Phát huy vai trò Cơ quan thường trực triển khai Đề án 06 trên địa bàn, Công an Hà Tĩnh đã chủ động triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đặc biệt, với tinh thần quyết tâm cao và sự vào cuộc nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở, đến nay Hà Tĩnh tiếp tục được Chính phủ đánh giá là 1 trong 15 tỉnh có cách làm hay về triển khai, thực hiện Đề án 06.
Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mở đợt "cao điểm" thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả chế độ An sinh xã hội không dùng tiền mặt; chỉ đạo, hoàn thành rà soát 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, thực hiện chi trả cho gần 96 nghìn người, đạt tỷ lệ 90,7%. Trong đó, đã phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ ngày 6/5/2024 đến nay số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thông qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Tĩnh là gần 70 nghìn người, đạt tỷ lệ 99,4%; Tỷ lệ số người chi trả trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ATM đạt tỷ lệ 100%. Hà Tĩnh vinh dự là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ chi trả lương hưu, chế độ BHXH không dùng tiền mặt.
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển đổi số trên toàn địa bàn, công tác đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" luôn được lực lượng Công an Hà Tĩnh đôn đốc, kiểm tra và thực hiện hàng ngày; đến nay, về cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu trong công tác làm sạch dữ liệu; Hà Tĩnh xếp thứ 3 toàn quốc về công tác duy trì dữ liệu đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống" theo 5 tiêu chí. Đặc biệt, trong triển khai thi hành Luật Căn cước năm 2023, Công an Hà Tĩnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ chiến sỹ từ cấp phòng, huyện, Công an cấp xã có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết làm việc 20/24 giờ kể cả thứ 7, chủ nhật và xuyên các dịp Lễ để thực hiện công tác cấp Căn cước. Với mong muốn xây dựng và thiết lập mạng lưới công dân số, toàn tỉnh đã thành lập 26 tổ cấp Căn cước lưu động đến địa bàn cấp xã, khu đông dân cư, hộ gia đình nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của công dân.
Với tinh thần trách nhiệm “hết dân, không hết giờ” của lực lượng công an từ cấp tỉnh đến cơ sở và sự đồng tình, ủng hộ tích cực của Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an các cấp luôn nỗ lực cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng cao kỹ năng công tác, đề ra các giải pháp công tác phù hợp, khoa học trong quá trình thu nhận hồ sơ cấp căn cước, tài khoản ĐDĐT. Từ thời điểm Luật Căn cước có hiệu lực đến ngày 11/9/2024: lực lượng công an toàn tỉnh đã thu nhận 387.388 hồ sơ cấp Căn cước, trong đó, công dân dưới 6 tuổi: 146.206/146.954 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,5%; công dân từ 6 đến 14 tuổi: 209.829/220.239 hồ sơ, đạt tỷ lệ 95%; công dân trên 14 tuổi: 31.353/1.210.037 hồ sơ, đạt tỷ lệ 2,59%. Vinh dự là địa phương xếp thứ hai toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ cấp Căn cước đợt cao điểm. Đặc biệt, xã Đồng Môn, TP. Hà Tĩnh là một trong 06 xã của toàn quốc cơ bản hoàn thành việc cấp Căn cước cho toàn bộ công dân đủ điều kiện trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cán bộ chiến sỹ các cấp trong lực lượng Công an Hà Tĩnh đang tập trung khiển khai việc số hóa hồ sơ nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ tra cứu thông tin trên môi trường số, chuyển hoạt động lưu trữ theo phương thức truyền thống sang lưu trữ điện tử song hành, giảm thời gian, thủ tục hành chính trong quá trình tra cứu dữ liệu, nâng cao chất lượng công tác quản lý, lưu trữ thông tin. Nhiệm vụ được đánh giá mang ý nghĩa chiến lược, chủ động ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào công tác hồ sơ. Đây chỉ là một trong rất nhiều lĩnh vực công tác của lực lượng Công an đang thực hiện trong tiến trình chuyển đổi số. Với quyết tâm chính trị cao, lực lượng Công an toàn tỉnh đã chuyển đổi hoạt động lên môi trường số ở các lĩnh vực phù hợp, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác công an trong tình hình mới.
Hướng tới số hoá các lĩnh vực trong đời sống xã hội, thời gian qua với vai trò cơ quan thường trực Đề án 06, Công an tỉnh tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả 24 mô hình đã triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh, tạo được nhiều giá trị lợi ích cho xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Điển hình như mô hình Thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở khám chữa bệnh, tại các Khu Công nghiệp với hơn 300 nghìn lượt thông báo; mô hình Khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD với 100% cơ sở triển khai thực hiện với gần 2,5 triệu lượt tra cứu; Mô hình "Khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, Kiosk tự phục vụ tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh với gần 300 lượt xác thực. Đồng thời, tại một số sở ngành đã tiến hành đổi mới phương thức, tạo lập công cụ tuyên truyền thông minh với phần mềm quản trị nội dung CMS - Loa phường trên ứng dụng VNeID. Đến nay, đã có nhiều bài viết được đăng tải trên các mục ‘Tin tức”, “Loa phường”, “Cảnh báo thủ đoạn tội phạm”, “Văn hóa - Du lịch” trên ứng dụng VNeID với hơn 10 nghìn lượt tiếp cận.
Xác định trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng, chủ thể của mọi hoạt động, là nhân tố quyết định việc thực hiện tiến trình này. Do vậy, thời gian qua Công an Hà Tĩnh tập trung mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng công nghệ thông tin, ứng dụng hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu vào thực hiện nhiệm vụ và cử lãnh đạo, cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số do các cấp tổ chức. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận và bảo đảm sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số; nhất là trong việc sử dụng các phương tiện thông minh để tương tác, giải quyết các thủ tục liên quan đến ngành Công an trên môi trường mạng, hình thành công dân điện tử.