Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Đếm ngược thời gian, chờ ngày đoàn tụ

“Những ngày tháng tu tâm, cải tạo sau cánh cửa song sắt nhà giam để trả giá cho sai lầm của bản thân trong quá khứ là quãng thời gian quý giá để nhìn nhận lại giá trị, lẽ phải của cuộc sống. Khi biết mình có tên trong danh sách những phạm nhân được đặc xá, cháu đã bật khóc nức nở. Chỉ mong ngày đó đến thật nhanh, để chạy về nhà ôm chầm lấy mẹ, thốt lên một câu, rằng: Mẹ ơi, con đã trở về…”.

Đó là tâm sự tự đáy lòng mình của phạm nhân Lê Đình Quốc (SN 1993), trú xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) sau khi biết mình có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá dịp Quốc khánh 2/9/2022.

Đếm ngược thời gian, chờ ngày đoàn tụ -0
Phạm nhân được dạy nghề, truyền nghề và cấp chứng chỉ trước ngày đặc xá.

Thời điểm bị truy tố về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Quốc đang là giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu SCJ, trụ sở tại huyện Hương Sơn. Lợi dụng chính sách về hoàn thuế giá trị gia tăng, công ty của Quốc đã mua hóa đơn rồi lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Từ tháng 10/2014 đến tháng 4/2015, công ty này đã sử dụng 81 tờ khai xuất khẩu hàng hóa sang Lào và 247 số hóa đơn giá trị gia tăng để lập nhiều hồ sơ, đề nghị Cục Thuế Hà Tĩnh hoàn thuế, chiếm đoạt số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Tháng 8/2018, Lê Đình Quốc và 2 đồng phạm bị truy tố ra trước vành móng ngựa, chịu tổng mức án là 29,5 năm tù. Trong đó, Quốc chịu mức án 7 năm 6 tháng tù, thụ án tại Trại giam Xuân Hà (Cục C10 - Bộ Công an) đóng chân trên địa bàn xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Là người có tri thức, lại khéo tay, ngoan ngoãn nên sau một thời gian nhập trại, Quốc được bầu làm đội trưởng đội phạm nhân chuyên về vệ sinh, chăm sóc cây cảnh.

Sau gần 4 năm, Quốc đã được giảm án 2 lần và có tên trong danh sách đề nghị được đặc xá dịp Quốc khánh năm nay. Chia sẻ lòng mình, phạm nhân này cho biết, tuổi trẻ bồng bột, được thuê làm giám đốc công ty nên cũng có phần tự đắc, tự mãn dẫn đến những sai lầm trong quá khứ và phải trả giá. Những năm tháng rèn mình trong trại, được Ban giám thị, hội đồng cán bộ và quản giáo quan tâm, chỉ bảo nên đã nhận ra được đâu là giá trị thực của cuộc sống. Đó sẽ là những hành trang quý giá để khi tái hòa nhập cộng đồng, bản thân sẽ luôn xem là bài học để răn mình, không giẫm lên vết xe đổ của quá khứ.

Cũng là phạm nhân được đề nghị đặc xá, Hoàng Thanh Bằng (SN 1973), trú tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kom Tum đã lên kế hoạch tỉ mẩn cho tương lai của mình sau khi ra khỏi cánh cửa trại giam. 20 tháng trước, thời điểm dịch COVID -19 đang trong giai đoạn bùng phát, công việc buôn bán ở quanh khu vực cửa khẩu Bờ Y mà vợ chồng Bằng mưu sinh bị đóng băng. Một số người quen từ Hà Tĩnh vào chơi, đặt vấn đề muốn đi sang Lào để tìm kiếm cơ hội việc làm, Bằng thông thạo đường tắt, lối mở nên đã dẫn người vượt biên trái phép. Hậu quả là anh bị bắt, bị TAND tỉnh Hà Tĩnh kết án 36 tháng tù, thụ án tại Trại giam Xuân Hà.

