Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Cảnh báo hành vi báo “chốt” giao thông trên không gian mạng

Trong thời đại công nghiệp 4.0 song hành cùng những tiện ích mà khoa học, công nghệ, đặc biệt là Internet mang lại thì luôn tồn tại những thách thức đe doạ trực tiếp đến ANQG và TTATXH. Một trong những thực trạng đáng báo động và đang có xu thế lan truyền tại nhiều địa phương trong toàn quốc thời gian qua đó là tình trạng báo “chốt” giao thông trên các hội, nhóm thông qua mạng xã hội. Đây là hành vi tiềm ẩn nhiều hệ luỵ cần sự vào cuộc và ý thức chấp hành của toàn thể người dân, qua đó tạo dựng nên nét đẹp văn hoá trong tham gia giao thông.

Thực trạng báo “chốt” giao thông qua mạng và sự vào cuộc của Công an Hà Tĩnh
Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, thời gian gần đây lực lượng Công an Hà Tĩnh đã phát hiện nhiều Fange, hội, nhóm kín trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…) có hành vi chia sẽ thông tin liên quan đến hoạt động công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông. Cụ thể, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện nhiều hội nhóm có hành vi báo “chốt” thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông cho người tham gia giao thông tìm cách né tránh, cụ thể kể đến như: nhóm Facebook “Hội Lái Xe 38 Hà Tĩnh” (trên 12 nghìn thành viên), nhóm Zalo “Giao Thông An Toàn” (có thời điểm đạt giới hạn 1000 thành viên),... nhiều nhóm có số lượng thành viên lớn, các bài viết nói trên đều nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều. Nội dung của các nhóm này tràn ngập những chia sẻ được cư dân mạng gọi là “báo chốt”. Điều đáng quan ngại là hầu hết các bài viết đều nhận được lượt tương tác khủng, lên đến hàng nghìn lượt like và hàng trăm lượt bình luận.
 
Để ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng này, vừa qua Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an Hà Tĩnh đã tập trung sử dụng tổng thể các biện pháp nghiệp vụ xác minh, phân công lực lượng chức năng trực tiếp làm việc với nhiều cá nhân có hành vi thường xuyên đăng tải thông tin liên quan đến hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao trên các hội nhóm. Tại cơ quan Công an các đối tượng cho biết mục đích đăng tải là thông báo vị trí các tổ công tác của Cảnh sát giao thông để các thành viên tránh bị kiểm tra, xử lý khi có vi phạm và đều thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan Nhà nước.
 Trước thực trạng đó, vừa qua Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an Hà Tĩnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền Thông đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 22 trường hợp đăng tải nội dung báo “chốt” vị trí thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh, phạt tiền hơn 122 triệu đồng. Thời gian tới, lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ xử lý quyết liệt hơn đối với các hành vi vi phạm tương tự.
 

Hệ luỵ từ hành vi báo “chốt” trên mạng xã hội
Xoay quanh vấn đề báo “chốt” thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông qua các hội nhóm kín trên mạng xã hội là hành vi đúng hay sai, đây vẫn đang là vấn đề khiến nhiều người thắc mắc và nhận về nhiều luồng ý kiến. Cụ thể, có một số quan điểm cho rằng, mục đích các bài đăng là “không xấu”, bởi giúp thành viên trong nhóm biết được vị trí của tổ công tác để khi tham gia giao thông có thể tránh được việc bị cơ quan chức năng xử phạt khi có vi phạm. Một số khác cho rằng, những bài viết như vậy đôi khi mang lại phút giây thư giãn bởi khiến người đọc tò mò, suy nghĩ.
Trong khi đó nhiều người tham gia giao thông khác lại có quan điểm ngược lại, và bày tỏ sự không đồng tình, thậm chí bức xúc trước những hành vi lợi dụng mạng xã hội để lén lút làm những việc vì mục đích không đàng hoàng. Xem hành vi báo “chốt" đó là hành vi coi thường pháp luật.
Vậy để thấy được đây là hành vi đúng hay sai, hãy cùng điểm qua những hệ luỵ mà hành vi báo “chốt” có thể gây ra đối với tình hình ANTT và TTATXH trên địa bàn.
 
Thứ nhất, tưởng chừng hành vi báo “chốt” thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội là hành vi hết sức đơn giản, vô hại. Nhưng chính từ những nhận thức vấn đề một cách phiến diện như vậy của một bộ phận người dùng mạng xã hội đã vô tình khiến nó trở thành hành động hết sức nguy hiểm. Chính những thông tin chia sẽ trên mạng đã làm cho người dân không còn ý thức chấp hành luật giao thông, khi mà họ thấy rằng là mình hoàn toàn có nhiều cách để lách luật. Và rõ ràng việc không chấp hành luật giao thông nói riêng và không chấp hành luật pháp nói chung là một điều không hề tốt trong bất kỳ xã hội nào. Cụ thể, điều này tạo điều kiện cho người tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia vẫn “tự tin” cầm vô lăng, và thoải mái “tăng ga” vi phạm các quy định về tốc độ khi điều khiển phương tiện giao thông vì họ đã nắm được vị trí lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ để chủ động đối phó. Chính nó trở thành nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ gây ra tai nạn giao thông, đe doạ trực tiếp tới tính mạng, sức khoẻ của chính bản thân người điều khiển phương tiện giao thông và những người tham gia giao thông khác.
 
