“Pháo” - Hãy nói không

20/12/2021
Lượt xem: 5
Mặc dù là loại hàng hóa bị cấm lưu thông, buôn bán, sử dụng nhưng cứ mỗi dịp tết đến xuân về, nhiều loại pháo hoa, pháo nổ có thể gây nguy hiểm tính mạng và làm mất an ninh trật tự lại được nhiều người tìm đến. Nhằm bảo đảm người dân được vui xuân đón Tết Nhâm Dần 2022 an toàn, lành mạnh, thời gian này lực lượng Công an Hà Tĩnh sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo trên địa bàn.
Cùng với thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu hay chiếc bánh chưng xanh thì từ bao đời tiếng pháo đã trở thành một phần hồi ức văn hóa đặc thù trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tiếng pháo một thời đã gắn với biểu tượng về một không gian Tết rộn ràng, xuân náo nức của những người con đất Việt. Nhưng cũng chính pháo lại trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi về những mối hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Hệ luỵ đau lòng từ sử dụng “Pháo”
Trước đây, đốt pháo nổ vào các dịp Tết Nguyên đán vốn là một trong những hoạt động quen thuộc của nhiều người dân và song song với đó thì tình trạng người bị tai nạn liên quan đến pháo, đặc biệt là pháo nổ tự chế ngày càng tăng. Thực trạng này cho thấy, hiện còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn có thái độ chủ quan, thiếu hiểu biết về các quy định trong quản lý và sử dụng pháo nổ. Nhưng buồn thay, từ sự chủ quan ấy đã dẫn đến không ít trường hợp phải mang thương tật vĩnh viễn.
Thực tế cho thấy, việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng pháo nổ để lại không ít hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Trước thực trạng đó đã có nhiều văn bản pháp luật được ban hành nhằm nghiêm cấm những hành vi liên quan đến pháo. Song trên thực tế, trong thời điểm lùi về những ngày cuối năm có không ít cá nhân vẫn lén lút sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ. Hệ quả là những tai nạn về pháo, đặc biệt là pháo nổ “tự chế” đã xảy ra, không chỉ để lại hậu quả cho chính nạn nhân mà còn biến họ thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Bởi xuất phát từ tính năng của pháo thì ngoài nguy cơ gây ra cháy nổ, hỏa hoạn, pháo nổ còn gây ra những chấn thương cho các bộ phận trên cơ thể, để lại di chứng rất nặng nề cho người bệnh.
Mang thương tật vĩnh viễn vì sử dụng pháo
Nguy hiểm là vậy, song thực trạng đáng báo động này vẫn thường xuyên tái diễn, nhất là mỗi khi dịp Tết cận kề. Bởi, các loại pháo nhất là pháo tự chế với tính năng của nó, thường kích thích sự tò mò đối với nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Qua thực tiễn công tác điều tra, xử lý được biết, nhiều em học sinh trên địa bàn Hà Tĩnh đã bắt chước, học "chế" pháo theo các video, quảng cáo hướng dẫn trên mạng xã hội trong khi chưa hiểu rõ về các chất hóa học trong thuốc, quy trình vận chuyển cũng như sử dụng pháo nổ cho hoạt động thực tế…nên hâu quả đáng tiếc đã xảy ra.
Có thể thấy rằng, tiếng pháo ngày Tết tuy mang lại chút không khí rộn ràng, nhưng hệ lụy là vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe lẫn tình hình an ninh trật tự. Chúng ta đều hiểu rằng, đau đớn có thể sẽ qua đi, nhưng nỗi ám ảnh về tinh thần hay di chứng, thương tật sẽ vĩnh viễn để lại trên cơ thể bệnh nhân do pháo nổ gây ra. Đây chính là hậu quả cho sự chủ quan về tác hại cũng như thiếu hiểu biết về các quy định trong sử dụng pháo nổ.

