Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Công an Hà Tĩnh trên mặt trận giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ hậu phương góp phần đánh thắng thực dân Pháp xâm lược

Là tỉnh thuộc Bắc Trung bộ, Hà Tĩnh có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng, là cầu nối huyết mạch giao thông Bắc Nam và các nước Đông Dương, là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, trong đó có truyền thống yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 -1954, Hà Tĩnh là vùng tự do nhưng cũng vừa là hậu phương và vừa là tiền tuyến chi viện nhân lực, vật lực, sức người, sức của cho mặt trận. Trong chiến công chung đất nước tại chiến dịch Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu có một phần đóng góp quan trọng của lực lượng Công an Hà Tĩnh trên mặt trận giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ hậu phương góp phần đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược.

Cách mạng tháng Tám thành công, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, chính quyền non trẻ phải đối mặt với bao bộn bề khó khăn, đối mặt“giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịc Hồ Chí Minh và thực hiện theo chỉ thị của Trung ương, Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ nhất, Công an Hà Tĩnh đã phát động phong trào nhân dân phòng gian bảo mật, “ba không”, “ba phòng”, phong tỏa tin tức, quản lý ra vào vùng địch tạm chiếm, qua lại biên giới, bố trí trinh sát, xây dựng cơ sở bí mật ở những địa bàn trọng yếu, cửa biển, vùng an toàn khu.. đã ngăn chặn, truy bắt nhiều tên, nhiều tổ chức gián điệp và vận động quần chúng bao vây, giám sát, chia cắt bóp chết từ trong trứng nhiều tổ chức phản động, đồng thời giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ hậu phương, phục vụ các cuộc tiến công chiến lược, góp phần đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược.


Vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Tháng 4/1947, mặt trận Huế bị vỡ, Hà Tĩnh bốn bề bị bao vây, hàng ngàn đồng bào Bình Trị Thiên tản cư ra Hà Tĩnh, vùng đất Hà Tĩnh trở nên tấp nập, bọn lưu manh trộm cắp trà trộn khắp mọi nơi. Công an Hà Tĩnh vừa phải bảo vệ an toàn cơ quan, cơ xưởng; kho tàng; vừa phải giữ gìn trật tự trị an, nắm vững di biến động của các loại đối tượng và nhờ làm tốt công tác ba không, ba phòng, công tác vận động quần chúng dân nhân tham gia phong trào bảo mật phòng gian lực lượng Công an đã điều tra, khám phá bắt tên việt gian Lâm Văn Khuê, Lương Văn Phổ là gián điệp của dư đảng của Đại Việt,  ngăn chặn kịp thời tổ chức phản động  “Quốc gia liên hiệp” không để cho bọn chúng hoạt động chống phá cách mạng.

Đến cuối năm 1948, thực dân Pháp đã pháo kích và tập kích vào bờ biển 11 lần, 02 lần ở biên giới. Lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với quân sự đối phó với hoạt động tập kích của địch để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong khi địch tập kích đổ bộ, chúng dùng thủ đoạn thâm độc chia rẽ lương giáo bằng cách: Tập kích lên vùng giáo, bắt người đốt nhà người lương. Lực lượng Công an cùng chính quyền các cấp, mặt trận, đoàn thể làm tốt công tác dân vận giải thích cho nhân dân hiểu chính sách tự do tín ngưỡng của chính phủ, chính sách đại đoàn kết trong các vùng công giáo để phá tan những nghi nghờ, tránh âm mưu chia rẽ, đồng thời vạch trần âm mưu chia rẽ lương giáo của kẻ địch cho nhân dân thấy. Để bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng Hà Tĩnh thành hậu phương vững mạnh và chi viện nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến, lực lượng Công an Hà Tĩnh đã cùng với quân đội, Giao thông khôi phục và bảo vệ tuyến đường goòng Thanh Luyện – Đò Vàng. Hai đầu máy BTT1 và BBT2 trong năm 1948 đã vận chuyển an toàn 449 tấn gạo, 205 tấn muối, 33.531 mát vải chi viên cho Bình Trị Thiên. Với phương châm hạt gạo cắn đôi, chiến trường Bình Trị Thiên cũng là chiến trường Hà Tĩnh.