Thứ hai, việc báo vị trí của lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên mạng xã hội có thể tiếp tay cho tội phạm thực hiện hành vi phạm tội hoặc trốn tránh sự trừng trị của pháp luật. Bởi lực lượng Cảnh sát giao thông theo quy định có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, xử lý người điều khiển mô tô, xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mang theo vũ khí khi tham gia giao thông; kiểm tra các phương tiện giao thông khả nghi tàng trữ vũ khí, hàng cấm, ma tuý và các tài sản nghi do tội phạm mà có; thậm chí đối tượng đang bị truy nã và các đối tượng có phạm tội khác trốn tránh cơ quan chức năng phát hiện xử lý hành vi phạm tội của mình... Như vậy, do đặc tính hoạt động của các nhóm này là đông lượng thành viên và không có sự kiểm soát chặt chẽ về các thành phần, chính vì vậy khi những thông tin báo “chốt” được phát đi và vô tình đến được với những đối tượng đang có ý định hoặc đang thực hiện hành vi phạm tội nói trên, thì đó chính là ta đang tiếp tay cho tội phạm.
Thứ ba, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự an toàn giao thông. Tình hình TTATXH nói chung và trật tự ATGT nói tiêng được thiết lập trên cơ sở pháp luật và những người trực tiếp thi hành công vụ. Do đó, lực lượng Cảnh sát giao thông xét trên phương diện là người áp dụng pháp luật và người dân, người điều khiển giao thông là người tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, khi hành vi báo “chốt” làm nhiệm vụ giao thông lan truyền trên mạng xã hội sẽ tạo điều kiện để người tham gia giao thông “luồn tránh”, không tuân thủ pháp luật, mặc nhiên thực hiện những hành vi vi phạm về giao thông. Như vậy, khi một xã hội mà nhà nhà, người người đều không tuân thủ pháp luật, cố tình né tránh các chế tài xử lý của pháp luật thì tình hình TTATXH , TTATGT sẽ trở nên phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân.
Thứ tư, hành vi báo “chốt” giao thông ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình thực hiện công vụ, cản trở hoạt động bình thường của lực lượng cảnh sát giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông có chức năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm liên quan đến ATGT, quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát giao thông có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo hiệu quả công việc, góp phần đảm bảo tình hình TTATXH. Tuy nhiên, việc tràn lan các luồng tin báo “chốt” trên mạng xã hội, người vi phạm tìm cách để đối phó với lực lượng Công an, hành vi này đã trực tiếp cản trở quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thi hành công vụ.
Có thể thấy rằng, theo nhận thực của một bộ phận người dân, hành vi này là vô hại và không vi phạm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ khác nhau, những nguy cơ tiềm ẩn và hệ luỵ phát sinh từ hành vi này là vô cùng lớn, ảnh hưởng tới tình hình TTATXH và đe doạ trực tiếp đến chính quyền lợi, tính mạng của chính mỗi người dân.

Hành vi chia sẽ hình ảnh, thông tin liên quan đến hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông bị xử lý như thế nào?
Luật Công nghệ thông tin 2006 có quy định tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Soi chiếu các quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay, có thể thấy nếu như việc đăng tải nhằm thông tin về an toàn giao thông, để người dân thực hiện tốt cái việc chấp hành quy định của pháp luật đấy là các hành vi không vi phạm pháp luật và không bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên đối với hành vi thông báo vị trí chốt thông qua hình thức không trực tiếp để đối phó với việc kiểm tra hoặc là để gây rối mất trật tự, để cản trở cảnh sát giao thông, thì đấy lại là hành vi vi phạm pháp luật, không những gây ảnh hưởng đến hoạt động đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng, mà còn cổ súy thái độ và hành vi coi thường pháp luật, đối phó với các quy định pháp luật.
 
Đối chiếu với các quy định hiện hành, có thể thấy luật quy định, người dân được quyền giám sát hoạt động của CSGT. Tuy nhiên, việc giám sát đó phải được thực hiện một cách công khai và không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng chức năng. Trong khi đó, hành vi của các đối tượng lập nhóm trên về cơ bản là lén lút (nhóm kín), thực hiện nhằm mục đích vụ lợi và làm ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng chức năng, cụ thể là giúp người vi phạm giao thông trốn tránh việc kiểm tra, xử phạt, ảnh hưởng tới tình hình trật tự an toàn giao thông.
Như vậy, Căn cứ Điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Hiện, vẫn còn nhiều người dân chưa nhận thức được hành vi báo “chốt” trên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật và là hành động hết sức nguy hiểm. chính vì vậy, thực trạng các hội nhóm trên mạng xã hội đăng tải các bài viết có nội dung báo “chốt” vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống và đang có xu hướng dịch chuyển phương thức hoạt động sang những thủ đoạn tinh vi hơn như lựa chọn cách truyền tin, ký hiệu riêng biệt…. Do vậy, thời gian tới lực lượng Công an Hà Tĩnh sẽ vào cuộc xử lý quyết liệt hơn đối với những hành vi vi phạm tương tự. Bên cạnh đó, để chấm dứt tình trạng này cùng với lực lượng chức năng rất cần có sự theo dõi, nhắc nhở nghiêm khắc từ các gia đình, cùng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn. Đặc biệt là ý thức của người dân, trong việc nâng cao nhận thức về vai trò của các tổ công tác, Cảnh sát giao thông là nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và kiểm tra, xử lý các vi phạm về tệ nạn xã hội để từ đó chấm dứt hành động “báo chốt” dưới mọi hình thức.

Nga Nguyễn