Công an Hà Tĩnh: Dấu ấn trên lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm

07/01/2024
Lượt xem: 4
Phát huy tốt vai trò chủ trì, nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm; năm 2023, các lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an Hà Tĩnh đã chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh triệt phá các đường dây ma túy lớn; các vụ án kinh tế; tội phạm hình sự, sử dụng công nghệ cao… được Bộ Công an, ngợi khen, nhân dân thêm tin yêu, ủng hộ.

“Bức tường thép” tổ công tác đặc biệt 238

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh thì việc triển khai mô hình hoạt động Tổ công tác 238 phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác đảm bảo ANTT, đảm bảo trật tự ATGT trong tình hình hiện nay. Hoạt động hiệu quả của tổ công tác đã góp phần kiềm chế, làm giảm tội phạm, tai nạn giao thông, ổn định tình hình ANTT trên địa bàn. Tổ công tác dần trở thành một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo ANTT, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH của Hà Tĩnh.
Không chỉ đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, Tổ công tác còn có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục để người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên nhận thức được hành vi chưa chuẩn mực, thậm chí là vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia giao thông để từ đó giúp họ không tái phạm.
Bên cạnh đó, đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngoài việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình mới, trong đó cần tập trung tuyên truyền cho người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT, phòng ngừa tác hại của rượu bia và các chất kích thích nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa đoàn thể, gia đình, nhà trường, tổ liên gia và cơ quan chức năng trong quản lý, giáo dục các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm.
 Được biết, trước những diễn biến tiềm ẩn phức tạp của tình hình tội phạm nói chung, tội phạm đường phố nói riêng, để chủ động triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT, trật tự công cộng, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật khác trên các tuyến, khu vực trọng điểm, từ tháng 12/2022, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng và triển khai hoạt động Tổ công tác đặc biệt 238 (Tổ công tác 238) trên địa bàn.



Tổ công tác 238 gồm 85 cán bộ, chiến sĩ được thành lập trên cơ sở phối hợp các lực lượng Cảnh sát hình sự, giao thông, ma túy, cơ động và Cảnh sát trật tự - phản ứng nhanh. Trong quá trình hoạt động, Tổ công tác 238 đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và pháp luật; tổ chức thành các tổ công tác hóa trang và công khai, thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn, khu vực trong điểm, tập trung phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội, tàng trữ vũ khí, hung khí, công cụ hỗ trợ, pháo, hàng cấm, ma túy; tội phạm đường phố, vi phạm trật tự ATGT có tính chất gây rối. Qua đó, góp phần răn đe, trấn áp, phòng ngừa các loại tội phạm, vi phạm pháp luật.
Với phương châm không có "vùng cấm", trong quá trình hoạt động Tổ công tác 238 Công an Hà Tĩnh đã kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, tạo tính răn đe; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành các quy định pháp luật.
 Tổ công tác đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ với hàng chúc đối tượng phạm tội, trong đó 8  vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, 6 vụ tàng trữ pháo trái phép và 1 vụ nhập cảnh trái phép. Đồng thời, ngăn chặn kịp thời các vụ mâu thuẫn xô xát tại nơi công cộng; bắt giữ, xử lý hàng nghìn trường hợp thanh, thiếu niên, đối tượng trọng điểm tàng trữ công cụ hỗ trợ, sử dụng xe máy độ chế, không biển kiểm soát, lạng lách, đánh võng với tốc độ cao, "nẹt pô", sử dụng trái phép chất ma túy… là các hành vi gây nhức nhối trong thời gian qua, góp phần răn đe mạnh mẽ các hệ loại đối tượng, kiềm chế tình hình tội phạm trên địa bàn. Quá trình xử lý, lực lượng Công an đã thông báo các trường hợp vi phạm về cơ quan, gia đình, nhà trường và địa phương nơi cư trú của người vi phạm.
Đặc biệt, trên lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT, trong thời gian 6 tháng, Tổ công tác 238 đã phát hiện, lập biên bản trên 5.000 trường hợp vi phạm trật tự ATGT. Các hành vi bị xử lý chủ yếu vi phạm nồng độ cồn, ma túy; thanh thiếu niên điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, chở quá số người quy định.
Trung tá Phạm Duy Thành, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt 238 cho biết thêm, từ thực tiễn đấu tranh với tội phạm đường phố, Tổ công tác đã có ý kiến đến một số ban, ngành, địa phương như Sở Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT cho học sinh, sinh viên gắn với xây dựng nền tảng ý thức xã hội, nhất là ở các vùng nông thôn, hạn chế các tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng xã hội. Đồng thời, kiến nghị Sở Thông tin Truyền thông tăng cường kiểm soát, kiểm duyệt các nội dung xấu độc trên môi trường mạng, hạn chế các thông tin, hình ảnh, clip xấu độc nhằm góp phần loại bỏ các điều kiện của tội phạm, vi phạm pháp luật.

