Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Đuối nước trẻ em - nỗi lo không chỉ riêng ai!

Gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Đây là sự mất mát vô cùng to lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội, ảnh hưởng đến an toàn và sự sống còn của trẻ, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành và các bậc phụ huynh.

Đuối nước - kẻ giết người thầm lặng. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù tình hình đuối nước có xu hướng giảm trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Đây là sự mất mát vô cùng to lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội, ảnh hưởng đến an toàn và sự sống còn của trẻ. Trẻ em là lứa tuổi vô cùng hiếu động, khao khát tìm kiếm những điều mới lạ. Tuy nhiên, điều này cũng ẩn chứa những nguy cơ mất an toàn nếu trẻ không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn và thiếu kĩ năng bảo vệ bản thân, nên rất dễ bị tai nạn đuối nước.
 

 
Hà Tĩnh, có hệ thống sông ngòi dày đặc, bờ biển trải dài trên nhiều huyện, với nhiều bãi biển - bãi tắm đẹp, có nhiều hồ chứa nước, là những nơi lý tưởng cho các hoạt động bơi, lặn… Nhất là vào dịp mùa hè đến, các em học sinh được nghỉ học, cộng với thời tiết nóng nắng nên biển, ao, hồ, sông, suối luôn trở thành địa điểm để các em bơi, lặn, vui chơi. Cũng chính từ đây mà nhiều tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra và tỉ lệ tử vong do đuối nước luôn cao ở những vùng có biển, nhiều sông, hồ, ao, suối. Đuối nước là một tai nạn bất ngờ xảy ra, không có nguyên nhân rõ ràng và khó lường trước được và gây ra những thương tổn thực thể trên cơ thể người và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở lứa tuổi học sinh.
 
Vừa qua, chiều 04/3/2023, tại xã Quang Lộc, huyện Can Lộc đã xảy vụ đuối nước khiến 03 người tử vong thương tâm trong lúc đi câu cá ở giếng trong làng. Ít ngày sau, vào sáng ngày 8/3, tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, cũng đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước khiến 02 cháu bé tử vong. Và chiều tối ngày 25/3/2023, lại tiếp tục xảy ra đuối nước tại bãi biển xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, làm 03 em học sinh lớp 7, trú tại xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh tử vong.
Sự việc thương tâm liên tiếp xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn Hà Tĩnh là hồi chuông cảnh tỉnh cho cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương, cũng như các bậc phụ huynh, cần phải làm gì để bảo vệ quyền và mạng sống cho trẻ em?
Theo Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, đã nêu 09 nhóm nhiệm vụ, bên cạnh nhóm nhiệm vụ giao các ban, ngành, UBND cấp tỉnh, thì một trong các nhiệm vụ hàng đầu đó là nhóm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các hộ gia đình, nhà trường và UBND cấp xã.
Cùng với sự vào cuộc của UBND tỉnh và các ngành, các cấp triển khai thực hiện yêu cầu công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Hàng năm, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trực tiếp cho các cơ quan, đơn vị, trường học, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ em được gần 70 lớp, với hơn 67.000 người tham gia. Năm 2023, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã tham mưu Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 44/KH-CAT-PC07 ngày 14/02/2023 về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; đồng thời đang phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu quy chế phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Công an tỉnh trong thực hiện công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về PCCC, CNCH và phòng, chống đuối nước trẻ em. Mục tiêu trước kỳ nghỉ hè năm 2023, 100% các cơ sở giáo dục sẽ được tổ chức tuyên truyền kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em.
 Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan Công an, đơn vị giáo dục và đào tạo, thiết nghỉ cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là phát huy vai trò của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các tổ chức, các thành viên Ban bảo vệ trẻ em cấp xã để tuyên truyền trực tiếp tới các hộ gia đình, các em về phòng, chống đuối nước trẻ em. Trong thời gian tới, chúng ta cần lưu ý đó là:
- Phải thường xuyên giám sát trẻ em, nhất là trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu…
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (từ 4 tuổi).
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được, những nơi có ao, hồ, giếng… phải có hàng rào, lưới găng phòng trẻ rơi xuống.
- Nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Ngoài các nội dung trên, người lớn cần nghiên cứu hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa đuối nước cho trẻ; học tập cách cấp cứu người đuối nước, để kịp thời cứu người bị đuối nước khi cần thiết.
Hy vọng, những nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng với các nhà trường và các bậc phụ huynh, thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ giảm tối đa tình trạng trẻ em bị đuối nước thương tâm, các em được sống, vui chơi trong môi trường an lành, hạnh phúc./.
 

Đậu Hòa - PCCC