Ngày ấy, các anh đã hóa thân vào đất Mẹ...

25/07/2022
Lượt xem: 6
Đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tháng 7 về, muôn triệu trái tim của cả nước cùng hướng về Ngày Thương binh – Liệt sỹ, tri ân những tấm gương anh hùng, quả cảm dâng hiến tuổi thanh xuân, cho khát vọng hòa bình, thống nhất, độc lập, bình yên. Tổ chức nhiều hoạt động quan tâm, sẻ chia với thương binh, bệnh binh, hòa chung nhịp đập cùng các thân nhân gia đình Liệt sỹ, gia đình chính sách  để nhân lên những nghĩa cử tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”. Và, trong đất Mẹ hiền hòa hôm nay đã đã thấm máu đào của biết bao tấm gương anh hùng liệt sỹ  nói chung và anh hùng liệt sĩ trong lực lượng Công an nhân dân nói riêng. Họ không chỉ là niềm tự hào của lực lượng Công an nhân dân mà đã trở thành một phần của  đất nước. Tên của các anh sẽ sống mãi cùng quê hương, dân tộc…


Ký ức không quên…

Trong sáng sớm tháng 7, có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài, Thành phố Hà Tĩnh, nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ, trong gió thoảng của mùi nắng mới, trong hương thơm của các loài hoa và trong hư ảo khói nhang, chúng tôi càng trân quý hơn ý nghĩa của độc lập, tự do và bình yên cuộc sống. Để có cuộc sống bình yên như ngày hôm nay, biết bao tấm gương anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống. Mỗi một ngôi mộ là cả một câu chuyện dài thật đẹp không thể kể hết bằng lời, diễn tả bằng ngôn ngữ mà ở đó chứa đựng tất cả niềm tự hào, nhớ thương, động lực để thế hệ học tập và tiếp bước về những người con ưu tú như thế của lực lượng Công an Hà Tĩnh. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ hôm nay, xin được kể về những tấm gương liệt sỹ Công an Hà Tĩnh đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài. Là Liệt sỹ Hoàng Đình Thìn, cán bộ Công an Hà Tĩnh, với nhiệt huyết của tuổi trẻ “xẻ dọc Trường Sơn” tình nguyện chi viện, tăng cường cho an ninh Tây Nguyên, đóng quân tại Ty Công an Lâm Đồng. Là Liệt sỹ Trần Đức Kháng, Liệt sỹ Nguyễn Xuân Khang, cán bộ Công an Thị xã Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trong một lần cứu bé lên 3…
 
                                             Liệt sĩ Hoàng Đình Thìn

Sinh ra và lớn lên tại miền gió Lào và cát trắng xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, người cán bộ Công an trẻ tuổi Hoàng Đình Thìn luôn khát khao được cống hiến, đóng góp sức mình vào xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, được phân công công tác ở đơn vị nào, chiến sỹ Hoàng Đình Thìn cũng luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đi dân nhớ, ở dân thương, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân giữ gìn sự bình yên.

Năm 1975, khi chiến trường Tây Nguyên có nhiều diễn biến phức tạp. Với tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng, của Ngành, cùng với nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung và Công an tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, Thiếu úy 29 tuổi Hoàng Đình Thìn đã xung phong, tình nguyện vào an ninh Tây Nguyên, mong muốn đóng góp sức mình vào sự bình yên cho Tây Nguyên hùng vĩ và thơ mộng.

Được phân công tác tại Ty Công an Lâm Đồng, Thiếu úy Hoàng Đình Thìn cùng động đội ngày đêm bám nắm địa bàn, nhất là hoạt động của đối tượng phản động, đối tượng chống đối, phản cách mạng để tham mưu triển khai các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự. Trong hoàn cảnh chiến trường vô cùng ác liệt, nhiệm vụ được giao vô cùng khó khăn, nhưng Thiếu úy Hoàng Đình Thìn và cán bộ công an chi viện đã không quản hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng đồng chí, đồng bào xây dựng lực lượng chính trị, phát động quần chúng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, diệt ác, trừ gian, bảo vệ căn cứ cách mạng; làm trong sạch địa bàn, bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, cơ sở của địch, bảo vệ an toàn các cơ quan của Ðảng, căn cứ cách mạng, bảo vệ các trận địa, mục tiêu quan trọng. Gắn bó với Lâm Đồng, với nắng, với gió cao nguyên, với bà con dân bản là những kỷ niệm, ngày tháng không quên đối với Thiếu úy Hoàng Đình Thìn và những cán bộ Công an được tăng cường, chi viện.