Biết mình được đề nghị đặc xá, Hoàng Thanh Bằng cho biết, trở về xã hội sẽ làm lại cuộc đời bằng cách đầu tư vào trang trại của gia đình chứ không buôn bán quanh cửa khẩu nữa, bởi nhiều cám dỗ và lắm thị phi. “Tôi đã lên kế hoạch cho việc đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi và quyết tâm làm lại cuộc đời bằng chính công sức, trên chính mảnh đất của mình. Đó cũng là định hướng mà cán bộ quản giáo trại giam đã phân tích, chỉ bảo trong quá trình thụ án”, anh Bằng chia sẻ.

Được biết, dịp đặc xá và tha tù trước thời hạn năm nay, Trại giam Xuân Hà có 25 phạm nhân đủ điều kiện được Ban giám thị gửi danh sách đề nghị đặc xá. Thượng tá Bùi Quốc Toản, Phó giám thị trại giam cho biết: Tính đến thời điểm này, tại hai phân trại, Trại giam Xuân Hà đang quản lý, cải tạo và dạy nghề cho hơn 1.600 phạm nhân. Những người được đặc xá, giảm án và tha tù trước thời hạn dịp này đều là những phạm nhân có quá trình cải tạo tốt, đã từng được giảm án và được bầu chọn, xét duyệt công khai, minh bạch.

Cụ thể, ngay sau khi có quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và các hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, Trại giam Xuân Hà đã thành lập hội đồng xét đề nghị đặc xá, tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến từng phạm nhân và cán bộ quản giáo, niêm yết công khai đến tận từng buồng giam để các phạm nhân nắm bắt được chủ trương, tự soi xét xem bản thân đã đủ tiêu chuẩn chưa để viết đơn đề nghị.

Sau khi có danh sách, Ban giám thị đã liên hệ với thân nhân, gia đình các phạm nhân để hoàn tất các thủ tục liên quan cũng như chuẩn bị cho ngày đón họ trở về được tươm tất, chu đáo. “Chúng tôi đã trực tiếp thăm hỏi, gặp gỡ động viên từng phạm nhân, trang bị đầy đủ từ quần áo dân sự đến đôi dép, kịp thời trích quỹ hoàn lương để họ có tiền đi tàu, xe về nhà.

Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, người nhà không đến đón được thì trại giam sẽ bố trí xe đưa họ đến bến xe, ga tàu nơi gần nhất để tự về nhà”, Thượng tá Toản cho biết thêm. Cùng với đó, thời gian này Trại giam Xuân Hà cũng đang mở lớp học tiền tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân thuộc các đối tượng được đặc xá và những đối tượng chuẩn bị mãn hạn tù.

Mục đích là để trang bị, cập nhật cho phạm nhân những điều cơ bản về quyền lợi và nghĩa vụ sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Qua đó, giúp họ có thể nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tái hòa nhập cộng đồng.

Các phạm nhân được đề nghị đặc xá dịp này tại Trại giam Xuân Hà, chủ yếu phạm các tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm, đánh bạc, cố ý gây thương tích, buôn bán hàng cấm…

Phạm nhân đang có mức án cao nhất được đề nghị đặc xá dịp này là 7 năm 6 tháng tù. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức 2 lần xét đề nghị giảm án cho 693 phạm nhân và xét, đề nghị tha tù trước thời hạn cho 5 phạm nhân, giảm án chung thân xuống 30 năm cho 1 phạm nhân. Trại giam Xuân Hà hiện đang cải tạo, giam giữ hơn 1.600 phạm nhân, với hai phân trại ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà và xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Đơn vị hiện đang tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân với các ngành nghề chủ yếu là bóc tách long nhãn, gia công mi mắt, mây tre đan, mộc dân dụng, cơ khí… Từ đầu năm đến nay, có 500 lượt phạm nhân đã được dạy nghề và cấp chứng chỉ, để khi hết án, tái hòa nhập cộng đồng đảm bảo phạm nhân có thể sống được với chính nghề nghiệp của mình đã được đào tạo trong quá trình thụ án.

Thiên Thảo