Ngăn ngừa người tâm thần phạm tội - Thực trạng và giải pháp

11/11/2021
Lượt xem: 25
Thời gian gần đây, tình trạng tội phạm do đối tượng là người mắc bệnh tâm thần gây ra trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều hành vi man rợ, nguy hiểm. Nạn nhân chủ yếu là người thân ruột thịt, họ hàng hay hàng xóm xung quanh của họ. Hành động bột phát trong vô thức dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng đã gióng lên hồi chuông đáng báo động về tình trạng người tâm thần gây án khi sống trong cộng đồng dân cư hiện nay.
Theo số liệu thống kê, chỉ tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 13 vụ trọng án giết người và hàng trăm vụ án cố ý gây thương tích, huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản…mà đối tượng gây án là người bị rối loạn tâm thần hoặc biểu hiện loạn thần (ảo giác, hoang tưởng).
Những hành động như tấn công người, tự làm hại bản thân hay những vụ án do người tâm thần gây ra đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng và bất ngờ về mức độ nghiêm trọng. Nhưng đau lòng và xót xa hơn cả là những thảm án mà người tâm thần gây ra lại làm hại chính người thân của mình trong những thời điểm bản thân họ bị rối loạn về tâm lý, không đủ khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của bản thân.
Trầm cảm sau sinh - “Mẹ” trở thành “thú dữ” trong gang tấc.
Trầm cảm là chứng hay mắc phải của phụ nữ sau sinh. Theo đó, phụ nữ khi mắc chứng bệnh này thường có các biểu hiện rối loạn tâm thần hoặc rối loạn cảm giác. Nghe tưởng chừng không mấy nguy hiểm, nhưng chính chứng bệnh này đã có không ít bà mẹ vô tình trở thành “thú dữ” khi sát hại chính con đẻ của mình. Với những hoàn cảnh đó thì nỗi đau đối với những người ở lại thì mãi mãi xé lòng, suốt cuộc đời cũng không thể nguôi ngoai. Ngay cả bà mẹ ấy họ là người phạm tội nhưng cũng chính là bệnh nhân tâm thần. Vậy nên khi tỉnh táo lại họ đều hoảng loạn về chính hành vi của mình đã gây ra.

Khu vực giếng làng nơi chị N.T.Q.N giết con đẻ của mình
Đã có rất nhiều vụ án mạng do mẹ trầm cảm sau sinh sát hại con, gây hoang mang dư luận trong thời gian qua trên địa bàn cả nước và ngay chính tại vùng quê nghèo Hà Tĩnh. Mặc dù đã xảy ra cách đây hơn 5 năm, nhưng khi nhắc lại vụ án ở thôn Đan Trung, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh do mẹ trẻ sát hại chính đưa con mình rứt ruột đẻ ra khi còn đỏ hỏn thì ai nấy cũng không khỏi đau lòng. Theo đó, từ sau khi sinh con, chị N.T.Q.N (SN 1975) ít nói, trầm cảm nặng và có biểu hiện rối loạn về tâm thần. Trong một lần kích động chị đã gói con gái của mình là cháu T.L.C - gần 2 tháng tuổi vào một túi ni lông đen và thả xuống giếng làng cách nhà khoảng 150m khiến cháu bé ngạt nước, dẫn đến tử vong.
 

Người mẹ tự tay giết chết đứa con 18 tháng tuổi của mình
Hay là vụ án thương tâm xảy ra hồi tháng 5 năm 2020, người mẹ trẻ N.T.H (SN1990) trú tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh có chồng đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài thường xuyên phải xa nhà, lại kết hợp với những biểu hiện loạn thần (hoang tưởng, ảo giác) sau sinh, chị N.T.H đã tự tay đánh, đập đầu đứa con 18 tháng tuổi của mình vào tường nhiều lần cho đến chết, vẫn không hết gây bàng hoàng cho dư luận mỗi khi nhắc tới.
Có thể thấy rằng, trong những vụ án trên, với người thân của nạn nhân thì đó là nỗi đau khoét sâu mà có lẽ không biết khi nào mới nguôi ngoai. Và với những người mẹ giết con ruột như vậy, sẽ không thể có một bản án nào thích đáng cả, bởi với những người mẹ ấy họ đáng thương nhiều hơn là đáng trách, bản thân bị bệnh, lúc tỉnh lại còn phải chịu sự dằn vặt của lương tâm đối với tội lỗi mình đã gây ra.

