Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Đảm bảo an toàn phòng cháy rừng trước, trong và sau Tết

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có trữ lượng rừng giàu của cả nước (trữ lượng rừng trồng đạt hơn 1,4 triệu m3, trữ lượng rừng tự nhiên đạt hơn 21 triệu m3); đi kèm với đó thảm thực vật rừng rất đa dạng, có trên 86 họ và 500 loài cây gỗ

Trong đó có nhiều loại gỗ quý như lim xanh, sến, táu, đinh, gụ, pơmu... và nhiều loài thú quý hiếm như hổ, báo, hươu đen, dê sừng thẳng, trĩ, gà lôi và các loài bò sát khác. Có thể kể đến Vườn Quốc gia Vũ Quang và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ nổi tiếng có nhiều thực vật và loại động vật quý hiếm, có giá trị cao. Một khi xảy ra cháy rừng sẽ gây thiệt hại lớn đối với tính mạng và tài sản của con người, tài nguyên rừng và môi trường sống.
          Dự báo trong thời gian tới, thời tiết còn nhiều diễn biến bất thường, thời điểm trước trong và sau tết nguyên đán các hoạt động đốt hương đi tảo mộ, hóa vàng mã tại các đền, chùa diễn ra thường xuyên, là nguy cơ cao dẫn đến cháy rừng. Ngoài ra, do nhận thức chủ quan lơ là của một bộ phận người dân, các hoạt động sản xuất như đốt rừng làm nương rẫy, đốt than, đốt thực bì, hun khói để lấy mật ong, trẻ em chăn trâu đốt lửa để sưởi ấm và nhiều hoạt động khác cũng là nguyên nhân gây ra cháy rừng; khi xảy ra cháy gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, đời sống của nhân dân. Để tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Công an Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 7441/UBND-NL ngày 28/12/2023 chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng chủ động 4 tại chỗ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

          Để chủ động trong công tác PCCCR, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo Nhân dân trong tỉnh, các chủ rừng một số nội dung trong công tác PCCCR như:
          1. Chủ rừng cần duy trì liên tục các điều kiện an toàn về phòng cháy, cụ thể:
          - Có quy định, nội quy về PCCCR; có biển báo, biển cấm lửa được bố trí tại các vị trí quy định, phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng.     
          - Trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng theo phương án PCCCR.
          - Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy và chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ PCCCR; thành lập, quản lý và duy trì hoạt động của tổ, đội PCCCR; tổ chức thường trực sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
          - Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCCR theo quy định của pháp luật về PCCC.
          - Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực rừng mình quản lý.

- Kiểm tra an toàn về PCCCR; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về PCCCR và tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về PCCCR theo thẩm quyền.
          - Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, thông báo kịp thời cho cơ quan Kiểm lâm sở tại, cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH và cơ quan quản lý trực tiếp những thay đổi có liên quan đến bảo đảm an toàn PCCCR thuộc phạm vi quản lý.

          2. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sinh sống, hoạt động ở trong rừng, ven rừng.
          - Đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện nghiêm quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về PCCCR theo quy định của pháp luật.
          - Ngăn chặn và báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy rừng và hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; báo cháy và chữa cháy kịp thời khi phát hiện cháy và chấp hành nghiêm lệnh huy động tham gia chữa cháy rừng.
          - Không đốt rác tại các vị trí tiếp giáp ven rừng, khu vực có khả năng cháy lan vào rừng.
          - Bảo đảm an toàn về PCCCR khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và bảo quản, sử dụng chất cháy trong rừng và ven rừng.
          - Tham gia các hoạt động PCCCR khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

          Đối với người dân khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì: không thực hiện vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng cao. Trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, bản, tổ đội PCCCR. Quá trình đốt phải thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn PCCC, bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa tránh gây cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.

            Khi phát hiện cháy rừng: Bằng mọi cách nhanh chóng báo cho mọi người xung quanh và các đơn vị chức năng có thẩm quyền bao gồm: Đội PCCCR, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, chính quyền địa phương, cơ quan Công an, Quân đội nơi gần nhất tiến hành ngăn chặn cháy lan và dập cháy; quá trình người tham gia chữa cháy phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy

Việt Hưng - PCCC