Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Thầm lặng nghề quản giáo

Cơn mưa buổi sáng vừa dứt hạt, bầu trời quang đãng hơn nhiều. Ánh nắng cố lách mình ra khỏi đám mây đen, khoe chiếc áo vàng lấp lánh làm cho cảnh sắc trở nên ấm áp. Trời cuối thu dịu ngọt, chúng tôi tìm về Trại tạm giam Công an Hà Tĩnh, sau cánh cổng cao, Đại úy Nguyễn Tiến Hùng – “người thầy giáo đặc biệt” đang thầm lặng làm những công việc thường nhật của mình.

Hàng ngày phải tiếp xúc với hàng trăm đối tượng côn đồ cộm cán, nguy hiểm trong một khu vực biệt lập, kín cổng cao tường, có hàng rào dây thép gai, được bảo vệ nghiêm ngặt 24/24h. Và khi tận mắt chứng kiến công việc của Đại úy Nguyễn Tiến Hùng, chúng tôi mới thấy hết sự cam go, vất vả và nguy hiểm của nghề quản giáo.
Với những đối tượng bị tuyên án tử hình, khi vào trại giam, tâm lý đều biến đổi, một là chống đối quyết liệt, hai là tìm cách tự sát hoặc trốn trại. Để quản lý, giáo dục tử tù là quá trình gian khó gấp nhiều lần của người quản giáo. Nhưng, bằng tình người, bằng sự nhân văn, bằng sự kiên trì và nhẫn nại, những cán bộ trông coi tử tù ở trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh đã cảm hóa được những “ông trùm” khét tiếng, những tên tội phạm giết người trước khi họ phải chấp nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Cảm hóa bằng tấm lòng
Làm công tác quản giáo đã hơn 10 năm, Đại úy Nguyễn Tiến Hùng, cán bộ Trại tam giam Công an tỉnh cho biết, bản thân người làm công tác quản giáo phải có cái tâm với nghề và sự nhạy bén để có thể thấu hiểu từng hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của phạm nhân, nghi phạm từ đó có cách giáo dục cho phù hợp, tránh tình trạng xảy ra chống phá, thông cung, trốn trại, tự tử, tự sát trong trại.
 

Đại úy Nguyễn Tiến Hùng kiểm tra các buồng giam

 
Công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là trông giữ phạm nhân mà còn có nhiệm vụ giáo dục, cảm hóa làm thức tỉnh lương tâm trong con người của họ, giúp họ tìm được những suy nghĩ tích cực để yên tâm cải tạo, biết ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động sớm được về với gia đình. Với những người phạm tội mới bị đưa vào trại thường rất hoang mang và lo sợ, việc trấn an tinh thần cho họ là điều rất cần thiết. Nhưng để làm được điều đó cán bộ quản giáo phải có đạo đức và luôn gần gũi, động viên để nghi can, phạm nhân phấn chấn tinh thần, chấp hành nội quy của nơi giam giữ. Lực lượng quản giáo nói chung và Đại úy Hùng nói riêng luôn thực hiện đúng quy định pháp luật, vừa nghiêm khắc vừa mềm mỏng, luôn mang tính nhân đạo, nhân văn, giúp phạm nhân, nghi phạm, nghi can sớm trở về làm lại cuộc đời.
Gắn bó với Trại tạm giam những cán bộ quản giáo dùng cái tâm và tình người trong giáo dục, cảm hóa phạm nhân sớm quay về hướng thiện. Thượng tá Nguyễn Huy Chương, Giám thị trại tạm giam cho biết : Đơn vị luôn tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động trên lĩnh vực giam giữ, quản lý và cải tạo, giáo dục phạm nhân. Trại tạm giam đã thực hiện nghiêm túc các chính sách dành cho phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù; công tác xét đặc xá đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai; công tác xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù ngày càng hiệu quả.
Yêu thương và trách nhiệm
Đội Đại úy Hùng quản lý là đội có nhiều phạm nhân phạm tội thuộc loại rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, trong đó, không thiếu những tên “đầu gấu”, “đại bàng”. Khó ai có thể hiểu được hết những vất vả của người trong cuộc bởi thời gian làm việc nhiều, luôn luôn căng thẳng bởi số đối tượng ngày càng nguy hiểm, nhất là những đối tượng tái phạm càng khó giáo dục, cải tạo. Có trường hợp đến gia đình phạm nhân cũng bỏ mặc nhưng cán bộ quản giáo vẫn lấy hết cái tâm để cảm hóa phạm nhân.
 

Đại úy Nguyễn Tiến Hùng dùng tình thương và trách nhiệm để cảm hóa những tên phạm tội "cộm cán"

 
“Người thầy thầm lặng, uốn cây tre già” là câu mà phạm nhân dùng để nói về Đại úy Nguyễn Tiến Hùng, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh. Với 10 năm công tác tại đơn vị, Đại úy Hùng đã cẫn mẫn, thầm lặng với công việc hướng thiện cho những con người lầm lỗi, giúp họ trở về với xã hội, tái hòa nhập cộng đồng.
"Khi vào trại giam, các cán bộ vẫn coi tôi là con người, thường xuyên động viên. Ở đây, tôi thường gọi cán bộ, xưng tôi và Ban Giám thị cũng thế, nhưng riêng cán bộ Hùng tôi gọi là “Thầy”- tử tù Nguyễn Văn Tiến cho biết.
Tử tù Chinda KcoViSột là người nước Lào phạm tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy quốc tế, bị tuyên phạt án tử hình. Những ngày trong buồng giam đặc biệt chờ ngày thi hành án, Chinda KcoViSột đã nghĩ về cuộc đời, về gia đình. Từng được mệnh danh là “ông trùm vùng biên”, Chinda KcoViSột cho rằng bản thân nhiều lầm lỗi không gì có thể gột rửa được. Nhưng nhờ sự động viên của các quản giáo, nhất là Đại úy Hùng, người đàn ông từng “làm mưa, làm gió” ở vùng biên này đã biết rơi những giọt nước mắt, những giọt nước mắt hối hận muộn màng. Chinda KcoViSột tâm sự: “May có cán bộ Hùng làm cho tôi thấy cuộc đời này có ý nghĩa hơn, cán bộ Hùng rất tốt, nhiều lúc không hiểu tiếng Việt cán bộ lại chỉ dạy thêm cho tôi, tôi không thấy bị lạc lõng khi  ở đây”.
 

