Những căn cứ đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh

27/05/2025
Lượt xem: 181
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Dự thảo đã đề xuất bỏ hình phạt tử hình thay thế bằng hình phạt tù chung thân không giảm án đối với 8 tội danh.

Đề xuất này phù hợp với chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo nguyên tắc nhân đạo và tính nghiêm khắc của pháp luật.

Những căn cứ đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh -0
Một đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy bị các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Điện Biên bắt quả tang ngày 19/5 vừa qua.

8 tội danh đề xuất bỏ hình phạt tử hình thay thế bằng hình phạt tù chung thân không giảm án gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).

Về căn cứ chung của đề xuất này, Bộ Công an cho biết, đề xuất này nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về thu hẹp hình phạt tử hình, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự, góp phần khắc phục, hạn chế các bất cập trong quy định áp dụng hình phạt tử hình theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, thực hiện nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự nhưng vẫn đảm bảo tính răn đe và nghiêm khắc cần thiết cùng các yếu tố tích cực khi bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh này.

Về căn cứ bỏ hình phạt tử hình đối với từng tội, theo Bộ Công an, đối với “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, trên thực tế, các hoạt động của đối tượng bị xét xử về tội phạm này chỉ dừng lại ở hành vi giúp sức, hoạt động đắc lực, hoặc xúi giục, kích động người khác, không phải đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội không gây ra hậu quả nghiêm trọng như các tội xâm phạm an ninh quốc gia khác vẫn giữ hình phạt tử hình như tội phản bội tổ quốc, tội bạo loạn, tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Hơn nữa, qua số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2018 đến nay, không có trường hợp nào bị kết án tử hình về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Bên cạnh đó, việc bỏ án tử hình đối với tội danh này và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án cũng thể hiện tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa, thể hiện cam kết của Việt Nam trong nỗ lực giảm thiểu hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự, đồng thời, cũng đảm bảo tính răn đe cần thiết khi cách ly vĩnh viễn người bị kết án ra khỏi đời sống xã hội.

Đối với “Tội gián điệp”, thời gian qua, cơ quan chức năng chưa áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm này. Việc bỏ án tử hình đối với tội danh này và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án cũng thể hiện tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa, thể hiện cam kết của Việt Nam trong nỗ lực giảm hình phạt tử hình trong quy định của Bộ luật Hình sự nhưng vẫn đảm bảo cách ly vĩnh viễn người bị kết án khỏi xã hội nên vẫn thể hiện tính nghiêm khắc, răn đe, phòng ngừa trong áp dụng hình phạt. Bên cạnh đó, việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng về tiếp tục thu hẹp hình phạt tử hình.

Đối với “Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đây là tội danh nhằm trừng trị những người phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội nhằm chống chính quyền nhân dân. Đối với tội danh này, hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tác động trực tiếp đến cơ sở vật chất - kỹ thuật, gây thiệt hại về tài sản xã hội chủ nghĩa, không gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người. Trên thực tế cũng không có trường hợp nào bị kết án tử hình về tội danh này trong khoảng thời gian nghiên cứu. Do đó, có thể xem xét xóa bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này.

Đối với “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, thực tiễn xét xử cho thấy, trong các vụ án về sản xuất, buôn bán hàng giả chủ yếu là giả nhãn mác, thuốc kém chất lượng, không có tác dụng chữa bệnh..., rất khó xác định có gây chết người hay không để áp dụng hình phạt tử hình. Do vậy, trên thực tế chưa có trường hợp nào bị tuyên án tử hình về tội danh này. Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng chưa tạo ra hành lang hữu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng thật cũng là lỗ hổng tạo điều kiện cho tội phạm này được thực hiện trên thực tế. Bởi vậy, thay vì áp dụng hình phạt tử hình để răn đe người phạm tội thì cần có các biện pháp khác để phòng ngừa như tăng cường quản lý nghiêm ngặt. Xét về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, hành vi này không nguy hiểm cho xã hội như hành vi giết người hay khủng bố. Nếu sử dụng độc tố để sản xuất thuốc giả nhằm giết người thì sẽ bị xử lý về tội giết người. Do đó, có thể xem xét xoá bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này.

Đối với “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy”, thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy thì tội phạm về ma túy không ngừng gia tăng cả về tính chất, mức độ phạm tội, gia tăng cả về “cung, cầu”. Riêng đối với tội phạm này, chủ trương chung là đấu tranh không khoan nhượng. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn, đa số người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là người được các đối tượng sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy thuê để vận chuyển và rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số, am hiểu pháp luật chưa cao, hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thu lợi ít. Họ chỉ là khâu trung gian bị những kẻ chủ mưu, cầm đầu lợi dụng. So sánh tương quan với tội mua bán trái phép chất ma túy và tội sản xuất trái phép chất ma túy (các tội vẫn duy trì hình phạt tử hình) thì “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy” có tính chất trung gian, ít nguy hiểm hơn với hành vi mua bán, sản xuất chất ma túy. Bên cạnh đó, đối với hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy để nhằm mục đích mua bán hoặc mục đích sản xuất trái phép chất ma túy thì theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy hoặc sản xuất trái phép chất ma túy và 2 tội danh này theo quy định của Bộ luật Hình sự đều có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Qua đó, việc thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt chung thân không xét giảm án đối với “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy” vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội. Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu Việt Nam phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên nhưng không thi hành án tử hình đối với những vụ án về ma túy, nhưng Việt Nam chưa cam kết nên khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình thì gần như không có phản hồi.

Đối với “Tội tham ô tài sản”, “Tội nhận hối lộ”, việc bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án xuất phát từ thực tiễn cho thấy, tội danh này đã được đa số các nước trên thế giới không quy định hình phạt tử hình hoặc đang có xu hướng bỏ hình phạt tử hình. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu Việt Nam phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên nhưng không thi hành án tử hình đối với những vụ án về tham nhũng, chức vụ, nhưng Việt Nam chưa cam kết nên khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình thì gần như không có phản hồi. Mặt khác, “Tội tham ô” và “Tội nhận hối lộ” là tội phạm về kinh tế, chức vụ với mục đích vụ lợi là chính nên đối với các tội danh này thì ngoài việc trừng trị thì mục đích quan trọng của nhà nước là thu hồi, khắc phục các tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Những tội này không phải là “tội ác nghiêm trọng nhất”, không xâm phạm đến tính mạng con người, không xâm phạm trực tiếp đến chủ thể đặc biệt là an ninh quốc gia. Do vậy, không cần thiết phải tước bỏ mạng sống của họ.

Đối với “Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược”, xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay không gây chiến tranh xâm lược các nước khác. Bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh nay cũng là phù hợp với Quy chế Rome về Toà án hình sự quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Theo đó, mức hình phạt cao nhất đối với 4 tội ác quốc tế chỉ dừng lại ở mức tù chung thân hoặc phạt tù cao nhất là 30 năm tù. Hơn nữa, khả năng xảy ra tội phạm này ở Việt Nam rất thấp, thực tiễn chưa có tội phạm nào được thực hiện, nên cần sửa đổi để phù hợp với Quy chế Rome.

NGUYỄN HƯƠNG/CAND
Liên kết website