1. Tình hình an ninh, trật tự
* Cảnh báo thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng (shipper) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dấu hiệu nhận biết như sau:
- Thủ đoạn lừa đảo
+ Thông qua các buổi bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, số đối tượng lừa đảo tổ chức thu thập thông tin khách hàng đặt mua sản phẩm từ các bình luận công khai hoặc mua thông tin khách hàng qua các kênh thông tin khác.
+ Khi có thông tin khách hàng và sản phẩm, đối tượng lừa đảo giả danh shipper gọi điện cho khách hàng vào giờ hành chính hoặc khi khách hàng không có nhà. Do không thuận tiện nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên chúng đề nghị để hàng vào trong sân nhà, gửi cho hàng xóm hoặc người thân và yêu cầu chuyển khoản thanh toán đến số tài khoản đối tượng cung cấp.
+ Khi người dân chuyển khoản thành công, chúng tiếp tục thông báo có sự nhầm lẫn, yêu cầu chuyển khoản lại hoặc đối tượng sẽ gửi đường link yêu cầu bị hại truy cập để xác nhận việc đã giao dịch thành công qua đó chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử hoặc các tài khoản ngân hàng, thuê bao di động, và tiếp tục chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
- Biện pháp phòng tránh:
+ Thận trọng, cảnh giác khi mua hàng trực tuyến. Chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng, không nên chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc những tài khoản không rõ ràng.
+ Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các buổi Livestream mua bán hàng qua mạng.
+ Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ bưu chính, chuyển phát đều có Website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, lịch trình vận chuyển, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi lịch trình của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.
* Cảnh báo thủ đoạn “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”, dấu hiệu nhận biết như sau:
- Thủ đoạn lừa đảo:
+ Các đối tượng lập ra các tài khoản, fanpage, website trên không gian mạng mạo danh các đơn vị của Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư quảng cáo về các dịch vụ như: “Tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”, “thu hồi tiền treo trên các sàn thương mại điện tử”, “thu hồi tiền treo không cần cọc”... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.
+ Để tăng thêm độ tin tưởng, thu hút sự quan tâm của người dân, các đối tượng sử dụng tính năng chạy bài viết trên tài khoản mạng xã hội của người dùng, sử dụng các tài khoản ảo, tài khoản ẩn danh để bình luận, tương tác với các nội dung như “đã lấy lại được tiền lừa đảo nhờ công ty, trang...”.
+ Sau khi nạn nhân tương tác với các trang, hội, nhóm trên, đối tượng sẽ “đóng vai” các luật sư, chuyên gia, cán bộ hỗ trợ người dân thu hồi tiền. Lợi dụng tâm lý nạn nhân khi bị mất tiền, thường lên các trang mạng hỏi thăm, tìm lời khuyên để lấy lại tiền bị lừa trên mạng xã hội, các đối tượng đã tìm cách thao túng tâm lý, an ủi, dẫn dụ nạn nhân chuyển một khoản tiền gọi là “phí dịch vụ” hay “phí ủy quyền xử lý”... để điều tra giúp lấy lại tiền bị lừa đảo, sau đó các đối tượng cắt đứt liên lạc, chiếm đoạt số tiền này.
- Biện pháp phòng tránh:
+ Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... trên không gian mạng.
+ Cần cảnh giác đối với các trang mạng xã hội mạo danh cá nhân, tổ chức hành nghề luật sự, cơ quan chức năng. Mọi giao dịch chuyển tiền cần xác thực đầy đủ thông tin để tránh bị lừa đảo không chuyển tiền, không truy cập vào các đường dẫn lạ.
+ Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan Công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết.
Hiện nay, các đơn vị Công an không phối hợp, ủy quyền cho bất kỳ đơn vị nào để hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo chiểm đoạt tài qua mạng xã hội, cũng như không có đơn vị, cơ quan Công an nào đăng tin, chạy quảng cáo qua các trang mạng xã hội về nội dung công việc của tổ chức, đơn vị mình.
