Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Chuyên án K50 – Bài học về nghệ thuật “Tương kế tựu kế” trong đấu tranh chống gián điệp, biệt kích

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh là một trong những địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt nhất. Ngoài các tuyến đường đã đi vào huyền thoại như: Đồng Lộc, Khe Giao, Đèo Ngang, Linh Cảm… thì con đường quốc lộ số 8 bắt nguồn từ ngã ba Bãi Vọt lên biên giới Việt - Lào, nối liền với các nhánh của đường mòn Hồ Chí Minh cũng là một mục tiêu bắn phá hàng đầu của không lực Hoa Kỳ. Tuy nhiên suốt từ những năm 1967-1971 tuyến đường này máy bay Mỹ rất hạn chế không kích; tạo ra nhiều thuận lợi lớn cho cuộc chiến chống giặc giữ nước của quân dân Hà Tĩnh, góp phần cùng các tuyến đường khác “thông suốt” chi viện cho chiến trường Miền Nam đánh thắng giặc Mỹ. Có được điều này là bởi nhờ thành công của chuyên án K50 kéo hơn 4 năm của lực lượng an ninh Công an Hà Tĩnh….

1. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, đất nước bị chia cắt 2 miền: miền Bắc tập trung xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc giành nhiều thắng lợi to lớn và phong trào cách mạng ở miền Nam ngày càng lớn mạnh, đế quốc Mỹ và chính quyền  Ngô Đình Diệm đã phát động “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đàn áp phong trào nổi dậy của đồng bào, tiêu diệt cơ sở cách mạng, hạn chế sự chi viện người và vũ khí vào chiến trường miền Nam. Chúng tăng cường chiến tranh tâm lý, tổ chức lực lượng gián điệp biệt kích tung ra miền Bắc nhằm móc nối, kích động đối tượng phản động và các phần tử xấu phá hoại cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cho máy bay, tàu chiến bắn phá các tuyến đường giao thông, khu vực quân sự, kho tàng, cản trở sự chi viện người, vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam gây khó khăn, tổn thất cho ta.
Năm 1959, sau khi đã thanh toán xong các giáo phái chống đối ở miền Nam Việt Nam, đồng thời ban hành Luật 10/59, “đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, chính quyền Diệm, Nhu dưới sự gợi ý của người Mỹ, đã xây dựng hoàn chỉnh một cơ quan đặc biệt, được thành lập từ năm 1956, núp dưới cái tên rất hiền lành: “Sở Khai thác địa hình”. Thực chất, đây là một đơn vị tình báo tác chiến trực thuộc Phủ Tổng thống, do đại tá Lê Quang Tung làm chỉ huy trưởng.



Sở Khai thác địa hình có một phòng được gọi là Phòng 45 hay Phòng E, chịu trách nhiệm thu thập tin tức về miền Bắc thông qua những người di cư hoặc những kẻ bỏ trốn vào miền Nam sau năm 1954. Ðến năm 1960, hoạt động tình báo được đặc biệt chú trọng hơn nữa, nhất là sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ðể yểm trợ cho công tác bí mật này, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), một bộ phận gọi là Combined Studies (Nghiên cứu tổng hợp) thuộc Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đã hỗ trợ Sở Khai thác địa hình bằng việc gửi chuyên viên huấn luyện những bài học tình báo căn bản, cung cấp trang thiết bị, tài chính để Phòng 45 hoạt động.
