Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Triển khai các văn bản pháp luật mới kể từ ngày 01/1/2022

Công an tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ mới ban hành có liên quan đến an ninh, trật tự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các Nghị định có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự gồm: Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (thay thế Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP); Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng; Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Đây là những Nghị định quan trọng có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an. Để triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị định nêu trên, ngày 03/01/2022, Công an tỉnh có văn bản số 02/CAT-PV01 yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị định mới được Chính phủ ban hành đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ, nhất là cán bộ, chiến sỹ trực tiếp thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để nắm vững và thực hiện đúng quy định. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung các Nghị định để Nhân dân biết, ủng hộ.
2. Giao PX03 phối hợp các đơn vị có liên quan và các cơ quan truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các Nghị định mới được sửa đổi, bổ sung để người dân biết và thực hiện đúng quy định.
3. Để đảm bảo công tác xử lý vi phạm hành chính được thực đúng quy định, Công an tỉnh đề nghị Công an các đơn vị, địa phương phổ biến, quán triệt đến cán bộ, chiến sỹ một số điểm mới cần lưu ý của Nghị định 123/2021/NĐ-CP, Nghị định 118/2021/NĐ-CP và Nghị định số 120/2021/NĐ-CP như sau:
a) Những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 123/2021/NĐ-CP trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ được áp dụng từ ngày 01/01/2022 
1. Người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm có thể bị phạt tới 600.000 đồng
Theo điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe có các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng:
- Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;
- Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
(Theo điểm i, k khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trên đường sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng.)
2. Sử dụng bằng lái xe ô tô quá hạn bị phạt đến 12 triệu đồng
Theo điểm c khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với việc sử dụng Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng dưới 6 tháng chỉ có 400.000 đến 600.000 đồng. Trong trường hợp Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng từ 6 tháng trở lên thì mức phạt sẽ từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng.
Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã rút thời gian giấy phép lái xe ô tô hết hạn làm căn cứ tính mức xử phạt từ 06 tháng xuống còn 03 tháng. Đồng thời, tăng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn dưới 3 tháng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn từ 3 tháng trở lên.
3. Tăng mức phạt với hành vi điều khiển xe không có Giấy phép lái xe
Theo khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định tăng mức phạt đối với người điều khiển các loại xe sau đây không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô (theo Nghị định 100, chỉ phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng);
- Phạt tiền từ 4.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh (thep Nghị định 100, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng);
- Phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô (theo Nghị định 100, phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng).
Đồng thời, Nghị định 123/2021/NĐ-CP vẫn giữ nguyên mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe; và mức phạt 200.000 đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe.
4. Tăng mức phạt hành vi che biển số xe ô tô, xe gắn máy
Tại Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng khi:
Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
(Quy định hiện hành tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi che biển số xe chỉ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng).
Đồng thời, khoản 10 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi:
Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.
5. Phạt nặng xe ô tô nhận, trả khách, hàng hóa trên đường cao tốc
Nghị định 123/2021/NĐ-CP tăng mức phạt gần như gấp đôi đối với hành vi xe ô tô chở hành khách, xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, vận chuyển hàng hóa. Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe có hành vi:
- Đón, trả khách trên đường cao tốc;
- Nhận, trả hàng trên đường cao tốc.
Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện các hành vi trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng
(Nghị định 100/2019/NĐ-CP chỉ xử phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng đối với hành vi nhận, trả khách, hàng hóa trên đường cao tốc.)
6. Tăng mức phạt với mọi trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng 
Theo khoản 14 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi Điều 25 Nghị định 100/2019/NĐ-CP), mức xử phạt người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng quy định như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Chở hàng siêu trường, siêu trọng không có báo hiệu kích thước của hàng theo quy định;
+ Không thực hiện đúng quy định trong Giấy phép lưu hành, trừ các hành vi vi phạm về giấy phép lưu hành dưới đây.
(Nghị định 100 xử phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng).
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chở hàng siêu trường, siêu trọng có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng kích thước bao ngoài của xe (sau khi đã xếp hàng lên xe) vượt quá quy định trong Giấy phép lưu hành.
(Bổ sung mức phạt này so với quy định hiện nay)
- Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành hoặc có Giấy phép lưu hành nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
+ Chở hàng siêu trường, siêu trọng có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng, kích thước bao ngoài của xe (sau khi đã xếp hàng lên xe) vượt quá quy định trong Giấy phép lưu hành;
+ Chở hàng siêu trường, siêu trọng có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng đi không đúng tuyến đường quy định trong Giấy phép lưu hành;
+ Chở hàng siêu trường, siêu trọng có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng chở không đúng loại hàng quy định trong Giấy phép lưu hành.
(Nghị định 100 chỉ phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng).