Điều tra làm rõ các vụ án hình sự nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận
Quán triệt Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ công tác năm 2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, phương án để nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về trật tự xã hội (TTXH) nhằm kéo giảm 5% số vụ phạm tội về TTXH so với năm 2022, Nâng cao năng lực nắm tình hình, nhận diện sớm những thủ đoạn, phương thức hoạt động của các loại tội phạm, không để “bị động, bất ngờ”, “không để tội phạm lộng hành” gây bức xúc xã hội; tỷ lệ điều tra, khám phá cao; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm được tập trung điều tra, khám phá bắt giữ nhanh thủ phạm…, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Là thanh bảo kiếm giữ bình yên cuộc sống, lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an Hà Tĩnh đã ngày trưởng thành, lớn mạnh, chiến công nối tiếp những chiến công. Chứng minh bản lĩnh thép, quả đấm thép trên các lĩnh vực đấu tranh với tội phạm hình sự, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm cổ cồn trắng trên lĩnh vực kinh tế, chức vụ, tham nhũng. Chứng minh chân lý sống còn của lực lượng Công an nhân dân: danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch. Năm 2023 Công an Hà Tĩnh đã điều tra khám phá 497 vụ, 967 đối tượng phạm tội hình sự (đạt tỷ lệ 90,2% - vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao).



Mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm và mưu trí, bền bỉ, Công an Hà Tĩnh đã tranh quyết liệt với tội phạm lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng, tín dụng đen. Đấu tranh triệt phá 8 ổ nhóm, đường dây, bắt 79 đối tượng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, lợi dụng công nghệ cao, không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc. Khám phá 42 vụ, 172 đối tượng lợi dụng công nghệ cao, không gian mạng để hoạt động phạm tội. Phát hiện, bắt giữ 215 vụ, 998 đối tượng đánh bạc, tổ chức đánh bạc, được ghi nhận và đánh giá cao.


Điển hình, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố 3 đối tượng về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Được biết, đây là những đối tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Cầm đầu là Lê Danh Tạo, 57 tuổi, trú tại phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh. Khởi tố vụ án, khởi tố 23 bị can về tội làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Triệt phá thành công đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc chuyên nghiệp liên tỉnh, xuyên quốc gia có quy mô hơn 100 tỷ đồng, khởi tố 19 bị can về các tội “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”.

Triệt phá nhiều chuyên án ma tuý đặc biệt lớn, gây tiếng vang

Biên giới Việt – Lào được xem là cung đường lý tưởng để tội phạm buôn bán ma túy lợi dụng hoạt động. Phòng ngừa từ sớm, từ xa, không đánh khúc giữa, Công an Hà Tĩnh đã phối hợp có hiệu quả với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, lực lượng Biên phòng, Hải Quan, Cảnh sát biển, Công an các tỉnh nước Cộng hòa DCND Lào trong trao đổi thông tin, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trong nội địa và trên tuyến biên giới . Năm 2023, Công an Hà Tĩnh đã đấu tranh 292 vụ, 341 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, 116 vụ, 208 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Xác lập chuyên án chung với Công an tỉnh Boolykhamxay, nước CHDCND Lào đấu tranh, triệt xóa đường dây mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ Lào về Việt Nam, bắt giữ 6 đối tượng là đầu mối cung cấp ma túy từ Lào về Việt Nam, thu giữ 9 bánh heroin, 56kg ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng và một số tang vật liên quan.



Điển hình: Ngày 16/02/2023, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn địa qua địa phận thôn 1, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh; Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an huyện Vũ Quang đồng chủ trì, phối hợp phòng Cảnh sát cơ động, lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Tiệp, sinh năm 1996, trú tại: xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn đang có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy; thu giữ tại hiện trường: 12kg ketamine và 5.600 viên hồng phiến.
Ngày 20/02/2023, tại khu vực Khe Thẳng thuộc địa phận thôn Hợp Lợi, xã Hương Minh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng chức năng bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, gồm: Nguyễn Xuân Trình, sinh năm: 1976 và Phạm Văn Long, sinh năm: 1972, đều trú tại xã Hương Minh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh; tang vật thu giữ: 31kg ma túy tổng hợp.



