Luật Cảnh vệ được sửa đổi đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới

18/05/2024
Lượt xem: 10
Luật Cảnh vệ được Quốc hội khoá XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2018, qua 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ.
Ngày 16-2-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 141/SL thành lập Cục Cảnh vệ từ một số chiến sỹ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ. Sau này, ngày 16-2 được lấy là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân. Trải qua những năm tháng xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh vệ luôn nỗ lực hết sức hoàn thành mục tiêu bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các cơ quan trọng yếu và các hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới của đất nước, và bảo vệ nhân dân.

Để thực hiện công tác Cảnh vệ đi vào nề nếp, chính quy, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều Văn bản quy định về công tác cảnh vệ nhìn chung đạt được những kết quả tích cực. Vì vậy, trong những năm qua, mặc dù tình hình an ninh, chính trị thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, yêu cầu công tác cảnh vệ ngày càng cao, nhưng lực lượng Cảnh vệ đã nỗ lực, tích cực phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương và các cấp, các ngành, với Quân đội nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đối tượng cảnh vệ.
 Ngày 20-6-2017, Luật Cảnh vệ đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ Ba thông qua; ngày 4-7-2017, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam công bố Luật Cảnh vệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Sau hơn 05 năm triển khai, Luật Cảnh vệ năm 2017 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần thiết sửa đổi, bổ sung để nhằm đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ trong tình hình mới góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Cảnh vệ trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh an toàn đối tượng cảnh vệ.
Hiện nay, dự thảo Luật được Bộ Công an chủ trì xây dựng đã bám sát và cụ thể hóa các chính sách được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 09/02/2023, gồm: (1) Chính sách 1: Bổ sung đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; (2) Xác định tiêu chí các hội nghị, lễ hội là đối tượng cảnh vệ; (3) Hoàn thiện chính sách về biện pháp cảnh vệ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; (4) Quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ. Trong đó có đề xuất một số quy định đáng chú ý, cụ thể như:
- Bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng. Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ theo hướng quy định: “Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này tham dự” (có đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và khách quốc tế có chức vụ tương đương) thì được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng.
- Bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, cụ thể bổ sung nội dung “Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều này”.
- Luật hóa một số quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội trong thực hiện công tác cảnh vệ; cụ thể: “(1) Quyết định phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ; (2) Trong trường hợp đã sử dụng tất cả các nguồn nhân lực và phương tiện thiết bị mang theo mà không đáp ứng được công tác cảnh vệ, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 10 khi đi công tác nước ngoài.
- Luật hóa một số nhiệm vụ lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện, cụ thể: xây dựng, diễn tập phương án để thực hiện công tác cảnh vệ, huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân, huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ; đồng thời tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cảnh vệ cho Công an các đơn vị, địa phương; lực lượng tham gia thực hiện công tác cảnh vệ và lực lượng khác phục vụ nhiệm vụ cảnh vệ; quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ phục vụ công tác cảnh vệ. Giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến, ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ.
Như vậy việc sửa đối, bổ sung một số quy định của Luật Cảnh vệ là thực sự cần thiết để khắc phục các quy định không phù hợp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với công tác cảnh vệ hiện nay./.
 
THANH NGÀ
Liên kết website