7. Chỉ còn 3 mức vi phạm đối với xe chở quá tải trọng
Đối với người điều khiển xe chở quá tải trọng, trước đây cơ quan chức năng chia làm 5 mức phạt lần lượt là: Quá tải 10-20%; 20-50%; 50-100%; 100-150% và trên 150% với mức phạt 1.000.000 đến 16.000.000 đồng.
Tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, chỉ quy định còn 3 mức xử lý với mức phạt tương ứng như sau:
- Quá tải 10-20%: Phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng;
- Quá tải 20-50%: Phạt tiền từ 13.000.000 đến 15.000.000 đồng;
- Quá tải trên 50%: Phạt tiền từ 40.000.000 đến 50.000.000 đồng.
8. Tăng mức phạt với hành vi bán, sản xuất biển số xe trái phép
Hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP có mức phạt như sau:
- Cá nhân: từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng (Nghị định 100 chỉ phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng);
- Tổ chức: từ 20.000.000 đến 24.000.000 đồng (Nghị định 100 chỉ phạt từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng).
Ngoài ra, hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng tăng mức phạt như sau:
- Cá nhân: từ 30.000.000 đến 35.000.000 đồng (Nghị định 100 chỉ phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng);
- Tổ chức: từ 60.000.000 đến 70.000.000 đồng (Nghị định 100 chỉ phạt từ 6.000.000 đến 10.000.000 đồng).
9. Phạt nặng hơn hành vi đua xe trái phép
Khoản 19 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định tăng mức phạt đối với hành vi đua xe trái phép, bao gồm:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép (Nghị định 100 phạt tiền từ 7.000.000 đến 8.000.000 đồng);
- Phạt tiền từ 20.000.000 đến 25.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô trái phép (Nghị định 100 phạt tiền từ 8.000.000 đến 10.000.000 đồng).
10. Thay đổi quy định xử phạt xe chở khách quá số người quy định 
Hiện nay, Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng/người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt).
Theo quy định mới, Nghị định 123/2021/NĐ-CP giữ nguyên mức phạt 400.000 đến 600.000 đồng/người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng.
Các điểm mới khác quy định tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương phổ biến, quán triệt cho cán bộ, chiến sỹ để triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
b) Những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 118/2021/NĐ-CP
- Về tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định 118/2021/NĐ-CP đã bổ sung Chi nhánh, Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc theo sự chỉ đạo điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì đối tượng bị xử phạt là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.
Chi nhánh, Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì chi nhánh, văn phòng, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.
- Việc áp dụng văn bản pháp luật để xử phạt
+ Nghị định 118/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định việc lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, đối với những hành vi xảy ra trước ngày 01/01/2022 thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm.
+ Trường hợp vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được nghị định áp dụng theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì việc lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện như sau:
- Nếu hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để xử phạt.
- Nếu hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt.
- Quy định xác định hành vi đang thực hiện, hành vi đã kết thúc
Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính.
+ Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.
Nghị định 118/2021/NĐ-CP cũng bổ sung quy định: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng khi nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả này đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Hướng dẫn áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
Việc xác định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:
+ Khi xác định mức tiền phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được trừ một tình tiết tăng nặng.
+ Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm đó. Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
- Quy định mới về giao quyền cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngoài quy định về giao quyền xử phạt thì đã bổ sung quy định về giao quyền cưỡng chế, cụ thể: Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như cấp trưởng.
Trong thời gian giao quyền thì người giao quyền vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Trước đây Nghị định 81/2013/NĐ-CP và Nghị định 97/2017/NĐ-CP không quy định về nội dung này nên rất lúng túng trong quá trình cấp trưởng đã giao quyền cho cấp phó.
- Quy định cụ thể lập biên bản vi phạm hành chính
* Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính
 Nghị định 118/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính là 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính. Trước đây, không quy định cụ thể thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính nên người có thẩm quyền từ khi phát hiện đến lúc lập biên bản thời gian rất dài dẫn đến hành vi vi phạm hành chính tiếp diễn dẫn đến hậu quả rất lớn, khó khắc phục, cụ thể thời hạn lập biên bản như sau:
- Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;
-Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;
- Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan;
- Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga;
- Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.
* Ký biên bản vi phạm hành chính
 Biên bản vi phạm hành chính được lập ít nhất thành 02 bản, được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện người vi phạm của tổ chức ký, trường hợp người vi phạm không ký thì điểm chỉ, nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại, thì họ phải cùng ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản.
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản vi phạm hành chính hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của  đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Nghị định 118/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể chính quyền địa phương là cấp xã ký vào biên bản vi phạm hành chính và chỉ cần 01 người chứng kiến, đồng thời giải thích rõ người chứng kiến chỉ chứng kiến về việc cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản.