Trách nhiệm pháp lý liên quan đến “Pháo”
Hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về việc nghiêm cấm: Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo. Sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo.
Mặc dù văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể là vậy, song từ nhiều năm nay, đặc biệt là mỗi khi tết đến xuân về thì tình trạng mua, bán, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước trong đó có Hà Tĩnh. Như vậy, những hành vi mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ (kể cả pháo hoa) là hành vi bị nghiêm cấm. Vì vậy, hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo chơi trong dịp tết nếu bị phát hiện thì sẽ đối mặt với việc bị xử lý hành chính hoặc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào số lượng pháo, hậu quả, mức độ của hành vi của người vi phạm:
Mọi hành vi liên quan đến pháo đều bị pháp luật nghiêm cấm
+ Về xử lý hành chính, tại Điều 10 trong nghị định số Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm có quy định như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm. Như vậy, mức phạt cho hành vi đốt pháo dịp tết bao gồm cả pháo hoa, pháo nổ có thể bị xử phạt đến 2 triệu đồng. Với hành vi mua bán pháo trái phép xử phạt tối đa 10 triệu đồng.
+ Về xử lý hình sự đối với hành vi đốt pháo trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam; các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn; làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên; các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn; làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
+ Ngoài ra, đối với nhưng hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháp trái phép còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất là tù chung thân theo quy định tại Điều 305, về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.
Mặc dù biết rõ pháo là mặt hàng bị Nhà nước cấm nhưng vì hám lợi và hùa theo thú vui nhất thời của một số bộ phận người dân nên các đối tượng vẫn bất chấp pháp luật. Và cái giá phải trả cho sự thiếu hiểu biết này là nhiều người đã không có Tết vì phải nằm lại sau song sắt của trại giam. Hi vọng rằng, sau một năm lao động, học tập, mỗi khi tết đến, xuân về là lúc mọi người xum vầy bên những người thân, bè bạn. Vậy nên, đừng vì quá ham vui hay chỉ vì tìm về dư vị Tết xưa cũ, để rồi không những tiền mất, tật mang mà còn vướng vào vòng lao lý vì tiếng pháo. Pháp luật Việt Nam không cổ xúy cho việc đốt pháo nổ trái phép là “đi tìm phong vị Tết” và càng không thể thông cảm cho hành vi “cố tình hiểu nhầm” pháo hoa thành pháo nổ để thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến pháo.

Đảm bảo đón Tết an toàn
Có thể thấy, việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng các loại pháo đang là thực trạng đáng báo động, gây mất trật tự an toàn xã hội, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe và tính mạng con người. Để đảm bảo người dân trên địa bàn được vui xuân, đón Tết an toàn, lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Tĩnh mà nòng cốt là lực lượng Công an trong những ngày qua đã đồng loạt ra quân tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sản xuất, buôn bán, tàng trữ và sử dụng pháo trên địa bàn.
Công an Hà Tĩnh ra quân cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm về pháo
Mặc dù, phải hơn một tháng nữa mới tới Tết nhưng qua công tác đấu tranh bắt giữ cho thấy, pháo đã “thẩm lậu” trái phép vào địa bàn, liên tiếp các đối tượng thực hiện các hành vi liên quan đến pháo đã bị lực lượng Công an bắt giữ. Điển hình, mới đây, tại phường Kỳ Trinh, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Công an thị xã Kỳ Anh phát hiện, bắt quả tang Trương Công Hoa (2003), Trần Trung Nghĩa (2004), Nguyễn Viết Phương (2004) đều trú tại phường Kỳ Trinh tàng trữ tổng trọng lượng khoảng 16 kg pháo.
Ba đối tượng tàng trữ pháo trái phép bị lực lượng chức năng bắt giữ
Cùng với việc thẩm lậu pháo vào địa bàn thì trong những ngày đầu ra quân lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã phát hiện những trường hợp sử dụng pháo tự chế tiềm ẩn hiểm hoạ khó lường. Điển hình, ngày 16/12/2021 Công an xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh tổ chức tuần tra phát hiện Nguyễn Đức Khánh, sinh năm 2004 điều khiển xe máy nhãn hiệu Honda màu xanh đen chở theo Trần Văn Hải sinh năm 2005 (cả 2 cùng trú tại thôn Hồ Vân Giang, xã Kỳ Đồng) đang mang theo 1 bao tải bên trong có chứa 14 quả pháo nổ tự chế có tổng khối lượng 3,06kg.
Hai đối tượng tự chế pháo để bán trên địa bàn
Trao đổi với chúng tôi Lãnh đạo phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, bước vào thời điểm cuối năm, theo nhận định, việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo nổ trái phép sẽ có xu hướng gia tăng, không chỉ trên địa bàn mà nhiều đối tượng từ các địa phương khác có thể đến thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến pháo với nhiều thủ đoạn tinh vi. Là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian tới, lực lượng Công an các huyện, thành phố, thị xã trong Công an tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân không tham gia, tiếp tay vận chuyển hàng cấm. Đồng thời, tăng cường cán bộ, chiến sĩ tuần tra kiểm soát nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng chốt chặn tại các “điểm nóng”, điểm nghi vấn tập kết, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp tham gia mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trái phép trên địa bàn, tất cả nỗ lực vì một cái Tết an toàn, lành mạnh, không có tiếng pháo.
Cùng với sự quyết liệt của cơ quan Công an, để góp phần đẩy lùi tiếng pháo thì gia đình, trường học và toàn xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung các văn bản quy định về quản lý và sử dụng pháo, nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức của mọi người, nhất là đối với thanh thiếu niên, học sinh - nhóm đối tượng theo thống kê thường liên quan đến các hành vi vi phạm liên quan pháo về mức độ nguy hiểm và những hậu quả có thể phải đối mặt nếu thực hiện các hành vi mà pháp luật nghiêm cấm về pháo và hãy nói “không” với pháo dưới mọi hình thức.
Tết đã cận kề, Xuân về trước ngõ, mọi người dân hãy nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật và cùng giữ cho nhau an toàn thì cái Tết cổ truyền của dân tộc mới thực sự có ý nghĩa.
NGA NGUYỄN
Liên kết website