Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam tầm nhìn tới năm 2030

Chiều ngày 24/11, tại Hà Nội tiếp tục diễn ra Hội nghị Văn hoá toàn quốc bàn về Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 với sự tham dự của các đồng chí trong Ban chấp hành Trung ương Đảng và hơn 600 đại biểu từ các bộ, ngành; giới văn nghệ sỹ và đại diện các tổ chức chính trị-xã hội trong cả nước. Hội nghị được kết nối trực tuyến với điểm cầu 63 Tỉnh, thành trong toàn quốc.

Để trực tiếp truyền tải những nội dung của Hội nghị văn hoá toàn quốc, tại địa phương, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị dưới hình thức trực tuyến, chuyên tiếp từ đầu cầu Hội trường Diên Hồng, Ba Đình, Hà Nội đến các điểm cầu trong Đảng bộ Hà Tĩnh. Tham dự tại điểm cầu Công an Hà Tĩnh có đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Thiên, Phó Giám đốc Công an tỉnh, các đồng chí trong Ban giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, đại diện các tổ chức, đoàn thể trong Công an tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị tại Hà Nội
Trong phiên hội nghị buổi chiều, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khái quát về chiến lược phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam. Trong đó khẳng định nội dung cốt lõi của văn hoá là phát triển con người theo tinh thần Nghị quyết đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới cần tiếp tục “chấn hứng” văn hoá, để văn hoá soi đường cho quốc dân đi. Với tinh thần đó, đồng chí mong muốn tại phiên hội nghị chiều, các đại biểu tham gia sẽ đóng góp ý kiến tham luận để tìm ra giải pháp phát triển văn hoá bền vững, trở thành nền tảng tinh thần của dân tộc, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Đồng thời làm rõ những hạn chế trong chiến lược phát triển văn hoá thời gian qua, đưa ra giải pháp xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, gia đình cộng đồng và xã hội. Đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài trong phát triển đội ngũ cán bộ tri thức, văn nghệ sĩ đảm bảo các yêu cầu thực tiễn.
 

Đại tá Nguyễn Hữu Thiên, Phó Giám đốc Công an tỉnh, tham dự tại điểm cầu Công an tỉnh
Tại hội nghị Bộ trưởng bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã thông qua những nội dung trọng tâm của chiến lược phát triển văn hoá tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó chiến lược thể hiện các quan điểm lớn về phát triển văn hoá, khẳng định văn hoá là tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội; nhấn mạnh cần tập trung tiến tới xây dựng phát triển văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; thống nhất quan điểm phát triển văn hoá vì sự hoàn thiện nhân cách con người; đưa ra giải pháp phát huy mọi nguồn lực phát triển văn hoá thực sự trở thành sức mạng nội sinh, khơi dậy tinh thần yêu nước; chủ động hợp tác và quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Từ các quan điểm phát triển văn hoá dân tộc, chiến lược đã đề ra 4 mục tiêu chung và 8 mục tiêu cụ thể phát triển văn hoá, khẳng định chú trọng hướng tới xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; hướng tới môi trường văn hoá lành mạnh; hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hoá, đồng thời cần có cơ chế đột phá để thu hút nhân tài, huy động nguồn lực phát triển văn hoá, con người. Để thực hiện được các mục tiêu chiến lược nêu ra, tại hội nghị đã đưa ra 11 giải pháp cụ thể đến năm 2030, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hoá; hoàn thiện chế độ chính sách, chú trọng xây dựng và phát triển con người; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá…
 

Đại biểu tham dự tại đầu cầu Công an Hà Tĩnh
Sau khi nghe nội dung cơ bản về chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030, đại biểu tham dự hội nghị đã tiến hành tham luận xoay quanh những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của chiến lược phát triển văn hoá, khơi dậy động lực phát triển văn hoá, góp phần gìn giữ và phát huy những thành tựu vốn có, những bản sắc văn hoá dân tộc của quốc gia.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mong muốn thời gian tới, tinh thần hội nghị sẽ tiếp tục được lan tỏa rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Từ đó thúc đẩy hành động chấn hưng văn hóa, trước hết là thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, ngành bằng những hành động cụ thể hơn, quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa; tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, chương trình thiết thực, bền vững nhằm phát triển văn hóa. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
 

Điểm cầu tại Công an Hà Tĩnh
Theo đó, chú trọng đổi mới sáng tạo, khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt. Tiếp tục quan tâm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Cần xác định và thực hành hệ giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và hội nhập. Tích cực thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Đề cao giá trị truyền thống của dân tộc, của con người Việt Nam; bồi dưỡng tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, đưa nền văn hóa Việt Nam bừng sáng và hòa vào nền văn minh nhân loại.

Nga Nguyễn - Sỹ Quý