Cảnh giác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

28/09/2020
Lượt xem: 3
Trong thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo cũng như đấu tranh bắt giữ nhiều đối tượng, ổ nhóm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy vậy, một số người dân vẫn còn chủ quan, thiếu cảnh giác, nhẹ dạ cả tin để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, nhất là lừa đảo qua mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân.
Trước diễn biến phức tạp của các loại tội phạm lừa đảo, đặc biệt là tội phạm lừa đảo qua mạng Internet, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện, thành phố, thị xã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, tập trung đấu lực lượng phương tiện, sử dụng đồng bộ biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này. Theo số liệu thống kê từ cuối năm 2019 lại nay trên địa bàn đã xẩy ra 17 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lực lượng chức năng đã tập trung điều tra làm rõ 12 vụ, 46 đối tượng.

Các đối tượng chuyên đột nhập tài khoản trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị CATX Kỳ Anh bắt giữ
 
Điển hình: Tháng 3/2020  Qua công tác nghiệp vụ, Công an TP Hà Tĩnh đã nắm được thông tin, thu thập chứng cứ, theo dõi các đối tượng, đường dây có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội. Sau một thời gian điều tra các trinh sát xác định nhóm 4 đối tượng đang thuê căn hộ tại chung cư Vinhomes Hà Tĩnh thường xuyên có biểu hiện nghi vấn. Sau một thời gian thu thập chứng cứ, tài liệu, lực lượng chức năng xác định đối tượng Phạm Ngọc Hoàng (SN 1993, trú huyện Hương Sơn) đã móc nối, thuê Trần Quốc Phong (SN 1994, trú huyện Hương Sơn); Nguyễn Mạnh Quang (SN 2002, trú huyện Cẩm Xuyên); Phan Thế Phúc (SN 2003, trú huyện Lộc Hà) với mức lương 15 triệu đồng/tháng để hoạt động lừa đảo bán số lô, số đề trên Facebook. Để thực hiện việc lừa đảo bán số lô, số đề trên mạng xã hội, Hoàng sử dụng tài khoản ảo lập 4 trang Facebook đặt tên “Đại lý số Minh Ngọc 999”, “Đại lý số Minh Ngọc 9999”, “Đại lý số Minh Ngọc 8899”, “Đăng Tiến” để hoạt động. Các bài viết trên các trang này có nội dung quảng cáo như: “Số chuẩn hôm nay: BTL-BTĐ-Xiên 2 Vip, Inbox ngay nhận số”, “Cấp bạch thủ lô, bạch thủ đề, xiên 2 chuẩn phí sau quay”. Không những vậy, các đối tượng còn lập tài khoản ảo để tự bình luận nhằm đánh lừa các khách hàng về độ tin cậy của trang Facebook và khả năng cung cấp số lô, số đề chuẩn. Khi có khách hàng vào giao dịch mua số lô, số đề, Hoàng yêu cầu phải cọc trước tiền, sau đó chặn liên lạc nhằm chiếm đoạt số tiền cọc. Các gói số lô, số đề có mức giá từ 3 đến 15 triệu đồng, đều do Hoàng tự nghĩ ra, không có căn cứ nào sẽ trúng như cam kết. Bằng thủ đoạn trên, 4 đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 2 bị hại là anh N.D.T (SN 2000, trú tại xã Thuận Thành, Bắc Ninh) và anh N.P.T (SN 1986, trú TP Việt Trì, Phú Thọ) với tổng số tiền 10 triệu đồng. Mở rộng điều tra, Công an TP Hà Tĩnh phát hiện bằng các thủ đoạn trên, các đối tượng trong đường dây đã lừa đảo hàng trăm nạn nhân trên các tỉnh, thành. Qua kiểm tra tài khoản ngân hàng của Phạm Ngọc Hoàng tính từ tháng 3/2020 đến nay, tổng số tiền giao dịch là hơn 2 tỷ đồng.

