Gần dân, chăm lo cuộc sống của nhân dân (Bài 2)

06/07/2023
Lượt xem: 3
Lần đầu tiên trong lịch sử, từ năm 2020 đến nay, những dự án công nghệ thông tin tầm cỡ quốc gia với khối lượng công việc khổng lồ được Bộ Công an triển khai đã về đích đúng và trước hạn. Tại Hà Tĩnh, cùng với các lực lượng khác, công an xã đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng để làm nên thành công trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao

 

Hà Tĩnh là tỉnh thứ hai toàn quốc hoàn thành cấp căn cước công dân cho người đủ điều kiện.
Hà Tĩnh là tỉnh thứ hai toàn quốc hoàn thành cấp căn cước công dân cho người đủ điều kiện.

Bài 2: Dấu ấn công an xã trong cuộc cách mạng chuyển đổi số

Từ dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” đến “Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân” và nay là “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử”, công an Hà Tĩnh đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, chạy đua với thời gian để hoàn thành công việc.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn chip là bài toán khó với nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng, công nghệ kỹ thuật, an toàn bảo mật thông tin, trong khi đó, khối lượng công việc “khổng lồ” cùng với sức ép về tiến độ phải hoàn thành mục tiêu đặt ra trước ngày 1/7/2021 khi Luật Cư trú có hiệu lực.

Đây là hai dự án công nghệ thông tin loại A, tầm cỡ quốc gia, chưa từng có tiền lệ với nhiều hạng mục công việc lớn, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, nguồn lực của các đơn vị, địa phương. Vì vậy, triển khai hai dự án lớn, ngành Công an Hà Tĩnh xác định bước vào chiến dịch lịch sử với nhiều giọt mồ hôi và những đêm dài không ngủ.

Ngày 10/5/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp Căn cước gắn chip điện tử cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn tỉnh với 13/13 Công an cấp huyện, 216/216 Công an cấp xã hoàn thành chỉ tiêu, vượt tiến độ 10 ngày so với cam kết của Giám đốc trước lãnh đạo Bộ Công an và vượt tiến độ 80 ngày so với mốc thời gian Bộ giao.

Nhớ lại những ngày tháng căng mình với chiến dịch lịch sử, Đại úy Phạm Khắc Núi, Trưởng Công an xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) chia sẻ: Là địa bàn miền núi, biên giới, người dân ban đầu chưa nhận thức được hết lợi ích của việc làm thẻ căn cước công dân và định danh điện tử. Ngoài việc tuyên truyền, công an xã đã cùng với các ngành, đoàn thể địa phương băng rừng, lội suối, vào tận các thôn, bản, ra tận chân ruộng nơi người dân đang sản xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp công dân sớm được cấp căn cước công dân cũng như tài khoản định danh điện tử.

Với điều kiện lực lượng mỏng, quân số thường xuyên biến động, nhưng cán bộ chiến sĩ Công an xã Sơn Kim 2 vẫn nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa bảo đảm hoàn thành công việc chuyên môn, vừa tham gia chiến dịch với cường độ cao nhất để bảo đảm tiến độ.

Quãng thời gian triển khai chiến dịch lịch sử cũng là lúc diễn ra dịch bệnh COVID-19, các địa phương đặt trong trạng thái “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách” đã gia tăng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu thập dữ liệu. Lực lượng công an xã lại một lần nữa khẳng định vai trò nòng cốt của mình ở trận chiến mới, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân trong tình hình mới.

Trở thành 1 trong 6 xã, phường đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành cấp Căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân, là “quả ngọt” cho hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể Công an xã Thạch Kênh (huyện Thạch Hà). Để có được kết quả đó, bên cạnh những đêm dài không ngủ, cán bộ chiến sĩ Công an xã Thạch Kênh đã vận dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.

Đại úy Nguyễn Chân Tiệp, Trưởng Công an xã Thạch Kênh chia sẻ: Công tác tuyên truyền được Công an xã Thạch Kênh chú trọng, đặc biệt trên hệ thống loa truyền thanh xã, thôn và trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook. Mỗi đồng chí Công an xã phụ trách các thôn, xóm cũng thành lập một nhóm trò chuyện riêng với người dân, sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của nhân dân về cấp Căn cước công dân.

Cùng với việc làm cho người dân hiểu và tin, Công an xã Thạch Kênh đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, điều tra cơ bản về từng người, từng hộ, từng tổ liên gia để lập danh sách rà soát, chia thành các nhóm đối tượng cụ thể để triển khai thực hiện.

Đối với các công dân sức khỏe bình thường nhưng chưa làm Căn cước công dân, thông qua việc điều tra cơ bản, cán bộ, chiến sĩ Công an xã Thạch Kênh sẽ liên lạc qua số điện thoại hoặc hệ thống loa phát thanh để vận động, hướng dẫn người dân tới các địa điểm theo quy định để làm Căn cước công dân. Riêng các trường hợp có vấn đề về nhận thức, bệnh tật, người đã có tuổi, già yếu không thể đi lại thì lực lượng công an sẽ tới tận nhà hỗ trợ công dân làm Căn cước công dân có gắn chip.

Những bát cháo nóng hổi, nồi mì tôm được người dân nấu và mang đến tận tay anh em trong những đêm thức trắng thực hiện nhiệm vụ đã trở thành động lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Đại úy Nguyễn Chân Tiệp, Trưởng Công an xã Thạch Kênh (Thạch Hà)

Đại úy Nguyễn Chân Tiệp nhớ lại: Những ngày căng mình thực hiện các dự án lớn của toàn ngành về chuyển đổi số, anh em công an xã đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Công an huyện Thạch Hà, sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã Thạch Kênh và sự đùm bọc, yêu thương của người dân.