Đầu năm 1963, Sở Khai thác địa hình đổi tên thành Bộ Tư lệnh Lực lượng đặc biệt với hai đơn vị là Liên đoàn 77 và Liên đoàn 31 - trong đó Phòng 45 biến thành Sở Khai thác. Song song với sự cải tổ ấy, Bộ Chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV) cũng cho ra đời cơ quan MACV - SOG (Studies and Observations Group - Nhóm cố vấn và yểm trợ cho các công tác đặc biệt). Ðến năm 1965, Sở Khai thác đổi tên thành Sở Kỹ thuật - rồi nâng lên thành Nha Kỹ thuật mà mục đích không ngoài việc huấn luyện biệt kích để tung ra miền Bắc. Trong Nha Kỹ thuật, bộ phận chịu trách nhiệm chính trong việc tung biệt kích ra Bắc là Ðoàn 68. Nó tổ chức và chỉ đạo các toán tình báo hoạt động dài hạn tại miền Bắc bằng cách thiết lập những căn cứ cố định hoặc di động, móc nối dân địa phương để thu thập thông tin tình báo, theo dõi và trinh sát các mục tiêu trọng yếu, các tuyến đường vận chuyển vũ khí, trang thiết bị quân sự nằm dọc theo biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, các khu vực là đầu mối của việc chuyển quân vào Nam ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình rồi báo cáo về Sài Gòn để không quân Mỹ tung ra những cuộc ném bom đánh phá, ngăn chặn.
Tại Hà Tĩnh, chúng lợi dụng đặc điểm địa hình có đường biên giới và bờ biển kéo dài nên đã tiến hành tung gián điệp biệt kích xâm nhập nhằm tiến hành các hoạt động thu thập tình báo và phá hoại. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, lực lượng Công an Hà Tĩnh đã chủ động nắm âm mưu địch, chuẩn bị địa bàn “đón lõng”, tổ chức vây bắt các toán gián điệp, biệt kích xâm nhập; tổ chức “trò chơi nghiệp vụ” điều khiển trung tâm địch hoạt động theo kế hoạch và ý đồ của ta. Thành tích, chiến công xuất sắc trong công tác đấu tranh chống gián điệp biệt kích của Công an tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời chặn đứng âm mưu và hoạt động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ an toàn cho việc vận chuyển người, vũ khí, lương thực vào chiến trường miền Nam, được lãnh đạo Bộ đánh giá cao.

2. Trong chiến tranh chống Mỹ, Hà Tĩnh là một trong những địa bàn trọng điểm, bởi quốc lộ 8 bắt nguồn từ Ngã ba Bãi Vọt (nay là TX. Hồng Lĩnh) qua biên giới Việt - Lào rồi xuyên dãy Trường Sơn, nối liền với các nhánh đường mòn Hồ Chí Minh, tạo ra một hành lang tương đối thuận lợi và an toàn cho bộ đội ta chi viện chiến trường miền Nam. Ðể ngăn chặn, người Mỹ ngoài việc sử dụng sức mạnh không quân còn tiến hành một loại chiến tranh khác: “Chiến tranh gián điệp”.
Với đội quân biệt kích hàng ngàn người, chia thành gần 100 toán, từ năm 1960 đến 1968, CIA và Nha Kỹ thuật đã tung ra miền Bắc 54 toán với tổng cộng 342 biệt kích. Trong đó, hàng chục toán xâm nhập bằng đường biển, đường không vào địa bàn Hà Tĩnh từ năm 1961 đến 1968 với mục tiêu là các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Sơn, Hương Khê…
Cuối năm 1966, trong số hàng trăm tên biệt kích ở Trung tâm huấn luyện biệt kích Long Thành, tỉnh Biên Hòa (nay là Ðồng Nai), một nhóm 15 tên được Nha Kỹ thuật chọn riêng, đặt bí danh là “Toán T”. Khi Lê Văn Ngung lên làm trưởng toán, nội bộ có sự mâu thuẫn, một số thành viên không tán thành nên Nha Kỹ thuật tách từ “Toán T” ra 4 người để lập thêm một toán nữa, gọi là “Toán T2” nhằm bổ sung cho “Toán T” khi cần thiết. Vì vậy, “Toán T” chỉ còn 11 người gồm Lê Văn Ngung - toán trưởng; Nguyễn Văn Thương - toán phó; Nguyễn Thế Khoa và Phạm Viết Phúc - điện báo viên cùng 7 người khác là Tùng, Hinh, Lao, Khoan, Tinh, Quy, Trọng.
