Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Công an tỉnh Hà Tĩnh đấu tranh mạnh với tội phạm mua bán người

Trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn biến khá phức tạp. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm này, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hà Tĩnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu cao nhất là bảo vệ "quyền con người", bảo vệ "an ninh con người", góp phần đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.


Đoàn khảo sát của UBTPQH do khảo sát tại UBND tỉnh về “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2022”

1. Hà Tĩnh là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ có vị trí chiến lược rất quan trọng trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; nằm ở vị trí cửa ngõ hành lang kinh tế Đông – Tây có biển, biên giới đất liền với nước bạn Lào; kinh tế Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn phát triển mới với các động lực mạnh mẽ. Đó là những thuận lợi, tạo ra những thời cơ, điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, song cũng phải đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức mới đan xen; các thế lực thù địch và bọn tội phạm triệt để dụng để chống phá. Tội phạm về trật tự xã hội diễn biến với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí “nóng”, tội phạm ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài; tội phạm sử dụng công nghệ cao; hoạt động tội phạm ngày càng thể hiện rõ sự đan xen, câu kết giữa hình sự, kinh tế, ma túy. Tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi và đa dạng.


Các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tiếp xúc trực tiếp khiến công tác phát hiện, điều tra, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tội phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên biên giới. Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội (qua Zalo, Facebook) với tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại các quán karaoke, cắt tóc, massage,... trong nội địa.

Với thủ đoạn “việc nhẹ lương cao”, các đối tượng mua bán người hết sức tinh vi, chúng lợi dụng các trang mạng xã hội đăng tải bài viết lên Facebook cá nhân, giới thiệu tuyển người đi làm việc tại Campuchia với nội dung: “Công việc nhẹ nhàng, chăm sóc khách hàng, hoặc làm SEO (tư vấn) trên máy tính, lương ổn định, mỗi tháng từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, mọi chi phí xuất cảnh sang Campuchia do Công ty chi trả, không cần giấy tờ, chỉ cần chứng minh nhân dân”. Với phương thức này, đối tượng lừa dối để tuyển những người mong muốn có việc làm ổn định, thu nhập cao, sau đó bố trí xuất cảnh trái phép (vượt biên) sang Campuchia, chuyển giao nạn nhân cho ông chủ người Trung Quốc. Các đối tượng hoạt động theo một đường dây khép kín với nhiều công đoạn, như: Dụ dỗ, tuyển mộ; tổ chức vận chuyển từ nội địa qua biên giới; chuyển giao nạn nhân cho ông chủ là người Trung Quốc để thu lợi bất chính. Nạn nhân chủ yếu là nam giới, trong độ tuổi lao động, khi đến Campuchia  bị cưỡng bức làm việc trong các “Công ty” hoạt động game bài cá cược qua mạng do người Trung Quốc quản lý. Quá trình làm việc, đi lại bị quản lý, giám sát chặt, mỗi ngày làm việc từ 12 giờ đến 15 giờ. Nếu chống đối hoặc bỏ trốn ra khỏi “Công ty” sẽ bị bắt giữ, đánh đập và bán sang “Công ty” khác, muốn về Việt Nam phải nộp “Tiền chuộc” từ 3.500 USD đến 5000 USD cho “Công ty” mới được tự do trở về Việt Nam.

Với thủ đoạn tương tự, trong hai ngày 04 và 05/01/2023 Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận đơn trình báo của 02 gia đình bị hại gồm T.V.H, sinh năm 2004 trú tại thôn Quyết Tiến và B.Q.H, sinh năm 2004, trú tại thôn Thanh Quang, cùng thuộc xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về nội dung: Ngày 22/12/2022, T.V.H và B.Q.H thông qua mạng xã hội facebook bị một người không rõ lai lịch rủ rê, lôi kéo đưa sang Campuchia làm việc nhưng sau khi sang Campuchia thì T.V.H và B.Q.H bị chính các đối tượng đánh đập, tống tiền tại sòng bạc gần cửa khẩu giáp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, bọn chúng yêu cầu gia đình đóng tiền chuộc mỗi người hơn 100.000.000đ. Vì quá lo lắng cho tính mạng của người thân nên hai gia đình đã thực hiện theo yêu cầu của chúng để chuộc người thân về.