Thượng tá Trần Hữu Cảnh, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Lực lượng Công an chính quy về xã, trực tiếp thực hiện thu thập dữ liệu công dân đã góp phần tạo ra kỳ tích trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đóng góp tích cực nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy xã hội số, phát triển kinh tế số.

Dấu ấn trên hành trình xây dựng “trái tim” của Chính phủ số

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, giúp sức của đông đảo quần chúng nhân dân, lực lượng Công an Hà Tĩnh đã chiến thắng trong chiến dịch đầy gian nan, thử thách này. Bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp Căn cước công dân, Hà Tĩnh đã gặt hái được kết quả ấn tượng.

Dấu ấn công an xã trong cuộc cách mạng chuyển đổi số ảnh 1

Công an Hà Tĩnh làm việc xuyên đêm giúp người dân có "tấm vé" bước vào kỷ nguyên số.

Đến ngày 10/5/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân gắn chip cho 1.130.342/1.130.342 (100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh) với 13/13 đơn vị công an cấp huyện, 216/216 đơn vị công an cấp xã hoàn thành, vượt tiến độ 10 ngày so với cam kết của Giám đốc trước lãnh đạo Bộ Công an và vượt tiến độ 80 ngày so với mốc thời gian Bộ giao. Hà Tĩnh trở thành địa phương thứ 2 trong cả nước (sau tỉnh Hà Nam) hoàn thành chỉ tiêu.

“Quả ngọt” này đã trở thành tiền đề để Công an Hà Tĩnh thực hiện dự án tiếp theo.

Đến ngày 27/6/2023 Công an Hà Tĩnh đã hoàn thành chỉ tiêu thu nhận và chỉ tiêu kích hoạt theo điện số 16/HT ngày 21/3/2023 của Bộ Công an về đẩy mạnh việc cấp mã định danh cá nhân, thẻ Căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử cho công dân trên toàn quốc với tổng thu nhận: 938.863/859.268; tổng kích hoạt 870.888/859.268. Trong đó, đã thu nhận được 938.863 hồ sơ mức 2, đạt 109,3%; kích hoạt được 870.888 tài khoản định danh điện tử mức 2, đạt 101,4%.

Một số đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử trước thời gian cam kết như: Hương Khê, Can Lộc, Nghi Xuân, các đơn vị còn lại đã hoàn thành theo đúng chỉ tiêu được giao.

Hà Tĩnh trở thành 1 trong 5 địa phương đầu tiên cả nước hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an giao.

Lực lượng Công an xã đã thể hiện tốt vai trò là một trong những chủ thể chính, đặc biệt quan trọng, nhất là trong công tác tổ chức điều tra cơ bản, công tác vận động, tuyên truyền và trực tiếp phối hợp thực hiện

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Võ Trọng Hải

Đánh giá về những nỗ lực của địa phương trong quá trình thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Võ Trọng Hải khẳng định: Bên cạnh quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và lãnh đạo Công an tỉnh, lực lượng Công an xã đã thể hiện tốt vai trò là một trong những chủ thể chính, đặc biệt quan trọng, nhất là trong công tác tổ chức điều tra cơ bản, công tác vận động, tuyên truyền và trực tiếp phối hợp các Tổ thu nhận lưu động ở cơ sở, từ đó dành sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực, phương tiện, cơ sở hạ tầng tối đa để lực lượng Công an xã hoàn thành tốt xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch đề ra

Có căn cước công dân gắn chip, người dân như được sở hữu chiếc “chìa khóa vạn năng” mở ra nhiều lợi ích trong “ngôi nhà chung” chuyển đổi số. Người dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ nhận được nhiều tiện ích mà nó mang lại. Đặc biệt, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương thẻ căn cước công dân gắn chip, có giá trị như sổ hộ khẩu điện tử; có giá trị thay thế các loại giấy tờ đã đăng ký, tích hợp trên tài khoản định danh điện tử như: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm y tế...; phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; phản ánh kiến nghị về tình hình an ninh trật tự, tố giác, tin báo về tội phạm...

Dấu ấn công an xã trong cuộc cách mạng chuyển đổi số ảnh 2

Công an Hà Tĩnh tâm huyết và trách nhiệm trong quá trình xây dựng Chính phủ số.

Thường xuyên phải đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để thăm khám, điều trị, những tháng gần đây, bà Nguyễn Thị Hiên (56 tuổi, ở thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã không phải dùng đến thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh mà được tra cứu thông tin bằng căn cước công dân có gắn chip.

Bà Hiên cho biết: "Việc thay thế thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh bằng căn cước công dân có gắn chip rất thuận lợi cho tôi trong việc khám chữa bệnh khi tôi không phải đem theo nhiều giấy tờ phức tạp mà chỉ cần cầm trên tay tấm thẻ căn cước công dân. Từ đó, các thủ tục khám chữa bệnh cũng đơn giản hơn, thời gian chờ đợi ít hơn.

Không riêng gì lĩnh vực khám chữa bệnh, theo Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội việc thực hiện thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ sẽ đem đến cho người dân nhiều tiện ích trong đời sống. Khi công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính, như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền..., người dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công.

Theo Đại tá Đặng Hoài Sơn, Phó Giám đốc Công an Hà Tĩnh, những kết quả bước đầu trong thực hiện Đề án 06 sẽ là động lực để thực các nhiệm vụ tiếp theo trong thực hiện Đề án với nhiều yêu cầu cao hơn. Thời gian tới, Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các giải pháp để xây dựng, hình thành chính quyền số đồng thời với công dân số, tạo môi trường cho kinh tế số và xã hội số phát triển.

(Còn nữa)

NGÔ TUẤN - LÝ HOÀNG
Liên kết website