Nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung, các mặt công tác công an nói riêng, năm 2024, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Công an tỉnh Hà Tĩnh đã quán triệt, triển khai một cách nghiêm túc, kịp thời chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh. Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 và là thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành kế hoạch, văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 và công tác chuyển đổi số trên địa bàn. Kịp thời tổ chức kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Công an tỉnh, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc đảm bảo phân công rõ người, rõ việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ, phần hành được giao.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Công an tỉnh đã ban hành 07 kế hoạch, 07 điện, công văn để chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Các đồng chí trong Ban chỉ đạo Chuyển đổi số thường xuyên chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi trạng thái làm việc từ truyền thống sang môi trường điện tử. Tham mưu bãi bỏ các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với Luật điện tử; Tổ chức góp ý dự thảo 07 văn bản của Bộ quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, công tác quản lý, vận hành, chia sẽ dữ liệu, kết nối camera; bộ tiêu chí và phương pháp chấm điểm ứng dụng CNTT trong CAND. Nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá ứng dụng CNTT trong Công an tỉnh. Tiếp tục rà soát các mặt công tác công nghệ thông tin theo tiêu chí đánh giá, chấm điểm của Bộ Công an để nâng cao chỉ số ứng dụng CNTT năm 2024 trong Công an tỉnh Hà Tĩnh và phát triển trong những năm tiếp theo.
Thường xuyên kiểm tra, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác, chất lượng đường truyền, thay thế thiết bị định tuyến, cấu hình lại đường truyền mạng tại Trung tâm Công an tỉnh, 13 đơn vị Công an cấp huyện nhằm nâng cao chất lượng kết nối, truy cập các hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD... Mạng bảo mật Công an tỉnh được triển khai liên thông đến Công an cấp huyện, Công an cấp xã, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước và góp phần cải cách hành chính. Công tác số hoá hồ sơ, tài liệu và tạo lập cơ sở dữ liệu được triển khai quyết liệt đảm bảo đáp ứng yêu cầu, tiêu chí đề ra.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Công an tỉnh đã triển khai 10 Cơ sở dữ liệu dùng chung gồm CSDL xử lý vi phạm hành chính trong CAND; CSDL nghiệp vụ; CSDL quản lý xuất nhập cảnh; CSDL quản lý giao thông; CSDL quản lý phạm nhân, trại viên, học sinh trường giáo dưỡng; CSDL thống kê nhân sự CAND; CSDL quản lý đào tạo; CSDL công tác thanh tra; CSDL Quốc gia về dân cư; CSDL Căn cước. Định kỳ, tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện rà soát, thống kê, chỉnh lý hồ sơ, tài liệu và tiến hành nhập liệu qua các phần mềm dùng chung do các Cục nghiệp vụ cung cấp, chia sẻ để làm giàu thông tin, dữ liệu, đảm bảo tiêu chí “đủ, sạch, sống". Nhằm đảm báo tốt công tác Số hoá giải quyết thủ tục hành chính, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị có chức năng giải quyết TTHC thực hiện số hóa thông qua các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, hành chính, Phòng cháy chữa cháy, giao thông…
Trong đó, tập trung chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác số hóa gồm máy vi tính, máy scan, thiết bị ký số cơ quan (các thiết bị phải đảm bảo các điều kiện an toàn thông tin,...
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận nêu lên nhưng tồn tại, khó khăn, đề xuất các giải pháp, kinh nghiệm để triển khai thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong thời gian tới như kinh nghiệm trong thực hiện Đề án 06; Một số giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong Đề án 06; khó khăn, vướng mắc trong công tác số hóa hồ sơ, tài liệu nghiệp vụ; Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin Đề án 06 của Công an tỉnh hiện nay; tồn tại, hạn chế và kiến nghị, đề xuất…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Công an tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số đã đánh giá cao kết quả, ghi nhận nổ lực của các đơn vị trong việc triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trong thời gian qua. Đồng chí Giám đốc khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa trong công tác chuyển đổi số, đồng thời đề nghị Công an các đơn vị cần tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác chuyển đổi số trên từng lĩnh vực đã được chỉ đạo phân công; Đề xuất Đảng uỷ Công an tỉnh ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác chuyển đổi số trong Công an tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2025 - 2030 và ban hành Đề án hoặc Kế hoạch của Công an tỉnh để triển khai thực hiện với mục tiêu tạo điểm đột phá trong công tác chuyển đổi số giai đoạn mới. Tiếp tục thực hiện tốt chức năng Cơ quan thường trực trong tham mưu thực hiện Đề án 06 của tỉnh góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền số.
Triển khai phần mềm ứng dụng AI tích hợp hệ thống camera trong nhận diện hình ảnh kết nối về hệ thống Trung tâm thông tin chỉ huy để phục vụ công tác điều phối đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, tài liệu nghiệp vụ, hồ sơ hình thành phổ biến đảm bảo vượt tiến độ Bộ giao. Tập trung đẩy mạnh “chuyển đổi trạng thái làm việc” từ truyền thống sang môi trường điện tử trong toàn Công an tỉnh; tăng cường nghiên cứu, phát triển và ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin vào các mặt công tác, nhất là công tác quản trị, điều hành. Phát huy vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Công an tỉnh; thực hiện thường xuyên chế độ họp Ban Chỉ đạo gắn với tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương trong thực hiện chuyển đổi số.