Thế nhưng, chiến trường luôn khốc liệt, ngày 7/8/1976 trong một lần thực thi nhiệm vụ tại Đà Lạt, Thiếu úy Hoàng Đình Thìn đã kiên cường chiến đấu, dũng cảm hy sinh, góp phần quan trọng vào những chiến công, thành tích chung của lực lượng Công an Lâm Đồng. Ký ức về người con miền Trung quả cảm, của Núi Hồng, Sông La đã hòa quện vào mây trắng, đồi xanh và những dòng thác thơ mộng của Đà Lạt. Nơi ấy, ghi vào lòng đất Mẹ người con ưu tú, quả cảm như thế…

Còn đối với cán bộ, chiến sỹ Công an Thành phố Hà Tĩnh hôm nay không bao giờ quên tấm gương hy sinh anh dũng của Thiếu úy Trần Đức Kháng - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế và chuẩn úy Nguyễn Xuân Khang - Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự. Đó là lúc 9h15 ngày 15/3/1983, phiên chợ thị xã Hà Tĩnh đang họp đông người thì ông Nguyễn Tất Phúc, quê Thạch Thắng, Thạch Hà bị một tên lưu manh móc túi lấy mất 400 đồng. Ông kêu lên…, ngay lập tức bị tên một tên cướp rút lựu đạn và dao găm đe doạ. Các đồng chí Công an thị xã Hà Tĩnh đang làm nhiệm vụ nhận được nguồn tin đã có mặt kịp thời cùng nhân dân vây bắt kẻ phạm tội. Tên tội phạm bỏ chạy nhưng không thoát khỏi sự vây đuổi của công an và nhân dân.
 
                                                Liệt sỹ Trần Đức Kháng

Khi tên tội phạm chạy đến xóm Cần Phú, xã Thạch Phú, thấy một cháu gái khoảng 3 tuổi (cháu Nguyễn Thị Mai) đang chơi giữa sân. Y nhào tới ôm thốc cháu Mai để làm con tin và tiếp tục chạy, nhưng y chạy đến đâu lực lượng vây đuổi áp sát đến đó. Không còn nơi lẩn trốn, tên tội phạm ngồi tựa lưng vào một gốc cây cọ để cố thủ. Lúc này, tình thế vô cùng nguy hiểm, quần chúng nhân dân đến ngày càng đông. Tính mạng cháu Mai trong tay tên cướp. Cháu Mai khóc thét đã khản cả tiếng. Cha mẹ cháu Mai và hàng trăm con mắt đều nhìn vào các đồng chí Công an. Các đồng chí: Trần Đức Kháng, Nguyễn Xuân Khang, Trần Hữu Võ, Nguyễn Thanh Nhàn và Sử Văn Nhật (đồng chí Sử Văn Nhật là cán bộ Công an tỉnh Nghĩa Bình đang nghỉ phép tại thị xã Hà Tĩnh quê hương của anh, khi nghe tin có cướp anh đã xung phong đi bắt) đã hội ý đưa ra các phương án xử lý.
 
