Lời kể của người trở về từ bên kia biên giới

06/09/2022
Lượt xem: 7
Thời gian vừa qua, dù hàng loạt đường dây buôn người sử dụng cái bẫy “việc nhẹ, lương cao” tung trên mạng xã hội để dụ dỗ nam nữ thanh niên đưa ra nước ngoài bán cho các doanh nghiệp, casino, động mại dâm bị triệt phá, nhưng thực tế vẫn có rất nhiều người tiếp tục mắc vào cái bẫy chết người này. Hậu quả, nhiều người bị đánh đập, buộc phải gọi về cho cha mẹ bán cả nhà cửa, ruộng đất để chuộc thân, hoặc tìm cách bỏ trốn…

Miếng pho mát gài trong bẫy chuột

Ngược thời gian, vào những ngày cuối năm 2021 và đầu năm 2022, khi hay tin Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá đường dây buôn người do Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1998 tại xã Song Kim Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cầm đầu thì chị P.T.H.D, ngụ huyện Nhơn Trạch lập tức tìm đến cơ quan điều tra cung cấp thêm thông tin.

Lời kể của người trở về từ bên kia biên giới -0
Nhóm hơn 40 người trốn khỏi casino ở Campuchia ngày 18-8-2022

Theo thông tin mà chị D cung cấp, vào đầu tháng 4-2021, khi đang ngồi uống nước, chị gặp một người đàn ông mà chủ quán thường gọi là “Tý Bảy” (sau này mới biết tên thật là Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1995, trú tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Sau một lúc trò chuyện, biết chị đang thất nghiệp, muốn tìm việc làm, Tý Bảy tỏ thái độ thông cảm: “Anh có quen vài đại gia đang mở nhà hàng karaoke ở Campuchia, làm ăn được lắm, nếu em muốn đi làm thì để anh gọi điện cho ông chủ xem có nhận quản lý hoặc lễ tân không, nếu ông ấy cần thì ưu tiên em...”. Hai ngày sau, Tý Bảy quay lại bảo: “Chỗ quen biết anh mới giúp đấy nhé, lương khoảng 80-100 triệu đồng/tháng, anh không lấy tiền “cò” đâu, chỉ cần đãi ly cà phê là được…”.

Chị D chỉ biết gật đầu lia lịa rồi về nhà thu dọn tư trang cá nhân, lập tức lên đường. Trước khi đi, Tý Bảy bảo chị D kết nối Zalo với một cô gái tên Nhi (sau này mới biết tên thật là Phan Thị Kim Huệ, sinh năm 1997 tại tỉnh Phú Yên) để được hướng dẫn cụ thể. Sau đó Nhi bảo D đến một quán cà phê ở thị trấn Long Thành để lên xe ô tô của Bùi Văn Hữu và Trần Danh Trường chạy thẳng đến biên giới huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đến tối hôm ấy, chị cùng hai cô gái khác được Hữu, Trường đưa qua biên giới để một nhóm người Việt khác dùng xe ô tô chở đến một căn nhà nằm ở bìa rừng cao su, cho ăn uống rồi dặn nghỉ ngơi cho khỏe để lấy sức chiều mai đi làm. Tưởng có thể đổi đời, ai ngờ lời hứa mỗi tháng được trả lương gần trăm triệu chỉ là “miếng pho mát trong cái bẫy chuột”.

“Chiều hôm sau, khi được đưa đến chỗ làm việc, 4 chị em chúng tôi mới té ngửa bởi đó không phải là nhà hàng karaoke sang trọng như lời Tý Bảy múa mép, mà là karaoke trá hình, massage đồi trụy. Vừa đến nơi chúng tôi đã bị các chủ tiệm cho đàn em đánh dằn mặt rồi ép phải bán dâm cho khách làng chơi, nếu không đồng ý sẽ tiếp tục bị đánh đập và đưa đến nhốt ở khu hoang vắng” – chị D kể. Sau nhiều lần bỏ trốn bất thành, vào giữa tháng 6-2021, chị D cùng một số cô gái đã trốn thoát ra ngoài và tìm đến Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cầu cứu. Được sự giúp đỡ tận tình của các nhân viên sứ quán, sau đó cả nhóm được đưa về nước an toàn. “Chúng tôi vẫn còn may mắn chứ mấy chị em khác còn bị đám giang hồ đòi tiền chuộc hàng trăm triệu mới chịu thả, mà họ cũng nghèo nên đành cắn răng đi khách…”, chị chua xót nói.