Người tâm thần - Gây ra những cái chết đau lòng
Cái chết thương tâm của anh N.V.T SN 1972, trú tại thôn Tân Dân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh là một cái chết bất ngờ và đau lòng. Thời điểm xảy ra cái chết đau lòng trên là lúc anh T đang phải ngồi xe lăn tập đi vì trước đó anh bị tai nạn giao thông.
Kẻ sát hại anh T chính là anh Nguyễn Viết Luyến SN 1973 người cùng thôn với nạn nhân. Nguyễn Viết Luyến từng kết hôn với chị Lê Thị Loan SN 1969, nhưng trong quá trình sinh sống với nhau, Luyến có nhiều biển hiện không bình thường, hay cười nói môt mình, hay đi lang thang vào ban đêm. Trước đó, trong quá trình chung sống Luyến đã từng dùng dao chém vào tay chị Loan, khiến chị Loan bị thương tích phải bỏ về ngoại sinh sống.

Anh N.V.T bị tử vong tại chỗ sau những nhát đâm của đối tượng Nguyễn Viết Luyến
Thế rồi, câu chuyện đau lòng đã xảy ra, vào những ngày giữa tháng 5 năm 2021 với tiết trời oi ả của miền Trung đầy nắng và gió, do ảnh hưởng của chứng bệnh rối loạn tâm lý, Nguyễn Viết Luyến do cho rằng vợ mình ngoại tình với anh N.V.T, người cùng thôn, nên khi thấy anh T đang tập đi trên chiếc xe lăn đầu ngõ, Luyến đã dùng dao chém nhiều nhát vào đầu anh T, khiến anh T tử vong tại chỗ.
Hay mới đây, khi mà cuộc sống vốn đang diễn ra bình yên nơi thôn quê xóm nhỏ, thì một ngày cuối tháng 10 mưa phùn rả rích, nỗi buồn bỗng in hằn lên khuôn mặt tội nghiệp của các thành viên trong gia đình ông Hà Trọng Quý tại thôn Trung Thị (xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) khi tai hoạ ập tới, con trai ông là H.T.Đ (SN 2013) đã bị kẻ ác sát hại dã man ngay chính trong ngôi nhà của mình.

Đối tượng Hà Trọng Quyết tại cơ quan Công an
Vụ án đã làm rung động cả một vùng quê thanh bình Hương Sơn, Hà Tĩnh, khi một cháu bé 8 tuổi bị giết hại với nhiều vết chém trên cơ thể. Và hung thủ không phải đâu xa, chính là Hà Trọng Quyết (SN 1993) một thanh niên cùng làng. Chỉ vì xích mích với bố của nạn nhân về những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, Quyết đã sinh lòng thù hằn, nảy sinh ra ý nghĩ và hành động dùng dao chém chết con trai của người này để trả thù. Và đằng sau vụ án đau lòng này là chuyện nhân tình thế thái và những nỗi đau khôn nguôi của gia đình nạn nhân. Được biết, đối tượng Quyết là người có biểu hiện tâm thần rối loạn, đã từng có thời gian chữa trị về các chứng bệnh tâm thần tại bệnh viện.
 
Người tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự ?
Theo quy định tại Điều 21, Bộ luật Hình sự 2015: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự"; Trong trường hợp cơ quan giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình tại thời điểm gây án thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã thực hiện.
 