* Giao biên bản vi phạm hành chính
Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản.
- Bổ sung quy định trường hợp không xác định thời hạn hủy bỏ quyết định xử phạt
* Thời hạn sửa đổi quyết định xử phạt là một năm
Nghị định 118/2021/NĐ-CP kế thừa Nghị định 81, Nghị định 97 về thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền ban hành quyết định có sai sót.
* Các trường hợp không áp dụng thời hạn sửa đổi quyết định xử phạt
Nghị định 118 bổ sung quy định không áp dụng thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau:
+ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả.
+ Có quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định.
+ Có kết luận nội dung tố cáo của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định.
+ Có bản án, quyết định của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định bị khởi kiện.
* Thời hiệu thi hành quyết định sửa đổi, bổ sung
Nghị định 118/2021/NĐ-CP cơ bản kế thừa Nghị định 81 và 97, quy định thời hiệu thi hành là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần, quyết định mới. Tuy nhiên, bổ sung thêm trường hợp phải nhiều lần thực hiện việc đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần, ban hành quyết định mới, thì thời hiệu là 02 năm, kể từ ngày ra quyết định được đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần.
- Giải trình vi phạm hành chính
Nghị định 81 và Nghị định 97 không hướng dẫn về giải trình mà chỉ thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 118 quy định khá cụ thể về xử phạt trong trường hợp có giải trình và không có giải trình, đồng thời bổ sung trường hợp khi lập biên vi phạm hành chính chưa xác định được người có thẩm quyền xử phạt, thì cá nhân, tổ chức vi phạm gửi văn bản giải trình đến người có thẩm quyền lập biên bản. Người có thẩm quyền lập biên bản chuyển hồ sơ vụ việc cùng văn bản giải trình cho người có thẩm quyền ngay khi xác định được thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
* Đối với trường hợp người vi phạm không giải trình
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc không gửi văn bản đề nghị gia hạn thời hạn giải trình trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc ghi rõ ý kiến trong biên bản vi phạm hành chính về việc không thực hiện quyền giải trình, thì người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính (Đối với vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này).
* Đối với trường hợp người vi phạm giải trình
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm có yêu cầu giải trình theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Điểm b và c khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:
“b) Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
c) Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính..”
- Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt VPHC
Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính người có thẩm quyền phải có lệnh hoặc quyết định thi hành công vụ của cơ quan có thẩm quyền, mặc trang phục, quân  phục, sắc phục, phù hiệu của ngành hoặc sử dụng thẻ thanh tra, thẻ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Xử lý kịp thời, đúng tính chất, mức độ vi phạm, đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, điều lệnh, điều lệ, quy chế của từng ngành.
- Biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định 118/2021/NĐ-CP có 74 mẫu quyết định và biên bản, so với với Nghị định 97/2017/NĐ-CP thì có một số mẫu biên bản mới như: Biên bản làm việc; biên bản xác định giá trị, tang vật phương tiện vi phạm hành chính; Biên bản xác minh thông tin về tài sản, tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; biên bản đặt, trả tiền bảo lãnh; Biên bản bàn giao vụ việc có dấu hiệu vi phạm để xử lý hình sự…
Về in, quản lý, sử dụng biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính: Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các biểu mẫu kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP để triển khai thực hiện kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành; các biểu mẫu được in thống nhất trên khổ giấy A4. Việc quản lý biểu mẫu thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định 118/2021/NĐ-CP.
c) Những điểm mới của Nghị định 120/2021/NĐ-CP
- Bổ sung thêm đối tượng phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sau:
+ Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (tại Nghị định 111/2013/NĐ-CP và Nghị định 56/2016/NĐ-CP quy định đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định sẽ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường).
+ Ngoài ra, còn bổ sung người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi sau đây nhưng không phải là tội phạm: xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; chiếm giữ trái phép tài sản; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác; đua xe trái phép.
- Về nội dung và hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
+ Bổ sung thêm các nội dung: Tổ chức cho người được giáo dục tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng với hình thức phù hợp; các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
+ Bổ sung thêm các hình thức để thực hiện việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn: cung cấp tài liệu giáo dục tại xã, phường, thị trấn và mời chuyên gia, người có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ tham gia giáo dục cho người được giáo dục; yêu cầu người được giáo dục làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giáo dục, quản lý.
- Về in, quản lý, sử dụng biểu mẫu trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình: Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các biểu mẫu kèm theo Nghị định 120/2021/NĐ-CP để triển khai thực hiện kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành; các biểu mẫu được in thống nhất trên khổ giấy A4. Việc quản lý biểu mẫu thực hiện theo quy định tại Điều 53 nghị định 120/2021/NĐ-CP./.

VĂN TÍNH - PHÒNG THAM MƯU