Khóa huấn luyện “Toán T” do đại úy Pred Caristo, cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy, phụ trách giảng dạy là đại úy tên Dung, trong đó các biệt kích học cách xâm nhập bằng đường không, cách đặt thiết bị đo chấn động trên đường giao thông để đếm lượng xe qua lại, cách mưu sinh thoát hiểm, cách móc nối dân địa phương, cách khai thác và thu thập thông tin, sử dụng điện đài, chất nổ, sử dụng những loại vũ khí của những nước xã hội chủ nghĩa, cách ăn mặc, nói chuyện sao cho giống như những người dân, bộ đội miền Bắc. Kết thúc khóa học, “Toán T” được Pred Caristo đặt cho bí danh mới là “Hadley”. Các thành viên trong toán lần lượt mang tên theo thứ tự: Hadley 1, Hadley 2…, cho đến Hadley 11.
18h, ngày 25/1/1967, một nhóm biệt kích Ngụy đã đổ bộ xuống dãy đỉnh Giăng Màn thuộc xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Sau khi tiếp đất, chúng liền men theo một đường mòn nhỏ trong rừng đi bộ liền 3km thì ngủ qua đêm, sáng hôm sau lại tiếp tục đi sâu vào rừng khoảng hơn 2km nữa, chọn địa điểm ở lại cố thủ. Sang 15h, ngày 27/1/1967 nhóm biệt kích đã bị Công an vũ trang và dân quân địa phương phát hiện, truy đuổi. Bọn chúng vừa chống trả quyết liệt vừa tìm đường vượt biên giới sang Lào, song đến 15h, ngày 04/02/1967 toàn bộ toán biệt kích đã bị bắt gọn.
Toàn bộ 11 tên trong toán biệt kích “Hadley” đã bị dẫn giải ngay về Sở chỉ huy dã chiến ở thôn Trung Lĩnh, xã Sơn Lĩnh, Hương Sơn để đấu tranh khai thác. Tại đây, tên toán trưởng Lê Văn Ngung và đồng bọn đã khai nhận: bọn chúng nhảy dù xuống để nhằm thu thập tin tức về đường chuyển vũ khí, đạn dược và hành quân của bộ đội ta, các kho tàng, bến bãi, cầu phà trên tuyến quốc lộ số 8 từ Hà Tĩnh sang Lào… Mười ngày, sau khi tiến hành đấu tranh, khai thác nhóm biệt kích, được sự hỗ trợ của Bộ Công An, Công an Hà Tĩnh đã thành lập chuyên án K50 thực hiện “trò chơi” nghiệp vụ: dùng biệt kích Mỹ – Ngụy đánh Mỹ – Ngụy kéo dài suốt 4 năm 2 tháng.


Cụ Võ Hữu Duyệt (thứ nhất), Lê Quang Niêm (thứ 4) từ trái sang và đồng đội xưa trò chuyện cùng lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh (tháng 3- 2010)


Người trực tiếp chỉ đạo chuyên án ông Lê Quang Niêm – nguyên trưởng ty Công an Hà Tĩnh. Tổ chuyên án gồm 7-9 đồng chí làm nòng cốt, ngoài ra còn có một tiểu đội mạnh từ 13-17 đồng chí được trang bị vũ khí, khí tài, các phương tiện khác phối hợp trong suốt quá trình đấu tranh chuyên án. Địa điểm hoạt động của chuyên án là đồi 931 (bắc đường quốc lộ 8) sát với biên giới Việt – Lào và các xã Sơn Kim, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh (huyện Hương Sơn).