4 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị CATP Hà Tĩnh bắt giữ
Ngày 2/9/2020, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Kỳ Anh tiếp nhận tin báo của chị Nguyễn Thị P (SN 1987, trú tại xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh) với nội dung: Vào ngày 22/08/2020, quá trình sử dụng mạng xã hội facebook chị nhận được tin nhắn từ tài khoản “NaTo Bắc” (đây là tài khoản facebook của Thái Văn Bắc - em trai chị Phượng, hiện đang đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản) với nội dung “nhà còn tiền không chuyển tiền vào số tài khoản 19036073037013 tên chủ tài khoản Nguyễn Hoàng Nhật Minh số tiền 37 triệu đồng". Sau đó, tài khoản này tiếp tục yêu cầu chị Phượng chuyển thêm số tiền 48 triệu đồng vào số tài khoản 1903605249010 (tên chủ tài khoản Vũ Gia Thịnh) để mua man (tiền Nhật Bản). Các tài khoản trên đều được mở tại Techcombank. Sau khi chuyển tiền, chị Phượng phát hiện tài khoản facebook của em trai bị đối tượng khác chiếm đoạt và sử dụng để lừa đảo nên đã trình báo cơ quan công an. Ngày 4/9/2020, Công an thị xã Kỳ Anh đã xác lập chuyên án để đấu tranh với nhóm đối tượng. Sau khi chuyên án được xác lập, nhiều tổ trinh sát đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để điều tra quy luật hoạt động của đối tượng. Quá trình xác minh, trinh sát phát hiện một ổ nhóm trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị chuyên hack facebook lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi có đủ căn cứ, ngày 6/9/2020, Công an thị xã Kỳ Anh phối hợp với Công an huyện Triệu Phong, Quảng Trị làm rõ và triệu tập các đối tượng liên quan gồm: Hồ Văn Trung (SN 1996), Lê Thiên Thạch (SN 2001), Hoàng Đình Thông (SN 1998), Nguyễn Văn Thanh (SN 2001) và Võ Phước Châu (SN 1999), đều trú tại xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Các đối tượng còn khai nhận thêm, vào ngày 11/8/2020, Hồ Văn Trung đã sử dụng facebook “Xuân Phúc” nhắn tin với facebook của chị Lê Thị Hường (SN 2003, trú tại xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) nhờ chuyển tiền vào tài khoản 19033376444021, chủ tài khoản Huỳnh Quang Minh số tiền 40 triệu đồng. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt được trong 2 vụ án nói trên là 125 triệu đồng. Sau khi chiếm đoạt được tiền, ổ nhóm cử ra một đối tượng chuyên “rửa tiền” để hòng xóa dấu vết bằng cách chuyển số tiền đó qua game đánh bạc trên mạng và thực hiện đổi điểm thưởng trên game để lấy tiền mặt. Các đối tượng hầu hết là những con nghiện lâu năm, số tiền ổ nhóm này lừa đảo phải đến hàng tỷ đồng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Trước đó, phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh đã phát hiện trên địa bàn có hơn 10 ổ nhóm với hơn 30 đối tượng lừa đảo qua điện thoại, hoạt động chuyên nghiệp trong thời gian dài. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phối hợp với Công an huyện Kỳ Anh tập trung đấu tranh làm rõ. Sau thời gian điều tra, ngày 13/12/2019, các cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữ 20 đối tượng, khám xét 20 địa điểm khác nhau, triệu tập 12 đối tượng khác nhau trong đường dây (trong đó có 26 đối tượng lừa đảo, 6 đối tượng tiêu thụ), thu giữ tổng cộng 1 máy tính xách tay, 56 điện thoại, 8 thẻ ATM, gần 100 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều tài sản có giá trị khoảng 350 triệu đồng và nhiều tài liệu giấy tờ khác có liên quan. Các đối tượng thực hiện lừa đảo bằng cách mua các thẻ sim “rác”, rồi gọi điện thoại cho người bị hại tự xưng là nhân viên ngân hàng, nhân viên hoặc người có chức vụ của các nhà mạng, ngân hàng lớn… thông báo số thuê bao của người bị hại trúng thưởng một gói quà (gồm tiền mặt và hiện vật có giá trị lớn). Để nhận được giải thưởng thì các đối tượng yêu cầu bị hại phải làm hồ sơ nhận thưởng bằng các chuyển tiền với hình thức mua nhiều thẻ cào điện thoại có giá trị nhắn tin cho đối tượng. Để tạo sự tin tưởng cho người bị hại, đối tượng sẽ cho người bị hại số điện thoại của đồng bọn nói rằng người này cũng trúng thưởng giống như bị hại, đồng thời yêu cầu bị hại không được nói cho ai biết nếu không sẽ cắt giải thưởng. Đồng thời, các đối tượng tiếp tục yêu cầu bị hại phải chuyển tiền gồm các loại phí vận chuyển, hoa hồng cho người thông báo trúng thưởng, phí tổ chức sự kiện trao thưởng, trích tiền làm từ thiện… Tất cả đều dưới hình thức chuyển thẻ cào điện thoại (một số trường hợp khác thì bị hại chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định). Sau khi người bị hại đã chuyển tiền, một số đối tượng khác (đồng bọn) tiếp tục dùng sim rác gọi điện giả danh là cán bộ Sở giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông,  yêu cầu người bị hại tiếp tục chuyển tiền làm biển số xe (xe trúng thưởng) bằng cách mua thẻ cào điện thoại. Để tăng thêm lòng tin của người bị hại, các đối tượng nói là người bị hại được chọn màu xe, biển số xe. Khi người bị hại chuyển thông tin thẻ cào thì sẽ nhắn tin hoặc đọc cho các đối tượng các thông tin bao gồm mã thẻ cào, số serial. Khi đã chiếm đoạt được tiền của người bị hại, các đối tượng sẽ vứt sim hoặc thêm vào danh sách hạn chế của điện thoại để người bị hại không thể liên lạc.

Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại  bị phong Cảnh sát hình sự bắt giữ
Trước đó, ông Nguyễn Trọng V. (SN 1961, trú tại xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ) và anh Phạm Thế Th. ( SN 1987, trú tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ) đến Công an huyện Đức Thọ trình báo vừa bị tài khoản Facebook “Nguyễn Trọng C..." (là tài khoản giả mạo con ông V. và bạn anh Th. đang ở Nhật Bản) nhắn cho ông V. và anh Th. với nội dung nhận chuyển tiền từ Nhật Bản về Việt Nam cho khách để ăn tiền chênh lệch với lợi nhuận cao. Sau khi cả tin và mắc mưu, ông V. và anh Th. đã chuyển vào tài khoản của các ngân hàng mang tên Nguyễn Văn Nhật H. với số tiền 150 triệu đồng. Ngay sau khi tiếp nhận tin báo và sau một thời gian ngắn, ngày 13/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Thọ đã phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Đoàn Huy (SN 1993) và Nguyễn Đăng Hoàng (SN 1997, cùng trú tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Được biết, 2 đối tượng này cũng đã gây ra hàng chục vụ lừa đảo tại các địa bàn khác trong cả nước với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Qua điều tra các vụ án lừa đảo cho thấy các đối tượng lừa đảo qua mạng đều có trình độ, am hiểu về công nghệ thông tin. Các đối tượng sử dụng phần mềm, thiết bị chuyên dụng để tấn công vào tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc thiết lập những tài khoản Facebook, Zalo có tên giống với tên của chủ tài khoản để tiếp cận danh sách bạn bè từ đó gửi tin nhắn qua mạng xã hội, đề nghị có việc gấp để vay tiền, nhờ chuyển tiền sau đó chiếm đoạt tài sản. Các tài khoản mà các đối tượng lựa chọn, đánh cắp thường là tài khoản có mật khẩu đơn giản, dễ nhớ hoặc các chủ tài khoản trên các trang mạng xã hội đang sinh sống tại nước ngoài, để khi  thực hiện hành vi lừa đảo, các bị hại sẽ khó liên hệ với chủ tài khoản để xác minh, kiểm chứng thông tin. Sau khi đánh cắp được tài khoản trên mạng xã hội các đối tượng lừa đảo tập trung nghiên cứu  thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện, cách nói chuyện với bạn bè, người thân, sau đó mạo danh để nhờ sự giúp đỡ, với nội dung phổ biến như đang gặp khó khăn hoặc nói có việc gấp cần vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại rồi chiếm đoạt tài sản…Không chỉ lừa đảo qua mạng, các đối tượng lừa đảo còn nhắm vào những đối tượng có nhu cầu tìm việc làm, đi xuất khẩu lao động…để tiếp cận, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do vậy khuyến cáo người dân khi sử dụng mạng xã hội cần tiến hành tăng cường độ bảo mật của mật khẩu; sử dụng các mật khẩu 8 ký tự có cả chữ, số, ký tự đặc biệt. Khi có người đề nghị vay tiền, chuyển tiền thì gọi cuộc gọi thoại để kiểm tra, xác minh xem có phải bạn bè mình cần vay hay không. Bên cạnh đó, khi sử dụng mạng xã hội, người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không chia sẻ mật khẩu và  thông tin cá nhân như nghề nghiệp, ngày, tháng, năm sinh, các địa chỉ check in; khi kết bạn trên mạng xã hội nên cảnh giác những tài khoản lạ, tài khoản là người nước ngoài, chủ động kết bạn; không cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền cho người khác khi chưa kiểm tra, xác thực thông tin chính xác của người được nhận, nhất là các trường hợp chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại, mua bán hàng online trên mạng. Bên cạnh đó những người dân có nhu cầu tìm việc làm hoặc đi xuất khẩu lao động cần tìm hiểu rõ nhân thân, lai lịch, mối quan hệ của đối tượng; xác minh rõ thông tin mà đối tượng đưa ra… để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. 
Để ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả tội phạm hoạt động lừa đảo, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng đã có Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quán triệt các văn bản, nghị quyết, kết luận của trung ương và của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong sở hữu tài sản. Trong đó, Công an tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, tiếp tục đổi mới nội dung, biện pháp xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp. Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan gây vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời tham mưu, kiến nghị và đề ra các giải pháp khắc phục. Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ có liên quan, công an các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Công khai số điện thoại đường dây nóng của lực lượng công an để toàn thể Nhân dân được biết và kịp thời tố giác tội phạm. Thực hiện nghiêm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn liên quan về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, nhất là các nguồn tin liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Tăng cường trao đổi thông tin, nâng cao năng lực điều tra, thu hồi tài sản, bắt giữ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trốn ra nước ngoài...Quản lý các nội dung quảng cáo đăng tải trên báo chí, môi trường mạng.
 
THÀNH CHÂU
Liên kết website