Sử dụng còi xe có văn hóa khi tham gia giao thông

07/04/2022
Lượt xem: 20
Còi xe là thiết bị bắt buộc phải lắp đặt trên các phương tiện cơ giới, với chức năng hướng sự chú ý của người tham gia giao thông khi cảnh báo về mức độ nguy hiểm hay đơn giản là làm hiệu lệnh. Tuy nhiên, không ít người tham gia giao thông hiện nay sử dụng còi xe tùy tiện mà không nghĩ tới ảnh hưởng, tác động của nó với sức khỏe, tâm lý, thậm chí là cả tính mạng của người đi đường. Sử dụng còi xe đúng lúc, đúng chỗ và có văn hóa không phải là chuyện nhỏ.
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều về tình trạng người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông lạm dụng còi hơi gắn lên xe tải, xe ben, xe đầu kéo khiến người tham gia giao thông dễ bị giật mình, có thể ngã ra đường, dẫn tới những sự cố đáng tiếc… Việc sử dụng còi như trên của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ đã vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, gây mất trật tự an toàn giao thông làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây tai nạn giao thông đường bộ.
 

Công an Thành phố Hà Tĩnh xử lý vi phạm của người tham gia giao thông
Để kịp thời ngăn chặn việc sử dụng còi xe trái quy định trên, găn ngừa các vụ tai nạn nghiêm trọng xẩy ra nhằm đảm bảo TTATGT và kiềm chế, kéo giảm tai nạn năm 2022 trên địa bàn tỉnh; thực hiện Công văn số 46/BATGT-VP ngày 30/3/2022 của Ban An toàn giao thông tỉnh về việc xử lý vi phạm đối với phương tiện cơ giới đường bộ, sử dụng còi xe không đúng quy định và thiết kế, Lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến về ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông, nhất là việc sử dụng còi xe khi tham gia giao thông và hình thức, mức phạt nếu vi phạm; những ảnh hưởng đối với sức khỏe, tâm lý con người khi phải thường xuyên tiếp xúc với còi xe…để mọi người thấy việc lạm dụng bấm còi trên đường là hành vi thiếu văn hóa, gây tác hại và nguy hiểm cho xã hội.
 

Nhiều trường hợp sử dụng còi xe đơn giản chỉ là gây sự chú ý của người khác.
Phòng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện tiến hành làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn để tuyên truyền việc chấp hành các quy định về sử dụng còi xe trong khu vực đông dân cư. Lực lượng Cảnh sát giao thông 2 cấp theo sự phân công, phân cấp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các lái xe, đặc biệt là các lái xe ô tô tải, container, xe khách….có hành vi vi phạm như: lắp đặt, sử dụng còi không đúng thiết kế của nhà sản xuất hay sử dụng thiết bị để kích âm thanh gòi gây mất an toàn giao thông, điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng không có tác dụng. Lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm việc sử dụng còi xe như bấm còi liên tục, bấm còi hơi trong đô thị, khu vực đông dân cư từ 22 giời ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.
 

 
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó Mục 1 Chương II quy định xử phạt vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi “bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm g khoản 1 Điều 5); từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi “bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm b khoản 3 Điều 5). Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi “bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm n khoản 1 Điều 6); từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi “bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm c khoản 3 Điều 6).
 

 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến về ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông, nhất là trong việc sử dụng còi xe cũng cần được thực hiện một cách kiên trì, bền bỉ và đa dạng về nội dung, linh hoạt các hình thức, tập trung vào những quy định của Luật Giao thông đường bộ; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông; việc sử dụng còi xe khi tham gia giao thông và hình thức, mức phạt nếu vi phạm; những ảnh hưởng đối với sức khỏe, tâm lý con người khi phải thường xuyên tiếp xúc với còi xe;… để mọi người thấy việc lạm dụng bấm còi trên đường là hành vi thiếu văn hóa, gây tác hại và nguy hiểm cho xã hội.
Xây dựng ý thức của người tham gia giao thông là cả một quá trình, mỗi hành vi của người tham gia giao thông đều là một cấu thành quan trọng. Cái còi xe dù nhỏ nhưng sử dụng nó như thế nào không phải là chuyện nhỏ. Việc sử dụng còi xe hợp lý cũng là một nét văn hóa, là trách nhiệm của mỗi cá nhân, góp phần tạo nên môi trường sống an toàn và văn minh.
HỒNG NHUNG
Liên kết website