Sau khi quyết định giữ lại 2 tên điệp báo viên là Nguyễn Thế Khoa và Phan Viết Phúc để phục vụ đấu tranh chuyên án, Ban chuyên án liền xây dựng kế hoạch bắt liên lạc với Sở chỉ huy Trung tâm tình báo Sài Gòn. Đây là một công việc hết sức cam go, nhạy cảm nó quyết định thành bại của chuyên án nên hầu hết toàn bộ ban chuyên án phải “vắt óc” chuẩn bị kỹ các tình huống giả tạo phù hợp với quy luật hoạt động và nhiệm vụ được giao của một toán gián điệp biệt kích ở trên đất “Bắc cộng” để báo cáo về trung tâm chỉ huy của chúng.
Cuộc điện đàm đầu tiên của toán “Hadley” với tổng đài Trung tâm chỉ huy tình bào Sài Gòn là 9h 15 phút ngày 28/02/1967. Tất cả ban chuyên án nín thở tập trung tại phòng máy, hai tên điệp báo viên cũng tỏ ra hết sức lo lắng, mất bình tĩnh khiến cán bộ ta phải động viên nhắc nhở, cố gắng làm thật tốt để hưởng lượng khoan hồng. Đến giờ theo quy ước, sau ít phút thao tác kỹ thuật, liên lạc đã thông suốt. “Hadley” báo có điện chuyển đi, Trung tâm chỉ huy tình báo Sài Gòn chấp nhận. Bức điện đi “báo cáo” với Sài Gòn là khi đổ bộ xuống bị bộ đội Bắc Việt truy kích, nay mọi việc an toàn nên mới lắp máy liên lạc, “Hadley” lấy tọa độ X (bản đồ 48E Phố Châu) lập căn cứ hoạt động của toán…. cuộc liên lạc diễn ra khoảng 30 phút, thông suốt, an toàn.
Trong suốt thời gian đấu tranh chuyên án từ tháng 02/1967 – 04/1971 gần 1.600 ngày, theo quy định: mỗi ngày “Hadley” phải mở máy liên lạc một chiều để nhận điện đi (nếu có), hai ngày có một phiên liên lạc hai chiều để nhận điện đi và điện đến (nếu có), tổng cộng đã có gần 1.600 phiên liên lạc một chiều và 800 phiên liên lạc hai chiều vừa … hồi hộp, vừa … an toàn, thông suốt, không hề có một sự cố xẩy ra trong suốt 4 năm 2 tháng !
Nội dung các bức điện được trả lời theo yêu cầu của Trung tâm tình báo Sài Gòn, trong đó khoảng 50% tin giả tạo, 40% tin bình thường như: đời sống KT-XH, nghề nghiệp của cư dân địa phương, hoạt động của toán “Hadley”, 10% tin thật phục vụ công tác nghiệp vụ đánh lừa địch… Điều đáng nói là để không sai sót, sơ hở toàn ban chuyên án hầu như lúc nào cũng phải căng óc ra làm việc, phải luôn tạo ra các tình huống nghiệp vụ để đánh lừa địch là rất khó khăn, phức tạp, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều lực lượng và nhiều khi phải hy sinh một vài lợi ích khác để phục vụ cho “đại cục”.