Tan nát giấc mơ đổi đời

Trong chuyên án triệt phá đường dây do Cao Sỹ Huy, sinh năm 1982 tại tỉnh Quảng Ngãi cầm đầu đám đàn em gồm: Nguyễn Văn Khánh, Lê Văn Lộc, Phạm Thanh Qui, Huỳnh Văn Út, Huỳnh Thanh Phong, Chế Minh Nhụt, Vòng Phát Chương, Huỳnh Thiện Lộc lừa đưa hơn 200 người ra nước ngoài bán cho các cơ sở sản xuất, casino được làm chủ bởi những người có quốc tịch Trung Quốc, chúng tôi đã được nghe nạn nhân Nguyễn Văn Hảo, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu than thở. Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, anh đi tìm việc làm kiếm tiền lo cho cha mẹ, nhưng tìm mãi vẫn không được.

Tháng 4-2022, đang trong lúc lướt mạng, anh thấy tài khoản facebook có tên “Ngang Ruby” và “Nguyễn Ngọc Gia Linh” đăng tin cơ hội tìm việc làm “việc nhẹ, lương cao” ở nước ngoài nên nhắn tin liên lạc thử xem sao. Anh vừa nhắn tin, lập tức bên kia giới thiệu một loạt công việc, trong đó có công việc cắt may với mức lương dao động từ 18-20 triệu/tháng và bao ăn ở. Nhận thấy công việc này phù hợp với khả năng của mình, mà lương lại cao gấp 2 lần công nhân trong các khu công nghiệp, anh Hảo nhắn tin đăng ký và được hẹn chuẩn bị đồ đạc cá nhân, hôm sau tập trung tại trước cửa một khách sạn trên đường Cộng Hòa, phường 14, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Sau gần 1 giờ chờ đợi, anh Hảo cùng gần chục thanh niên nam nữ khác được đưa lên xe chạy đến quán nước ngay cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Tối hôm ấy, anh Hảo cùng gần chục thanh niên được Chương, Út, Qui đưa đi theo đường mòn đến cánh đồng biên giới rồi bắt chạy thật nhanh qua biên giới đến chỗ đám đông người chờ sẵn.

Lời kể của người trở về từ bên kia biên giới -0
Lời kể của người trở về từ bên kia biên giới -0
Công an Đồng Nai lấy lời khai nhóm đối tượng lừa bán người ra nước ngoài

Sáng hôm sau, một thanh niên tên Huy (sau này mới biết là Cao Sỹ Huy) nói tiếng Quảng Ngãi đến đưa đi làm, nhưng không phải cắt may mà giao cho mấy người mặt mày dữ tợn ở casino rồi nhận một cọc tiền trước khi biến mất. Tại đây, người quản lý giao cho Hảo cùng những thanh niên đi cùng hàng ngày lên máy tính, mạng xã hội tạo lập những mẫu quảng cáo để lừa đảo, mỗi ngày làm việc liên tục từ 18-20 tiếng đồng hồ. Mọi người không chịu làm thì bị nhốt vào phòng trên lầu cao, cho người canh giữ, đánh đập và không cho ăn uống cho đến khi muốn lả người thì họ ra điều kiện: “Cứ chồng mỗi đứa 4.000USD là được tự do… còn không thì phải làm”. Xin mãi thì họ giảm giá xuống 2.500USD nên một số anh em gọi cho gia đình thế chấp tài sản hoặc vay tiền đứng gửi sang chuộc thân.

Vụ những người trốn khỏi casino Rich World ở tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia rồi nhảy xuống sông Bình Di bơi về An Giang vào sáng ngày 18-8-2022 đã lột tả những thủ đoạn tàn nhẫn của bọn buôn người và một bộ phận giới chủ kinh doanh thiếu đạo đức. Anh Đ.T, một trong những người thoát khỏi dòng nước tử thần kể lại. Giữa năm 2022, biết anh đang rất cần tìm việc làm, một người quen đã ghé tai bảo nghe nhiều người nói ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang có cặp Nguyễn Thị Lệ và Lê Văn Danh chuyên giới thiệu việc làm tốt, lương cao ở Campuchia và đã giúp cho nhiều người. Như người sắp đuối nước vớ được cọc, anh phóng xe đến gặp và được hai người này bố trí đưa sang casino làm việc.