* Cảnh giác trước sự “đổ bộ” của các sàn thương mại điện tử chưa chính thống
Thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688... đã triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng kí với Bộ Công Thương. Điều này đã thu hút sự chú ý lớn từ người tiêu dùng trong nước và trở thành đề tài nóng trên nhiều phương tiện truyền thông. Những nền tảng bán hàng lẻ trực tuyến này đã hấp dẫn người mua bằng chiến lược siêu giảm giá và miễn phí ship hoàn toàn; ngoài ra nhiều tài khoản trên mạng xã hội đã chia sẻ rầm rộ cách kiếm tiền triệu đơn giản. Bên cạnh đó, nhiều lời mời hấp dẫn về việc kiếm tiền nhanh từ sàn thương mại điện tử này cũng được chia sẻ. Theo đó, người dùng chỉ cần truy cập vào đường link trong phần mô tả của tài khoản đăng tải để nhận 50.000đ, nhận 150.000đ cho mỗi lần giới thiệu bạn bè và gói ưu đãi lên tới 1.500.000đ. Tuy nhiên, việc này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro và mối nguy hại cho người dùng. Theo các chuyên gia thương mại điện tử, công nghệ, việc nhiều người chia sẻ đường link giới thiệu tham gia chương trình Affiliate của Temu có thể bị đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo bằng chèn link có gắn mã độc trong phần mô tả, kêu gọi mọi người click vào để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản. Người dùng có thể bị đối tượng xấu chiếm đoạt tài khoản cá nhân, đánh cắp dữ liệu phục vụ cho mục đích lừa đảo.
* Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông: 9 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 39 vụ do học sinh điều khiển phương tiện gây tai nạn (chiếm 11,7% tổng số vụ TNGT trên địa bàn toàn tỉnh), làm chết 11 người, bị thương 26 người. Ngoài nguyên nhân do hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của các em học sinh chưa cao thì còn có một phần nguyên nhân do các bậc phụ huynh chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện điều khiển. Để hạn chế các vụ TNGT liên quan đến học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện xe mô tô, xe máy điện, thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 30/10/2024 của UBND tỉnh về thực hiện quy định của pháp luật về không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Công an tỉnh đề nghị: (1) Các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh, phụ huynh học sinh phát huy vai trò trách nhiệm, phối hợp quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về TTATGT; (2) Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị, xã hội gương mẫu chấp hành quy định “Không giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông”. Công an tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường công tác TTKS, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời xem xét xử lý nghiêm theo quy định về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
* Tai nạn, thương tích liên quan đến pháo: Càng gần thời điểm Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, tình trạng sử dụng, chế tạo pháo nổ, pháo hoa nổ càng diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ (nhập lậu) hoặc đặt mua các loại hóa chất để tự chế tạo pháo đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm, làm chết người, gây thương tật vĩnh viễn. Để phòng ngừa tai nạn, thương tích và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo, Công an tỉnh đề nghị người dân: (1) Tuyên truyền, vận động người thân và gia đình, nhất là các em học sinh không chế tạo, sản xuất pháo dưới mọi hình thức; (2) Tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ (nhất là bom, mìn, lựu đạn, các loại súng, đạn, thuốc nổ, kíp nổ, đao, kiếm, pháo nổ, thuốc pháo…) tại cơ quan Công an, các điểm thu gom thuộc các xã, phường, thị trấn; (3) Nghiêm cấm hành vi tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển các loại pháo nổ, pháo hoa nổ (nhập lậu); (4) Tích cực tố giác, cung cấp thông tin cho cơ quan Công an khi phát hiện các hành vi trái phép liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
* Hiện nay, các địa phương đã xây dựng mô hình “Zalo kết nối bình yên” đề nghị mọi người dân hãy tham gia các nhóm Zalo này để cập nhật và phản ánh thông tin về ANTT đến lực lượng Công an.
2. Hướng dẫn thủ tục hành chính
* Ngày 16/01/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 320/QĐ-BCA về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và lĩnh vực đăng ký, quản lý xuất nhập cảnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/01/2024).
