Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

Ngày 20/6/2022, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo duc luật năm 2012 tại kỳ họp thứ 3. Tại điều 8 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã lấy ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và doanh nghiệp.

Sự hình thành của Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam
          Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Ngày Pháp luật Việt Nam là một trong những hình thức, biện pháp triển khai cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đó. Ngày Pháp luật Việt Nam bắt nguồn từ sáng kiến của một số địa phương trên cả nước, với tính chất là một ngày sinh hoạt pháp luật tập trung để cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Từ mô hình này, năm 2010, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ (nay là Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương) đã hướng dẫn việc nhân rộng trên phạm vi toàn quốc và được đánh giá là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL hiện có.
          Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Xuất phát từ vai trò của pháp luật, ý ghĩa của Hiến pháp năm 1946 - Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với những giá trị về tư tưởng pháp quyền, quyền lực thuộc về Nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thực tiễn triển khai mô hình “Ngày Pháp luật”, kết hợp với tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã quy định ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam - Ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua bản Hiến pháp năm 1946. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Cụ thể hóa nội dung này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong tổ chức triên khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam.
          Theo Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định : “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
          Ngày Pháp luật được tổ chức để tôn vinh Hiếp pháp, pháp luật, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật; là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng động thông qua những cách thức khác nhau. Ngày Pháp luật khơi dậy trong mọi cá nhân công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình mà tham gia một cách tích cực vào các sinh hoạt cuả đời sống chính trị và đời sống xã hội.  Do đó, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời đây là một mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, đây còn là sự kiện pháp lý, chính trị có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.
          Mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam
          Thứ nhất, Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, để hưởng ứng Ngày Pháp luật, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống.
          Thứ 2, việc hình thành và duy trì Ngày Pháp luật đã xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, PBGDPL và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân và vì Nhân dân. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ cương, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng nếp sống văn hóa. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước. Bên cạnh đó, Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp hành một cách tự nguyện, thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người. Có thể nói rằng, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” là thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật; động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh.
          Thứ 3, việc thường niên tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm hướng tới xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội
          Văn hóa pháp lý được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, cá nhân và xã hội. Để hình thành văn hóa pháp lý cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Ngày Pháp luật Việt Nam góp phần xây dựng lối sống theo pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người.
          Qua 10 năm tổ chức, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân quan tâm hưởng ứng và có sức lan tỏa sâu rộng. Tiếp tục hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, “mỗi chúng ta bằng những hành động cụ thể, thiết thực chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Tinh thần đó phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hóa trong xã hội” (trích lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2022)
 

Hồng Loan - Phòng Tham mưu