Vừa cảm hóa nhưng Đại úy Hùng cũng luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên kiểm tra hệ thống camera các buồng giam 

 
10 năm gắn bó với nghề, Đại úy Hùng đã cảm hóa, hướng thiện cho biết bao phạm nhân trót đi theo con đường lầm lỡ. Được giao trọng trách quản lý số lượng phạm nhân lớn, trong đó có nhiều “tử tù”, Anh chia sẻ, với các phạm nhân án tử hình, tâm lý thường không ổn định, có biểu hiện chống đối gây khó khăn. Công việc của những cán bộ quản giáo như ông phải làm sao thức tỉnh được phạm nhân chấp nhận đối diện với bản án. Còn với phạm nhân tù chung thân hoặc dài hạn, họ rất cần đến bàn tay chia sẻ để nắm lấy, thức tỉnh họ. Không ít phạm nhân cải tạo tốt, được ra tù vẫn nhớ về những cán bộ quản giáo với tình cảm đặc biệt. Để cảm hóa, giáo dục một con người phạm tội, thì phải dày công tìm những điểm yếu nhất của họ để khơi sâu vào đó, khơi dậy mong muốn sống của một con người, để họ nhận ra những lỗi lầm và hợp tác với quản giáo. Mặc dù đây không phải là trường lớp, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy mình như là một người thầy, hướng dẫn cho những con người lầm đường, lạc lối nhận thức được giá trị cuộc sống, hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.
Thượng tá Nguyễn Huy Chương, Giám thị Trại tạm giam, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Với bản lĩnh nghề nghiệp, những người như Đại úy Hùng vẫn đang ngày đêm cống hiến cho công việc đặc biệt, ở “ngôi trường” đặc biệt này. Với các anh, chỉ có tinh thần, trách nhiệm và niềm yêu nghề mới có thể giúp những người lầm lỗi hướng về điều tốt đẹp, tự giác cải tạo để sớm được trở về với cộng đồng. Bởi, trong những phạm nhân ấy vẫn còn những điều hướng thiện lẩn khuất trong tâm hồn cần đến các anh.
Thầm lặng nghề “trồng người”
Tâm sự với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Tiến Hùng cũng không nhớ được mình đã truyền cảm hứng hoàn lương tử tế cho bao nhiêu phạm nhân, chỉ nhớ rằng, trong cuộc đời làm quản giáo của mình, bản thân anh gắn bó rất nhiều kỷ niệm với phạm nhân, vui buồn đều có đủ, thậm chí có cả những bức xúc rất con người. Những kỷ niệm đó, gắn với nghiệp quản giáo của anh, cũng là hành trang để bản thân mình soi xét lại, để làm tốt hơn công việc "trồng người" đầy gian nan nhưng cũng rất vinh quang nơi đất trại.
“Anh kể tôi nghe chuyện đời người quản giáo
Có đôi khi thấy mình như “khoác áo” phạm nhân
Là những lúc mình với họ như người thân
Là như thế để cảm thông phận đời người đen trắng”


 
Không nói suông, cũng không đao to búa lớn, bằng những hành động nhỏ nhất, Đại úy Hùng đã khiến nhiều phạm nhân rơi nước mắt khi được nhận viên thuốc lúc ốm đau hay nhận được cốc nước từ chính tay anh mang tới để giải khát trong những ngày hè nóng bức. Mỗi phạm nhân là một số phận, một hoàn cảnh. Có người bản chất tốt nhưng phạm tội bồng bột, nhất thời vì những bế tắc không thể giải quyết, những day dứt chất chứa trong lòng họ nếu không được trút bỏ, hẳn như một khối ung nhọt. Chia sẻ với họ về hoàn cảnh gia đình, nắm chắc diễn biến tâm tư, tình cảm của họ để kịp thời động viên, giúp đỡ là những việc thường ngày của Đại úy Hùng.
Có thể nói, nếu như quá trình “giáo dục đi” có những gian nan, vất vả riêng của nghề sư phạm, thì quá trình “giáo dục lại” của người cán bộ quản giáo còn gian khó gấp nhiều lần. Đó là “nghề” của Đại úy Nguyễn Tiến Hùng - người thầy không giáo án, người thầy mang quân hàm.
Chia tay Đại úy Nguyễn Tiến Hùng, chia tay Trại tạm giam, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những bà mẹ già, phụ nữ dắt theo con nhỏ, đa phần rất khắc khổ, tay xách nách mang, mang đồ ăn, thức uống vào thăm con, thăm chồng, cha trong trại. Với trách nhiệm và tình cảm của các quản giáo, mong rằng các phạm nhân luôn ý thức cải tạo thật tốt, sớm trở thành những công dân có ích cho xã hội.

HÀ BẢO ANH