn nhiều vướng mắc, kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tạo tài khoản cho TP Hà Nội để sử dụng dịch vụ tra cứu và xác minh thông tin đối tượng tham gia Bảo hiểm Y tế trên địa bàn thành phố, đồng thời không giới hạn số lần tra cứu và xác minh thông tin đối tượng đối với tài khoản trên (hoặc cho phép 100.000 lần tra cứu và xác minh thông tin đối tượng/ngày).

Cung cấp dịch vụ và chia sẻ dữ liệu khám, chữa bệnh của người dân cư trú trên địa bàn TP Hà Nội từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm xã hội cho Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử TP Hà Nội.

Hoàng Phong/CAND