* Các thông tin liên quan thủ tục hành chính, đề nghị doanh nghiệp và người dân truy cập trang thông tin điện tử Công an tỉnh Hà Tĩnh (mục Dịch vụ công tại địa chỉ http://conganhatinh.gov.vn) hoặc quét mã QR:
3. Các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị
* Số điện thoại Trực ban 24/24h: 069.2926.112
* Qua phần mềm VNeID (mục Dịch vụ khác/Kiến nghị, phản ánh về ANTT)
* Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Hà Tĩnh: http://conganhatinh.gov.vn
* Đường dây nóng tiếp nhận tin phản ánh về hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sỹ Công an:
- Bộ Công an, SĐT: 069.2326.555
- Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh - Đ/c Đại tá Nguyễn Xuân Thao, SĐT: 0593.501.868
- Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh phụ trách công tác quản lý hành chính về TTXH, trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Đ/c Đại tá Đặng Hoài Sơn, SĐT: 0328.598.461
- Thanh tra Công an tỉnh Hà Tĩnh, SĐT: 069.2928.111
* Đường dây nóng Trực ban hình sự, SĐT: 069.2928.312
* Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.292.8639; 099.338.0505
* Đường dây nóng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội:
- Đ/c Trần Hữu Cảnh - Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về tình hình ANTT và công tác cán bộ có liên quan, SĐT: 0988.902.088
- Đ/c Đặng Ngọc Duẩn - Phó Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về xử lý vi phạm hành chính; tuần tra, kiểm soát; lực lượng phản ứng nhanh 113; SĐT: 0912.807.589
- Đ/c Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về cư trú, căn cước công dân; SĐT: 0915.125.199
- Đ/c Nguyễn Đình Công - Phó Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về ngành nghề đầu tư KDCĐK về ANTT, quản lý VK, VLN, CCHT và pháo; SĐT: 0982.315.325
- Trực ban đơn vị: 069.2928.415
* Đường dây nóng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ:
- Đ/c Võ Đức Long - Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về tình hình ANTT và công tác cán bộ có liên quan, SĐT: 0986.172.552
- Đ/c Võ Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm; công tác nghiệm thu, huấn luyện về PCCC; SĐT: 0912.516.057
- Đ/c Nguyễn Văn Lộc - Phó Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC; công tác cải cách hành chính; SĐT: 0912.487.465
- Trực ban đơn vị: 069.2928.283
* Đường dây nóng Cảnh sát giao thông:
- Đ/c Phan Hồng Thái - Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về tình hình ANTT và công tác cán bộ có liên quan; SĐT: 0993.381.968
- Đ/c Trần Xuân Sinh - Phó Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về giải quyết TNGT, xử lý vi phạm; SĐT: 0912.128.826
- Đ/c Lê Ngọc Sáng - Phó Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về công tác tuần tra, kiểm soát; SĐT: 0988.753.333
- Đ/c Võ Thị Quỳnh Giang - Phó Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về đăng ký, quản lý phương tiện; cải cách hành chính; SĐT: 0946.159.558
- Đ/c Phan Đình Trường - Đội phó Đội tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm: 0915.512.234
- SĐT tiếp nhận xử lý vi phạm phạt nguội giao thông: 069.2928.340
- Trực ban đơn vị: 069.2928.299
* Đường dây nóng Quản lý xuất nhập cảnh:
- Đ/c Trần Thị Ngọc - Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về tình hình ANTT và công tác cán bộ có liên quan; SĐT: 0866.990.282
- Đ/c Nguyễn Minh Triển - Phó Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về giải quyết thủ tục hành chính, xử lý VPHC, quản lý cư trú đối với người nước ngoài; SĐT: 0915.135.668
- Đ/c Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó Trưởng phòng, tiếp nhận phản ánh về giải quyết thủ tục hành chính, xử lý VPHC công dân Việt Nam; SĐT: 0911.676.186
- Trực ban đơn vị: 069.2928.672
4. Lịch tiếp công dân
Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp công dân vào ngày 20 hàng tháng, nếu trùng ngày nghỉ thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.