 
Tuy nhiên theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thanh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh cho biết, không phải bất cứ vụ án nào do người có bệnh án tâm thần gây ra cũng được miễn trách nhiệm hình sự. Theo Điều 51, Bộ luật hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình". Điều này có nghĩa là nếu như cơ quan giám định xác định đối tượng chỉ mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì đối tượng vẫn bị xử lý hình sự nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên họ sẽ được chữa bệnh hoặc ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát trước khi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trách nhiệm quản lý, phòng ngừa người tâm thần phạm tội thuộc về ai?
Hiện số người bị rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng và nếu không được phát hiện sớm, điều trị, quản lý đúng hướng, kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Theo đó, nhiều người có vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nhưng không phải người bệnh nào cũng được quan tâm chăm sóc và điều trị dứt điểm dẫn đến bệnh trở nên nặng, người bệnh không kiểm soát được hành vi dẫn tới những hệ lụy đau lòng. Hoặc, có nhiều trường hợp, người bệnh đã được chữa trị nhưng do nhiều lý do gia đình bỏ điều trị giữa chừng, đưa về nhà tự chăm sóc, quản lý, điều trị… tiềm ẩn các hệ lụy khó lường.
Kết quả rà soát bước đầu, hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh có khoảng hơn 500 người bị tâm thần; trong đó có khoảng gần 30 trường hợp bị bệnh tâm thần do rối loạn sử dụng ma tuý đá, có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”, đây là mầm móng dễ phát sinh tội phạm, có nguy cơ gây án cao. Tuy nhiên theo nhận định của các lực lượng chức năng phòng ngừa tình trạng người tâm thần gây án là một vấn đề khá khó khăn bởi lẽ họ có thể hành động mất kiểm soát bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất xảy ra các vụ án, vụ việc nhất là các vụ trọng án do đối tượng bị bệnh tâm thần gây ra, thì trách nhiệm đó không thuộc về riêng một cá nhân hay tổ chức nào mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Cụ thể:
– Đối với các gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần: Các gia đình khi thấy người thân có dấu hiệu phát bệnh bệnh tâm thần hoặc đã bị bệnh và tái phát bệnh cần sớm đưa người bệnh đi khám và điều trị, không nên giấu bệnh nhân ở nhà hoặc tìm đến các thầy cúng, thầy bói. Càng sớm điều trị người bệnh càng nhanh chóng ổn định tâm lý, kiểm soát được hành vi, việc làm của mìnhvà tránh được những hậu quả đáng tiếc xẩy ra. Khi người tâm thần gặp khó khăn trong cuộc sống thì nên nhờ cộng đồng xung quanh và chính quyền địa phương giúp đỡ. Khi người bệnh ra viện nên tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn điều trị và đưa bệnh nhân đi tái khám đúng hẹn. Thường xuyên quan tâm, theo dõi hành vi, cử chỉ, biểu hiện của người tâm thần, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường để ngăn chặn hành vi tiêu cực, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
– Đối với chính quyền địa phương: Rà soát, nắm danh sách các trường hợp mắc bệnh tâm thần tại địa phương, đưa hoặc đề xuất, hướng dẫn đưa người bệnh vào điều trị tại các cơ sở chữa bệnh. Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn cho những người thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với người bệnh kỹ năng quản lý, chăm sóc, phòng ngừa những tình huống nguy hiểm. Quan tâm, giúp đỡ các hộ gia đình bệnh nhân khó khăn trong chữa bệnh, hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, cần phối hợp, hướng dẫn gia đình đưa bệnh nhân đến những địa phương lân cận có cơ sở điều trị để họ được điều trị đúng cách.
– Đối với các cơ quan chức năng: Nêu cao tinh thần trách nhiệm cùng với toàn xã hội tham gia công tác quản lý, phòng ngừa đối tượng bị tâm thần, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về các hành vi, các nguy cơ có thể do các đối tượng tâm thần gây ra để mọi người dân cùng biết và chủ động cảnh giác, phòng ngừa. Cùng với đó, các cơ quan chức năng trong xã hội cần có sự phối hợp với gia đình người bệnh siết chặt quản lý, có giải pháp cách ly đối tượng bị tâm thần một cách hợp lý, không để họ tiếp xúc với các vật dụng, các loại công cụ, vũ khí nguy hiểm, hạn chế thấp nhất điều kiện, khả năng gây án để tránh những hậu quả đau lòng vô cớ có thể xảy ra.
Ngoài kia, còn rất nhiều người khác mắc bệnh tâm thần vẫn còn trôi nổi mà chưa có chính sách quản lý thích hợp. Chính vì vậy, người tâm thần vẫn luôn tiềm ẩn những hiểm hoạ gây ra các vụ án đau lòng như trên, nếu xã gia đình, xã hội và các cơ quan chức năng không có biện pháp quan tâm, quản lý thích hợp.
NGA NGUYỄN
Liên kết website