Để đáp ứng yêu cầu cầu của Trung tâm chỉ huy tình bào Sài Gòn về điều tra kho tàng, bến bãi. Các kho tàng, bến bãi của Đội 11 Lâm Trường Hương Sơn đã được dời dọn, chỉ để lại một số xe cộ hư hỏng, lán trại lẩn khuất trong rừng, vài thùng phuy xăng, dầu… Vài ngày sau khi dời dọn khu vực này liên bị máy báy Mỹ ném bom, bắn phá nhiều lần. Tiếp tục đáp ứng yêu cầu của tình báo Sài Gòn về điều tra con đường di chuyển vào Nam của “chiến xa Bắc Việt”, một đoạn đường khoảng 2 km từ Ngã Đôi (Sơn Lĩnh) xuyên vào dãy Trường Sơn đi qua khu rừng rậm rạp đã được hình thành, ban đêm xe xích của Lâm Trường Hương Sơn chạy đi chạy lại nhiều lần tạo nên nhiều dấu vết, nhiều lán trại lấp ló dọc tuyến đường, hơn chục thùng phuy xăng dấu ven đường, vài xe xích bị hỏng được ngụy trang sơ sài…
Ngay sau khi Sài Gòn nhận được tin báo của “Hadley” về phát hiện thấy tuyến đường di chuyển của “chiến xa Bắc Việt”, máy bay Mỹ liền ồ ạt ném bom xuống tuyến đường này, xăng bốc lửa lên cao, xe xích bị hỏng cháy rụi khiến cho bọn giặc lái hết sức… tin tưởng, vui mừng thắng lợi, ngay hôm sau toán “Hadley” còn nhận được điện khen và hứa tặng thưởng lớn.
Trong hơn 4 năm đấu tranh chuyên án, lực lượng đánh án còn nhận được 10 lần tiếp tế bằng máy bay với hàng chục tấn hàng về vũ khí, khí tài, đồ dùng cá nhân, thư từ, lương thực, thuốc men.. Đến tháng 4/1971, “Hadley” nhận được điện của Sài Gòn lệnh di chuyển theo hướng Tây – Nam để sang Lào. “Hadley” điện báo cáo chấp hành mệnh lệnh, nhưng trên đường rút lui sang đất Lào bị bội đội hai nước phát hiện, truy lùng ráo riết.
Sau khi bộ đội Pathet Lào bắt gọn toán biệt kích T2, lãnh đạo Bộ Công an nhận thấy chuyên án K50 đã đạt yêu cầu, không cần thiết kéo dài thêm nữa nên Bộ quyết định cho phá án. Ðể bảo đảm bí mật nghiệp vụ của ta nhằm phục vụ những chuyên án về sau, không để địch nghi ngờ, việc phá án được tính toán thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, phù hợp với quy luật hoạt động gián điệp của địch trong bối cảnh lúc đó. 
Trong những tháng đầu năm 1971, ta cho toán Hadley liên tục điện về Trung tâm cầu cứu, nội dung một số đã chết do sốt rét ác tính, một số ốm yếu gầy mòn do phải sống giữa rừng thiêng nước độc đã lâu ngày mà vẫn không sao tiếp cận, móc nối được người dân bản xứ như kế hoạch ban đầu; lại thường xuyên phải trốn chạy những cuộc tuần tra của bộ đội Bắc Việt, việc điều tra thu thập tin tức tình báo của toán ngày càng kém hiệu quả…Đầu tháng 3-1971, sau khi nhận được những bức điện “kể khổ”, Nha Kỹ thuật ra lệnh cho toán Hadley di chuyển theo hướng Tây Nam, rút khỏi biên giới Việt Nam, vào vùng đệm của Lào ẩn náu, bảo toàn lực lượng, chờ sự chi viện. Một tuần sau, Hadley báo cáo về trung tâm, cho biết đã chấp hành mệnh lệnh và đang rút lui sang đất Lào nhưng gặp rất nhiều khó khăn, to  án chỉ mang được một ít lương khô và thường xuyên gặp phải sự tuần tra biên giới rất nghiêm ngặt, tinh thần các biệt kích giảm sút, hoang mang lo lắng. Sau phiên liên lạc này, Ban chuyên án đóng máy, không thực hiện việc gửi tin cho Nha Kỹ thuật ở Sài Gòn nữa. Mọi hoạt động của toán Hadley coi như chấm dứt.