Năm 1949, địch bao vây phong tỏa 22 lần trong đó có 6 lần tập kích đổ bộ cỡ trung đội, đáng chú ý là địch tăng cường hoạt động gián điệp xâm nhập vào Hà Tĩnh bằng mọi phương thức và thủ đoạn như cài gián điệp vào số người buôn bán ra vào vùng tạm chiếm dưới hình thức trả hang  nhưng phổ biến nhất là xâm nhập bằng đường biển để điều tra tình báo và xây dựng cơ sở ấn nấp lâu dài. Để đối phó lại âm mưu của kẻ địch “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”  lực lượng Công an Hà Tĩnh luôn “Đề cao công tác chống do thám, gián điệp địch; Phải kiểm tra hàng ngũ kháng chiến, phải tổ chức phản gián điệp cho khéo trong nhân, phải bảo vệ các cơ quan đầu não” đúng theo tinh thần chỉ đạo Hội nghị Công an toàn quốc lần 4. Nhờ làm tốt công tác phòng gian bảo mật và được quần chúng nhân dân giúp đỡ Công an Hà Tĩnh đã khám phá, bắt liên tiếp nhiều tên gián điệp nguy hiểm như Trần Nhuệ, Hồ Tấn Hiệp, Trần Trọng Tư… “làm cho bọn gián điệp, phán động phải dè dặt trong việc gây cơ sở; bọn lưu manh, trộm cắp, bọn buôn lậu hàng xa xỉ phẩm phải chùn lại; nhân dân an tâm sản xuất, tin tin tưởng  vào chính quyền và lực lượng Công an hơn”.

Năm 1950, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 Bác Hồ đã căn dặn lực lượng Công an “Công an phải đi đúng đường lối nhân dân, phục vụ nhân dân, giáo dục nhân dân để nhân dân thiết thực giúp đỡ Công an”, thực hiện lời dạy của Bác trên cơ sở phong trào nhân dân phòng gian bảo mật nay nhân rộng từ chiều rộng đến chiều sâu, có tổ chức chặt chẽ, mỗi cụm cư dân có 5 gia đình ở liền nhau thành lập một “liên gia” gọi phong trào “ngũ liên gia bảo” và áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác như ta dùng người của ta “đánh vào” tổ chức của địch, vừa thuyết phục sử dụng người trong tổ chức địch “kéo ra” báo cáo tình hình cho ta. Do đó, chúng ta đã nắm chắc được tổ chức, âm mưu và hoạt động của chúng. Ngày 13/4/1950, dưới sự chỉ đạo của lực lượng Công an liên khu IV, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, Công an Hà Tĩnh đã cùng một lúc đột nhập từng nhà, bắt toàn bộ bọn cầm đầu với đầy đủ tài liệu tang chứng như chương trình, điều lệ, sơ đồ chỉ điểm… xóa sổ tổ chức phản động “Đảng dân chúng liên hiệp” tổ chức này hoạt động theo phương thức gián điệp, làm tay sai cho thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nguyên ủy đầu tiên của tổ chức này “Xã hội công giáo” do Ngô Đình Diệm, Lê Hữu Tập lập ra và đưa vụ án này ra xét xử công khai, tuyên án tử hình đối với Lê Thế Cao, biệt hiệu là Duy Hiển để vạch trần tội ác của bọn chúng, nâng cao cảnh giác cho quần chúng nhân dân.