Cũng với phương thức này, từ cuối năm 2022 đến ngày 10/02/2023, đối tượng sử dụng Facebook có tên “HR Nam Nguyen” đăng tin quảng cáo tuyển nhân viên để dụ dỗ, lừa gạt 09 người Việt Nam cư trú tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có anh N.K.H, sinh năm 2005, trú tại xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đối tượng đã mua vé máy bay gửi cho anh H để đi vào thành phố Hồ Chí Minh sau đó xuất cảnh sang Campuchia. Công an huyện Hương Sơn đã kịp thời nắm được thông tin trên và phối hợp với phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh xác minh, ngăn chặn, chưa xảy ra hậu quả.

Qua công tác phát hiện và xử lý các vụ án mua bán người của lực lượng chức năng cho thấy, đây là loại tội phạm có "độ ẩn" cao, xảy ra ở hầu hết các địa phương, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước và nước ngoài. Các đối tượng gây án thường là đối tượng chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội phạm mua bán người hoặc từng là bị hại, người thân thích với bị hại thực hiện.


Cán bộ điều tra Công an Hà Tĩnh  hỏi cung bị can mua bán người


2. Trước tình hình trên, Công an Hà Tĩnh phát huy vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP của tỉnh Hà Tĩnh trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, đoàn thể ở địa phương triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người…; phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhóm nhiệm vụ, và tổ chức hiệu quả nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống mua bán người, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ "quyền con  người", bảo vệ "an ninh con người" và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh phát huy vai trò nòng cốt, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ với công tác đấu tranh, tấn công trấn áp quyết liệt tội phạm mua bán người, qua đó góp phần bảo đảm tốt ANTT trên địa bàn. Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện quyết liệt kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới cửa khẩu Cầu Treo và các địa bàn trọng điểm, phức tạp trong tỉnh; mở các đợt cao điểm để tập trung nắm tình hình, điều tra xử lý các đối tượng, đường dây mua bán người và tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Từ tháng 11/2021 đến tháng 6/2023, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố 09 vụ, 20 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động mua bán người; cụ thể: 01 vụ, 02 bị can về tội Mua bán người; 02 vụ, 09 bị can về tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; 06 vụ, 09 bị can về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phépPhục hồi điều tra 03 vụ, 03 bị can về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Phối hợp VKSND, TAND đưa ra xét xứ 07 vụ, 15 bị cáo, trong đó có 01 vụ, 02 bị cáo xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, phòng ngừa trong xã hội.

 Tuy nhiên, qua công tác dự báo, nắm tình hình, thực tế trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và liên quan đến địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, thậm chí có yếu tố nước ngoài và trên không gian mạng.


 Các nạn nhân xúc động khi được giải cứu từ Lào trở về Việt Nam đoàn tụ, sum họp cùng gia đình


3. Để tiếp tục tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong thời gian tới, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; thông báo rộng rãi phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm kết hợp với kết quả đấu tranh của lực lượng chức năng để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành trong các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân vừa chủ động phòng ngừa, vừa tích cực tham gia tố giác tội phạm.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước và tổ chức thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua bán người, nhất là lĩnh vực: Xuất, nhập cảnh; ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT; lao động ngoài nước; cho, nhận con nuôi; kết hôn có yếu tố nước ngoài… Khai thác, phát huy tối đa giá trị, hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và kết quả triển khai Đề án 06 phục vụ công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Quyết liệt triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với tội phạm mua bán người. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố tăng cường lực lượng, nắm chắc tình hình, địa bàn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT; chủ động nghiên cứu, khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là trong quản lý, rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; các khu, cụm công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, địa bàn giáp ranh nơi tội phạm thường lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội hoặc sử dụng để tập kết nạn nhân bị mua bán, ngược đãi, cưỡng bức lao động, hoạt động mại dâm. Rà soát, xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, các đường dây, băng nhóm có biểu hiện hoạt động phạm tội mua bán người, nhất là các đối tượng có tiền án, tiền sự về loại tội phạm trên để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hằng năm,  mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 1/7 đến ngày 30/9. Qua đó, đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người và kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng trước pháp luật. Bên cạnh đó, công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc "lấy nạn nhân là trung tâm". Tích cực hợp tác quốc tế, nhất là với Bộ Công an nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về phòng, chống mua bán người, góp phần mang lại bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.

Tĩnh Hà