Sau khi kiểm tra, biết anh thông thạo vi tính, tay quản lý là người Việt đã buộc anh phải vào nhóm chuyên tạo quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội để lừa đảo hoặc trực tiếp lôi kéo, dụ dỗ những người có tiền vào casino chơi để cho giới chủ dùng thủ đoạn gian dối lột sạch tiền. Thường mỗi ngày phải lao động gần 20 giờ liên tục, nhưng nhiều tháng trôi qua mà không được trả lương, ba bốn chục anh em phải ăn ngủ, sinh hoạt trong căn phòng chừng gần 60m2. Mọi người phản ứng thì bị đám đầu gấu lôi ra đánh đập rồi nhốt vào trong phòng tối và ra điều kiện muốn về thì phải nộp từ 3.000-30.000USD tùy theo từng trường hợp. Bí quá, họ bàn nhau tìm cách bỏ trốn, nhưng mấy lần đều bị bắt lại. Đến sáng ngày 18-8, 42 người quyết định phá vòng vây nhảy xuống sông Bình Di trốn về An Giang, mặc cho dòng nước chảy xiết khiến nhiều người có lúc sém bị nước cuốn trôi. 40 người có cơ hội trở về với gia đình, người thân để làm lại từ đầu, nhưng có một người đã bị bắt trở lại và không biết sẽ bị hành hạ ra sao. Thương tâm nhất là một thanh niên mới 16 tuổi, quê ở tỉnh Gia Lai đã phải bỏ mạng. “Tưởng được đổi đời, ai ngờ đến nơi mới thấy chúng dùng lời ngon ngọt bẫy mình giống như dân quê nướng ốc gài bẫy chuột vậy…”, anh Đ.T ngao ngán.

Lời kể của người trở về từ bên kia biên giới -0
Cao Sỹ Huy – một trong những đối tượng cầm đầu đường dây lừa bán 200 người sang Campuchia

Là người trực tiếp chỉ huy các chuyên án, Trung tá Võ Nhật Hồng Phúc – Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, Phòng đã triệt phá 3 chuyên án buôn người, bắt giữ hàng chục đối tượng và giải cứu thành công trên 60 nạn nhân. Mặc dù đơn vị luôn tăng cường công tác nắm tình hình, tích cực trao đổi thông tin với các đơn vị bạn nhằm xác định dấu hiệu, phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của tội phạm buôn người để đấu tranh, triệt phá, nhưng các đối tượng tội phạm vẫn lén lút tìm về các địa phương sử dụng chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” để dụ dỗ những nam nữ thanh niên mới lớn đem bán sang nước ngoài.

Để công tác phòng, chống buôn người đạt hiệu quả cao, không chỉ có cơ quan Công an, mà rất cần các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể cùng vào cuộc xây dựng và đa dạng hóa phương thức để tuyên truyền sâu rộng đến từng thôn xóm. Ban cán sự Công đoàn các khu công nghiệp phải xây dựng kịch bản tuyên truyền thường xuyên đến từng công nhân lao động...    

Trong lần trả lời các phóng viên báo chí, ông Trần Ngọc Túy, cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, qua nhiều chuyến đi thực tế tại vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, giáp biên, ông Túy ghi nhận người dân những nơi này thường bươn chải, lao động kiếm sống nhưng thu nhập không cao nên rất dễ bị các đối tượng buôn bán người dụ dỗ, lừa bán với mức lương hứa hẹn. Để phòng chống buôn người, cơ quan chức năng, địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền đến từng thôn xóm, từng nhà, đặc biệt là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

 Một vấn đề nữa là cần ký kết quy chế liên ngành phối hợp giữa Công an, Biên Phòng, Hải quan, Cảnh sát biển và các ban ngành chức năng khác để thúc đẩy xuyên suốt công tác phòng chống tội phạm buôn người từ trong nội địa đến tuyến biên giới trên bộ và trên biển…

Đường dây nóng hỗ trợ công dân bị lừa ở Campuchia

Trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã tích cực tăng cường hơn nữa công tác trao đổi, hợp tác với các cơ quan chức năng sở tại trong việc hỗ trợ, giải cứu các công dân bị lừa đảo, môi giới lao động trái phép tại Campuchia và đề nghị phía Campuchia không xử phạt hành chính những người này.

Đến nay, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và Campuchia đưa về nước an toàn hơn 600 công dân bị lừa, môi giới lao động bất hợp pháp. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng đang khẩn trương tiến hành xác minh nhân thân một số người được phía Campuchia giải cứu, không có giấy tờ và sẽ sớm đưa về nước.

Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam liên hệ với đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia:+ 855-974056789; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville:+855-97933999 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân: +84-981 84 84 84.

CAND
Liên kết website