Ðể công khai hóa việc phá án, bảo đảm bí mật nghiệp vụ của ta, Bộ Công an cử một số chuyên gia sang làm việc với Công an Lào, trao đổi thống nhất chủ trương. Tiếp theo, Ðài phát thanh Pha-Thét Lào đưa tin ngày 20-3-1971, quân và dân các thôn bản ở tỉnh Bôlykhămxây đã bắt được một toán biệt kích của quân đội Việt Nam Cộng Hòa khi chúng thâm nhập vùng biên giới Lào. Sau đó, phía Lào tổ chức trưng bày những bằng chứng về sự xâm nhập của toán Hadley do ta cung cấp. Đến lúc đó, CIA, MACV-SOG và Nha Kỹ thuật vẫn cho là toán Hadley bị bắt khi đang trên đường rút lui sang Lào để chờ trực thăng đón về. Chuyên án K50 kết thúc thắng lợi hoàn toàn.


3. Chuyên án kết thúc, những nhân chứng của một chuyên án không có máu đỏ, không trực tiếp siết cò súng nhưng lại đầy căng thẳng, cam go và hết sức mong manh giữa thành công và thất bại của cuộc đấu trí kéo dài tới 4 năm 2 tháng, những chiến sĩ an ninh xuất sắc ngày ấy là ông Lê Quang Liêm, ông Võ Hữu Duyệt, ông Nguyễn Tâm Nhuận, ông Phan Thanh Cao, ông Phan Nguyên Trĩu, ông Trần Bằng, ông Nguyễn Khánh Toàn, ông Nguyễn Văn Tuy. Nhiều trong số họ tham gia chuyên án K50 vì tuổi cao sức yếu nay đã không còn nữa. Họ là một thế hệ tiêu biểu của Công an Hà Tĩnh nói riêng và lực lượng công an nhân dân nói chung. Nhờ có K50, nhờ có họ mà trong một vùng rộng lớn từ tuyến đường 8, đặc biệt là vùng Hương Sơn đã không hề bị địch oanh kích trong một thời gian khá dài, các lực lượng của ta ở những nơi này đã được bảo vệ an toàn góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ.


Chuyên án K50 thành công chính là nhờ bài học mưu trí, dũng cảm, dùng chiến thuật “tương kế tựu kế”, dùng địch để đánh lại địch. Chọn đúng, trúng đối tượng để cảm hóa, giáo dục, để sử dụng. Tinh thần đoàn kết, bí mật của tất cả các thành viên của Ban Chuyên án. Cuộc đấu trí kéo dài hơn 4 năm 2 tháng mà đội quân tình báo nhà nghề của Sài Gòn không phát hiện, họ chính là “những điệp viên điện đàm” hoàn hảo, không để sai sót trong bất kỳ tình huống nào, trong đó có những tình huống giả thua để tạo hiện trường, tạo niềm tin để khai thác thông tin cho những lần tiếp theo. Trong chuyên án này, lực lượng Công an Hà Tĩnh đã tổ chức bắt thành công 7 toán gián điệp biệt kích gồm 56 tên, thu toàn bộ tang vật. Thành tích, chiến công xuất sắc trong công tác đấu tranh chống gián điệp biệt kích của Công an tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời chặn đứng âm mưu và hoạt động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ an toàn cho việc vận chuyển người, vũ khí, lương thực vào chiến trường miền Nam, được lãnh đạo Bộ đánh giá cao. Cuộc đấu trí căng thẳng, nghệ thuật “tương kế tựu kế” chỉ có trung thành với Đảng, với ngành, với Nhân dân, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, đã giúp Ban chuyên án thành công, góp phần vào bảng vàng thành tích của Công an Hà Tĩnh nói riêng và Công an nhân dân nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Được biết, với nghệ thuật đánh gián điệp biệt kích, từ năm 1962 đến năm 1973, Công an Hà Tĩnh đã tổ chức bắt và khống chế 20/23 vụ gián điệp, biệt kích với hàng chục tên, thu hàng chục tấn hàng hóa, vũ khí và nhiều phương tiện, góp phần cùng quân và dân Hà Tĩnh đánh thắng giặc Mỹ xâm lược./.

H . L