Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em

04/04/2024
Lượt xem: 8
Theo thống kê, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, xếp thứ 2 trong những nguyên nhân gây ra tai nạn thương tích ở trẻ. Nguyên nhân chủ yếu do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về mối nguy hiểm và kỹ năng phòng tránh đuối nước, sự chủ quan lơ là trong công tác quản lý của bậc phụ huynh.
Tỉnh Hà Tĩnh với đặc trưng bờ biển dài, mạng lưới sông, suối khá dày cùng số lượng lớn hệ thống ao hồ. Dự báo trong thời gian tới, thời tiết mùa hè oi nóng, đây là thời điểm học sinh được nghỉ hè và những hoạt động vui chơi giải trí tại bãi tắm, bãi biển, ao hồ, sông, suối diễn ra thường xuyên. Nguy hiểm hơn các hoạt động vui chơi diễn ra tự phát, đặc biệt là đối với học sinh vùng nông thôn, không có sự quản lý của người lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước ở trẻ. Thực tế trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, gây nên nhiều đau thương, mất mát cho gia đình và xã hội.
          Điển hình là vụ đuối nước xảy ra vào chiều ngày 25/3/2023, một nhóm 10 học sinh lớp 7 trú tại xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh đi tắm biển Thạch Hải, huyện Thạch Hà. Lúc này, gió rất mạnh và sóng lớn khiến 03 em bị cuốn ra xa bờ và đuối nước dẫn đến tử vong. Sau gần 02 ngày tổ chức tìm kiếm, đến chiều ngày 27/3/2023, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 03.
          Hay vụ tai nạn đuối nước xảy ra chiều ngày 10/01/2024, 02 học sinh lớp 3 Trường tiểu học Kỳ Thịnh 2 cùng ngụ tại tổ dân phố Đỗ Gỗ, phường Kỳ Thịnh trong quá trình vui chơi không may ngã xuống khu vực ống xả lũ đập hồ Tàu Voi, phường Kỳ Thịnh. Đến 21h00 cùng ngày, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) tìm thấy nạn nhân thứ 02 và tiến hành bàn giao cho gia đình.
            Để tăng cường hiệu quả công tác phòng tránh, giảm thiểu tối đa tai nạn đuối nước và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là đối tượng trẻ em trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo:   
  1. Khi tắm biển, ao hồ sông suối phải có thiết bị bảo hộ như mặc áo phao; không được tắm ở những khu vực nước xoáy, nước sâu, nơi có biển cấm; không tắm khi người có nhiều mồ hôi, vừa đi ngoài nắng để tránh bị sốc nhiệt. Khởi động kỹ trước khi xuống nước, nếu đang tắm gặp trời mưa dông sấm chớp phải khẩn trương lên bờ.

  2. Nhà trường cần phối hợp gia đình tăng cường quản lý, giám sát các em, nhất là trong dịp nghỉ hè, không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm; định kỳ tổ chức các hoạt động ngoại khóa trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, lấy dị vật đường thở… cũng như cách thoát khỏi đuối nước.
3. Nhà trường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ em, trang bị cho trẻ em những kiến thức cần thiết để tự cứu mình khi bị rơi xuống nước, nhận biết được mối nguy hiểm của đuối nước.

  4. Khi phát hiện người đuối nước, hãy hô hoán và dùng cây sào, phao, dây... để họ bám và kéo vào bờ; tuyệt đối không nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi và không có kỹ năng cứu đuối nước.
   5. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cần vào cuộc, tích cực tuyên truyền, quan tâm, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, hấp dẫn cho trẻ trong dịp hè; tổ chức cắm biển cảnh báo, biển cấm và các giải pháp để bảo đảm an toàn như làm rào chắn, chặn lối vào các khu vực dễ xảy ra đuối nước như: sông, suối, ao, hồ, hố sâu, thác nước, nơi dễ bị trượt, ngã nguy hiểm.
VIỆT HƯNG - PCCC
Liên kết website