Nâng cao vị trí, vai trò của Cảnh sát cơ động, tạo niềm tin cho nhân dân

31/12/2019
Lượt xem: 45
Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, cùng với các quy định khác, Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã quy định cụ thể một số hoạt động của CSCĐ liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Việc luật hóa các hoạt động này của CSCĐ tạo nền tảng pháp lý vững chắc để CSCĐ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân. Đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của CSCĐ, nâng cao ý thức pháp luật, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, người dân và toàn xã hội về vị trí, vai trò của CSCĐ.

Bảo vệ mục tiêu, vận chuyển hàng đặc biệt

Luật CSCĐ đã dành Điều 11, Điều 12 và Điều 13 quy định cụ thể một số hoạt động của CSCĐ liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm: Bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt (Điều 11); tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự (Điều 12); vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin (Điều 13).

Nâng cao vị trí, vai trò của Cảnh sát cơ động, tạo niềm tin cho nhân dân -0
Một buổi diễn tập của lực lượng Cảnh sát cơ động.

Theo Bộ Tư lệnh CSCĐ, hiện nay, các quy định về hoạt động bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng và bảo vệ hàng đặc biệt đang được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, Luật CSCĐ chỉ quy định mang tính khái quát hoạt động của CSCĐ khi thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt bao gồm: Canh gác, tuần tra, kiểm soát; kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu ra vào khu vực mục tiêu bảo vệ; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gây mất an toàn, đe dọa gây mất an toàn mục tiêu bảo vệ, chuyến hàng đặc biệt và giao Chính phủ quy định danh mục mục tiêu bảo vệ, hàng đặc biệt do CSCĐ bảo vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp, hỗ trợ CSCĐ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, các hành vi gây mất an toàn, đe dọa gây mất an toàn mục tiêu và bảo vệ mục tiêu và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; các hành vi gây mất an toàn, đe dọa gây mất an toàn mục tiêu bảo vệ. Hiện nay, các quy định của Chính phủ về công tác bảo vệ mục tiêu, vận chuyển hàng đặc biệt đang được CSCĐ và các cơ quan có liên quan thực hiện ổn định, hiệu quả, chưa có khó khăn, vướng mắc và đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật. Trong thời gian tới, các hoạt động này tiếp tục được thực hiện theo quy định tại nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ Công an.

Quy định chặt chẽ, đảm bảo quyền con người, quyền công dân

Điều 12, Luật CSCĐ quy định về công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự của CSCĐ. Theo Bộ Tư lệnh CSCĐ, hoạt động tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự của CSCĐ là hoạt động tuần tra vũ trang. Do vậy, tại khoản 1, Điều 12 đã quy định phạm vi hoạt động tuần tra kiểm soát của CSCĐ được thực hiện tại các khu vực, tuyến, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự hoặc khi có sự kiện chính trị quan trọng để tránh chồng chéo với hoạt động tuần tra, kiểm soát của các lực lượng khác. Đồng thời, điều Luật cũng quy định cụ thể các hoạt động tuần tra kiểm soát của CSCĐ bao gồm bố trí lực lượng, phương tiện, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu; phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Hoạt động tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự của CSCĐ có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Do vậy, để đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật đã quy định các trường hợp CSCĐ được kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; phát hiện người phạm tội quả tang, người bị truy nã, bị truy tìm; có căn cứ cho rằng trong người, phương tiện có cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật, nếu không kiểm tra, kiểm soát ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện, tài liệu đó bị tiêu hủy, tẩu tán.

Liên quan đến Điều 13, Luật CSCĐ quy định về việc vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của CSCĐ, theo khoản 2, Điều 22, Hiến pháp năm 2013 “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗở của người khác nếu không được người đó đồng ý”. Do vậy, để đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp, Điều 13, Luật CSCĐ đã quy định chặt chẽ mục đích CSCĐ được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗở cá nhân trong 2 trường hợp gồm chống khủng bố và giải cứu con tin, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho CSCĐ khi thực hiện nhiệm vụ. Vì, trong quá trình giải quyết các vụ việc khủng bố, giải cứu con tin, khi các lực lượng nghiệp vụ sử dụng các biện pháp vận động, đàm phán, thương thuyết... không hiệu quả, các đối tượng vẫn ngoan cố, chống đối, cố tình thực hiện các hành vi đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của các con tin cần phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý ngay. Trong trường hợp này, lực lượng CSCĐ được cấp có thẩm quyền điều động (trực tiếp là lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm) sẽ sử dụng biện pháp vũ trang để kịp thời trấn áp, bắt giữ, tiêu diệt các đối tượng khủng bố, giải cứu con tin nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật do các lực lượng khác chủ trì, CSCĐ có trách nhiệm phối hợp xử lý để ngăn chặn, trấn áp hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện theo đề nghị của lực lượng đang chủ trì, theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp vào trụ sở cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Đối với trường hợp vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗở của thành viên các cơ quan này tại Việt Nam phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

CAND
Liên kết website