                                          Liệt sĩ Nguyễn Xuân Khang

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ thuyết phục, tên cướp Hoàng Thế Phương vẫn ngoan cố không chịu khuất phục. Ngược lại, y còn đặt điều kiện phải để cho y chạy thoát, nếu không y sẽ cho lựu đạn nổ, cả y và cháu bé cùng chết, mọi người xung quanh có thể bị sát thương. Phương án thuyết phục không làm lay động lương tri của kẻ sát nhân đã buộc các anh vào tình huống phải thực hiện phương án 2. Sau khi đã hội ý lần cuối để thống nhất nhiệm vụ của từng người, đúng 12 giờ cả tổ hành động. Đồng chí Kháng được phân công giật cháu Mai khỏi tay tên cướp. Đồng chí Sử Văn Nhật lợi dụng tên hung thủ sơ hở đã bất ngờ nắm chặt tay tên cướp đang cầm lựu đạn để không cho lựu đạn nổ. Các đồng chí khác đồng loạt đánh mạnh vào đối tượng. Tên cướp to khoẻ, tuy bị đòn đau nhưng vẫn chống cự điên cuồng. Hắn giật mạnh cánh tay cầm lựu đạn làm lựu đạn rơi xuống đất xì khói. Lúc này vòng vây nhân dân vẫn còn vây kín nên không thể ném lựu đạn ra ngoài vì sợ sát thương nhân dân.
 
Đồng chí Trần Đức Kháng đã giật được cháu Mai, anh chỉ kịp xoay người để che chở cho cháu. Lựu đạn nổ, cháu Mai an toàn nhưng đồng chí Trần Đức Kháng hy sinh tại chỗ. Các đồng chí Nguyễn Xuân Khang, Sử Văn Nhật và Trần Hữu Võ bị thương. Đồng chí Nguyễn Xuân Khang vì vết thương quá nặng đã hy sinh lúc 16h cùng ngày.
           
Dưới những tán lá cây yên tĩnh

          Hôm nay, đất nước đã hòa bình, quê hương, dân tộc đang khoác trên mình diện mạo mới của sức sống mới, của bình yên và phát triển. Dưới những tán lá cây yên tĩnh, các anh hùng, liệt sĩ ngày lại lại ngày được ru mình được trong khúc ca yên bình và lòng tưởng nhớ của những người ở lại, của đồng chí, đồng đội và những thế hệ kế tiếp. Liệt sỹ Hoàng Đình Thìn, Liệt sỹ Trần Đức Kháng, Liệt sỹ Nguyễn Xuân Khang và nhiều anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân đã hóa thân vào đất mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ. Điều đáng tự hào và đầy niềm kiêu hãnh là những người con của các Liệt sỹ đã trưởng thành và đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.
 
                                     Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài

Vượt qua những khó khăn, mất mát từ những ngày ấu thơ, họ đã trưởng thành, viết tiếp những công việc ngày nào bậc sinh thành còn dang dở. Thượng tá Hoàng Văn Long, con trai Liệt sỹ Hoàng Đình Thìn, thiếu vắng hơi ấm của Cha khi chưa đầy hai tuổi đã trưởng thành, nhiều năm là trưởng phòng nghiệp vụ Công an tỉnh. Trung tá Trần Đức Trung, con trai Liệt sĩ Trần Đức Kháng, vắng Cha khi còn rất nhỏ nay đã là cán bộ nhiều kinh nghiệm của lực lượng Công an huyện Cẩm Xuyên. Các con của Liệt sỹ Nguyễn Xuân Khang mất Cha khi mới 3 tuổi, khi mới 6 tháng, lớn lên trong trong vòng tay mẹ, hơi ấm của bà và những người thân yêu nay công tác trong lực lượng Công an nhân dân được đồng đội tin yêu và nhân dân mến phục. Là Trung tá Nguyễn Thanh Nam, cán bộ Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an, là Thiếu tá Nguyễn Phi Hùng, cán bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh.

 
                                           Vợ và các con, cháu Liệt sĩ Nguyễn Xuân Khang

Thế hệ nối tiếp thế hệ, các anh hôm nay viết tiếp những bản hùng ca sáng mãi ý chí quyết tâm và tinh thần vượt khó đi lên, rèn đức, luyện tài phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, làm đẹp hơn truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng.

Dưới những tán lá cây yên tĩnh, dưới chân núi Nài, xin các anh hùng liệt sỹ yên nghỉ, thế hệ trẻ hôm nay mãi mãi nhắc nhớ những công lao, những hy to lớn của các Anh đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân.
 

Trong sắc nắng tháng 7, dưới bầu trời bình yên, màu hoa đỏ tỏa ngát hương tri ân….
NGỌC DIỆP
Liên kết website