Sau chiến dịch biên giới 1950, quân ta giành thế chủ động trên chiến trường để cứu vãn tình thế, tướng Đờcát- đờ lát-ti nhi đã đề ra 4 điểm, trong đó có điểm đánh phá hậu phương Thanh Nghệ Tĩnh và kích động bọn phản động phá hoại cách mạng. Ở Hà Tĩnh, địch phong tỏa bờ biển, bắt ngư dân, tập kích đổ bộ lên các xã Vịnh Áng, Hoàng Hanh, Cấp Thăng thuộc huyện Kỳ Anh, ra sức phá thị xã, thị trấn, đường sông, đường goòng, ráo riết hoạt động gián điệp. Công tác công an chuyển hướng về tổ chức cho phù hợp với nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 6, gồm 3 ban, với 8 địa giới hành chính cấp huyện và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não, bảo vệ lực lượng vũ trang, bảo vệ nhân dân và phụ trách quản lý trại giam. Thực hiên chỉ đạo của Nha Công an Trung ương, Công an Hà Tĩnh đã tham gia bảo vệ thành công chiến dịch ở Thượng Kim Bảng, Hạ Thanh Liêm ở tỉnh Hà Nam được ban chỉ huy mặt trận khen. Đầu năm 1953, thắng lợi của quân ta trong chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, 5/1953, chính phủ Pháp cử Na va sang Đông Dương làm tổng tư lệnh quân đội viễn chinh với “Kế hoạch Na va” hy vọng trong 18 ngày có thể thay đổi cục diện chiến tranh ở Việt Nam và đối với hậu phương Hà Tĩnh, chúng tiếp tục tăng cường đánh phá bằng mọi cách để làm suy yếu lực lượng giữ trữ. Mặc dù địch đánh phá ác liệt  gây cho nhân dân Hà Tĩnh những thiệt hại về người, của, nhưng cuộc kháng chiến càng ngày càng giành được nhiều thắng lợi trên nhiều mặt trận. Thời điểm này Công an Hà Tĩnh  liên tiếp  trong thời gian ngắn đã điều tra, khám phá nhiều vụ án, lật tẩy âm mưu của bọn phản động lợi dụng Thiên Chúa Giáo, đạo Phật bắt, đưa ra xét xử những tên cầm đầu như  đội lốt linh mục Nguyễn Sĩ Huề đã từng làm cố vấn cho huyện bộ “dân chúng liên hiệp”; Phá chuyên án HL15 bắt tên Phạm Kim Huệ ở Hương Khê là địa chủ, phản động lợi dụng Thiên Chúa giáo, có hành động điều tra tình hình cơ quan,  kho tang cung cấp cho bọn gián điệp; phá chuyên án F2, bắt tên Tịnh Cần, Giác Hải, Bang Dinh lợi dụng đạo Phật tổ chức các hoạt động trái phép như dân quân Phật giáo, thanh niên Phật tử có vũ trang với tên gọi “đội đại hung đại lực”, lập “khối tư giao” nhằm liên kết những người “hữu sản” bất mãn chế độ chống chính quyền, bọn chúng bàn bạc phải bắc cho được “cái cầu đất đỏ”, “cầu phật giáo” trên đất Hà Tĩnh.
          Cuối năm 1953, khi Trung ương quyết định mở chiến dịch Đông Xuân, Hà Tĩnh là một tỉnh hậu phương có nhiệm vụ phục nhiều chiến trường Bình Trị Thiên, Trung Lào, Thượng Lào, Hạ Lào, Điện Biên Phủ và giao nhiệm vụ làm đường giao thông chiến lược, Công an vừa huy động cán bộ vào Hội đồng cung cấp của mặt trận, vừa bố trí lực lượng bảo vệ an toàn các đoàn dân công, bảo vệ hàng hóa, bảo vệ hậu phương đã kịp thời phát hiện âm mưu của Phòng nhì hải quân Pháp ở Hải Phòng. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an liên khu IV, Công an Hà Tĩnh lập chuyên án trinh sát lấy ký hiệu TT29, khống chế sử dụng “ phái viên” của địch để tìm hiểu ý đồ của địch, câu nhử địch đưa lực lượng và phương tiện để tiêu diệt, đồng thời, thông qua bọn gián điệp biết âm mưu của chúng đối với phản động trong nội địa để truy quyét. Kết quả Công an Hà Tĩnh bắt toàn bộ phái viên, lực lượng và phương tiện của địch, chặn đứng cái gọi là  mặt trận “giải phóng Thanh Nghệ Tĩnh”. Thành công của chuyên án TT29 là một chiến công vẽ vang cùng quân và dân ta hòa trong niềm vui chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ.


Ngày 7/5/1954, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp, làm “chấn động địa cầu”, dựng lên một mốc son lịch sử chói lọi. Ảnh tư liệu

Kỷ niệm 69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Công an Hà Tĩnh hôm nay luôn khắc ghi, trân trọng những chiến công của thế hệ cha anh đi trước. Những bài học kinh nghiệm được rút ra trong kháng chiến cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị khoa học để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Tĩnh Hà