Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Đề án 06 là điểm sáng nổi bật trong chuyển đổi số

Phát biểu khai mạc Hội nghị đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, được Chính phủ tổ chức chiều 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đề án 06 chính là điểm sáng nổi bật về chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua.

Chiều 21/12, Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã được tổ chức tại trụ sở Chính phủ, trực tuyến đến các bộ, ngành, 63 địa phương trên toàn quốc.

Tham dự, chủ trì hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Đề án 06 là “điểm sáng” nổi bật trong chuyển đổi số -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là một đề án mà chúng ta có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao, bởi vì chuyển đổi số là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, có thể nói, một trong những điểm sáng của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06. Qua 2 năm thực hiện Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân, phát triển kinh tế - xã hội; góp phần hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”; tiết kiệm thời gian, công sức của người dân; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.


Các đại biểu tham dự ở điểm cầu Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đề ra, Thủ tướng chỉ rõ, phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ, phải khẩn trương triển khai; có những việc chúng ta nhìn thấy nguy cơ khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng nhau thảo luận, phân tích, đánh giá thực chất tình hình, trung thực, khách quan, có minh chứng bằng số liệu cụ thể những kết quả đạt được trong 2 năm qua. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương mình.

Đề án 06 là “điểm sáng” nổi bật trong chuyển đổi số -0
Các  đại biểu tham dự hội nghị.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ; những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới; chỉ rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cũng như các quan điểm mới trong triển khai Đề án 06.

“Vừa qua, bộ, ngành, địa phương nào phối hợp tốt thì có hiệu quả tốt. Bộ, ngành, địa phương nào còn chần chừ thì hiệu quả thấp. Triển khai hiệu quả Đề án 06 thì người dân, doanh nghiệp chính là người được hưởng lợi, là chủ thể để chúng ta phục vụ…Nếu chúng ta triển khai hiệu quả Đề án 06 thì kết quả đạt được rất lớn trên các mặt kinh tế - xã hội. Bộ, ngành, địa phương nào làm tốt cần có sự khen thưởng động viên kịp thời, còn đơn vị nào triển khai kém hiệu quả cũng cần phải có biện pháp xử lý...”- Thủ tướng nêu rõ.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã báo cáo đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06.


 

Đề án 06 có 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, nhận thức, hành động của các cấp, ngành và Nhân dân về chuyển đổi số nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến tích cực, các cấp, ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu.
Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Có 38/53 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình mà người dân có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào, nơi nào, không phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan Nhà nước, cắt giảm giấy tờ, chi phí đi lại.

Đề án góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang phương thức quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành, địa phương; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Đề án đã tạo lập và ngày càng hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hướng tới xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia. Từ dữ liệu gốc dân cư đã đẩy mạnh xác thực làm sạch dữ liệu, hỗ trợ tạo lập dữ liệu của các ngành, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí và ngày càng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Qua 2 năm thực hiện Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân, hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”, tiết kiệm thời gian, công sức và tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đề án 06 là một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số trong 2 năm qua.

Khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu nhưng đây cũng là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực cao hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện Đề án 06.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung; xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đẩy mạnh triển khai một số cơ chế thí điểm, thử nghiệm quan trọng để mở rộng trong thời gian tới; phát huy tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, có các giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06.

Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng với phương châm một văn bản điều chỉnh nhiều văn bản khác, gọn, rõ, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra; thể chế phải đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nhanh hơn, bền vững hơn.
 

Quá trình thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án 06, tỉnh Hà Tĩnh luôn nhận được sự quan tâm phối hợp của các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Công an. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Năm 2023, nhiều nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ có sự tiến triển tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân doanh nghiệp như: Bộ chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 20 toàn quốc, tăng 4 bậc so với năm 2022; nằm trong 11 tỉnh hoàn thành kế hoạch giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách nổi bật được Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính biểu dương.

Hà Tĩnh hoàn thành cấp thẻ CCCD đối với 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh (xếp thứ 2 toàn quốc) và xếp thứ 4 toàn quốc về cài đặt tài khoản VneID, quá đó, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn.

Hoàn thành 100% số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung đối với: dữ liệu tiêm chủng, dữ liệu hộ tịch; cập nhật đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng an sinh xã hội; dữ liệu người lao động, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi; dữ liệu thông tin thuê bao di động; dữ liệu về cán bộ, công chức viên chức; dữ liệu về đất đai..., dẫn đầu cả nước về tỷ lệ rà soát, làm sạch dữ liệu bảo hiểm xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tổng hợp