Tại thôn Thạch Thành, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ; Phòng Cảnh sát ma túy phối hợp Công an huyện Đức Thọ phát hiện, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thành Luân, sinh năm 1986, trú tại: khối 4, phường Quán Bàu, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy; thu giữ: 32.800 viên ma túy tổng hợp. Cùng với đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp Thị ủy Hồng Lĩnh ra mắt mô hình “địa bàn không có tội phạm về ma túy” tại Thị xã Hồng Lĩnh, khơi dậy sức mạnh toàn dân trong đấu tranh với tội phạm ma túy.

Ghi dấu đậm nét trong khám phá các vụ án về kinh tế
Năm 2023, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài lực lượng, cán bộ, chiến sĩ phòng Cảnh sát kinh tế đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, lực lượng Cảnh sát kinh tế tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét trong nhiều mặt công tác, đã lựa chọn trúng khâu đột phá để phát hiện, đấu tranh với tội phạm, theo phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, tăng cường, củng cố công tác xây dựng Đảng.
Với phương châm “không có vùng cấm” trong đấu tranh với tội phạm, năm 2023, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố 12 vụ, 57 bị can phạm tội tham nhũng, chức vụ, trong đó tập trung đấu tranh với các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm nhanh các thủ tục hành chính về đất đai, hối lộ liên quan đến đăng kiểm cơ giới, tham ô tài sản, lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi… được dư luận đồng tình ủng hộ. Tiếp thêm sức mạnh, bản lĩnh, ý chí, để cán bộ, chiến sỹ dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, tất cả vì bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.


Điển hình, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh  bắt giữ, khởi tố 7 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Mai (SN 1985), Trưởng Văn phòng giao dịch Quỹ phát triển phụ nữ huyện Hương Khê và 6 nữ cán bộ tín dụng của văn phòng này là Lê Thị Tuyết (SN 1981), Trần Thị Nguyệt (SN 1975), Đinh Thị Phượng (SN 1984), Nguyễn Thị Kiều Oanh (SN 1986), Lê Thị Hồng Nhung (SN 1987) và Đặng Thị Anh (SN 1971) về tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Văn phòng giao dịch Quỹ phát triển phụ nữ huyện Hương khê.
Công an huyện Kỳ Anh mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Kỳ Anh, khởi tố thêm 4 bị can. Phòng Cảnh sát Kinh tế khởi tố bị can, bắt tạm giam và ra lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Phan Đình Cương (58 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng (nay là thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). để điều tra về hành vi "lạm quyền trong khi thi hành công vụ".


Trước đó, Đoàn kiểm tra số 199 (UBKT Tỉnh ủy) phát hiện một số sai phạm trong công tác quản lý đất đai, tài chính, ngân sách tại xã Thạch Bằng. Cụ thể: Mặc dù quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại xã Thạch Bằng hàng năm thực hiện không hết, tồn đọng nhiều, nhưng vẫn tiếp tục xây dựng quy hoạch mới; các điểm quy hoạch này chưa đưa ra đấu giá đất mà thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất. Giao đất ở không có trong kế hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều hộ gia đình, cá nhân không có hộ khẩu tại xã Thạch Bằng....
Tháng 1/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã họp để xem xét, thi hành kỷ luật ông Phan Đình Cương với hình thức khai trừ khỏi Đảng. Ông Cương với vai trò là huyện ủy viên, bí thư Đảng ủy xã Thạch Bằng, nguyên chủ tịch UBND xã Thạch Bằng nhiệm kỳ 2011-2016, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy xã Thạch Bằng các nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020; thiếu trách nhiệm, làm trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản. Vi phạm của ông Phan Đình Cương gây hậu quả rất nghiêm trọng, để lại hệ lụy khó khắc phục, gây dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và giảm sút uy tín cá nhân ông.


Mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Hiếu (SN 1979, thị trấn Lộc Hà) và Bùi Ngọc Ánh (SN 1989, xã Ích Hậu) - cả 2 nguyên là kế toán trưởng xã Thạch Bằng - nay là thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý triệt để các đối tượng có liên quan trong các vụ án. Đặc biệt, Phòng Cảnh sát kinh tế tiếp tục phát huy rõ nét vai trò "đầu tàu" trong chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đảm bảo cụ thể, rõ ràng, thiết thực, là đầu mối gắn kết giữa các đơn vị trong hệ lực lượng; tổ chức nhiều buổi Hội ý nghiệp vụ để lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn tỉnh thống nhất quan điểm, biện pháp đấu tranh xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế tại địa phương.

 
DIỆP DIỆP
Liên kết website